Phân loại F0 để hỗ trợ điều trị hiệu quả tại nhà

Thứ ba, 22/02/2022 07:30

Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đối với các đơn vị, địa phương tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chiều 21-2 trong bối cảnh thành phố đang có hơn 90% số F0 đang được theo dõi, điều trị tại nhà.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chiều 21-2.

Ngày 21-2, Đà Nẵng ghi nhận 907 ca mắc COVID-19, gồm 110 ca đã cách ly và 797 ca cộng đồng. Các ca cộng đồng chủ yếu đến khám, xét nghiệm tại các cơ sở y tế và tự xét nghiệm tại nhà. Quận Thanh Khê ghi nhận ca mắc COVID-19 nhiều nhất trong ngày với 346 ca, tiếp đến là Sơn Trà 211 ca, Hải Châu 104 ca, Liên Chiểu 75 ca, Ngũ Hành Sơn 72 ca, Cẩm Lệ 48 ca, Hòa Vang 30 ca và 21 ca về từ ngoại tỉnh. Cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay, thành phố ghi nhận 38.556 ca, trong đó có 573 ca về từ ngoại tỉnh. Trong ngày, ngành Y tế xét nghiệm cho 9.576 lượt người, trong đó, xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 2.055 lượt người và test nhanh 7.521 lượt người.

Cũng trong ngày, có 2.885 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi, trong đó có 2.749 trường hợp được cách ly, điều trị tại nhà và 136 trường hợp được điều trị tại cơ sở y tế. Cụ thể, trong 136 trường hợp được điều trị khỏi COVID-19 tại các cơ sở y tế, gồm: Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho xuất viện 10 trường hợp, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang: 12 trường hợp, Bệnh viện dã chiến: 109 trường hợp, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà: 3 trường hợp và Bệnh viện Gia đình: 2 trường hợp. Hiện các cơ sở y tế này đang điều trị tổng cộng 1.441 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 260 ca nặng.

Đối với công tác cách ly, điều trị F0 tại nhà, trong ngày, các địa phương kết thúc cách ly, điều trị 2.749 trường hợp. Trong đó, tại quận Hải Châu 550 trường hợp, Thanh Khê 370 trường hợp, Sơn Trà 399 trường hợp, Liên Chiểu 274 trường hợp, Cẩm Lệ 402 trường hợp, Ngũ Hành Sơn 320 trường hợp và Hòa Vang 434 trường hợp. Hiện các địa phương đang cách ly, điều trị 23.063 trường hợp F0 tại nhà, trong đó 14.729 trường hợp không có triệu chứng, 8.455 trường hợp triệu chứng nhẹ. Cộng dồn đến nay có 62.541 trường hợp mắc COVID-19 được điều trị, cách ly tại nhà và 38.720 trường hợp trong số đó đã khỏi bệnh.

Đến nay, thành phố đã tiêm 2.361.592 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 982.834 người, mũi 2 cho 967.794 người và mũi 3 cho 410.964 người.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp chiều 21-2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đề nghị các địa phương tự đánh giá cấp độ dịch để kịp thời áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp; tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine mũi 3 cho người dân cũng như mũi 1 cho những người chưa được tiêm. Theo thống kê, hiện thành phố còn hơn 2.000 người chưa được tiêm vaccine vì nhiều lý do khác nhau. “Đề nghị Sở Tư pháp nghiên cứu các văn bản về mặt pháp lý, tham mưu biện pháp xử lý những người không đồng ý tiêm vaccine với lý do không phù hợp và phải chịu trách nhiệm khi mắc bệnh. Ngành Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm cho người dân và phải sẵn sàng khi Bộ Y tế có kế hoạch triển khai tiêm cho trẻ em ở độ tuổi thấp hơn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo.

Về công tác điều trị F0 tại nhà, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương tách các F0 ra thành hai nhóm, gồm nhóm có nguy cơ và không có nguy cơ. Đối với nhóm có nguy cơ, lực lượng y tế phải theo sát, kịp thời hỗ trợ về chuyên môn, tránh để bệnh nhân chuyển nặng gây áp lực và trở thành gánh nặng cho các cơ sở y tế điều trị tập trung.

Theo lãnh đạo thành phố, hiện vẫn còn rất nhiều F0 không khai báo mà tự điều trị tại nhà khi phát hiện dương tính. Điều này đang gây khó cho các đơn vị, địa phương trong công tác giám sát, quản lý đồng thời tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh khi rác thải của những F0 này không được lực lượng chức năng xử lý theo quy trình. “Đề nghị Sở Thông tin – Truyền thông tuyên truyền mạnh người dân nâng cao ý thức, tự giác khai báo khi phát hiện mắc COVID-19 để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Song song đó, tiểu ban điều trị chủ động phối hợp với tiểu ban truyền thông đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân không tự ý đặt mua, sử dụng các loại thuốc điều trị COVID-19 trôi nổi trên thị trường”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Liên quan đến việc cho học sinh bậc mầm non và tiểu học đến trường, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Giáo dục – Đào tạo phải có báo cáo hằng ngày về tình hình dịch bệnh tại các trường, đặc biệt là các ca nhiễm mới để Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố nắm; khẩn trương lên phương án, hướng dẫn cụ thể cho các trường về cách xử lý khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong trường học, tránh trường hợp mỗi trường làm một kiểu gây mất lòng tin trong phụ huynh, học sinh, ảnh hưởng đến việc dạy và học trực tiếp. Những vấn đề gì vướng mắc phải báo cáo cho thành phố kịp thời.

PHI NÔNG