Phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2018
Ngày 6-5, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động T.Ư và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2018 với chủ đề “Chủ động các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Tham dự lễ phát động có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam; đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO); đại diện các doanh nghiệp và hơn 600 công nhân lao động tại TP Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dùng bữa trưa với công nhân Ngày 6-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đi thăm và khảo sát vấn đề an toàn thực phẩm tại một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và bếp ăn tập thể dành cho công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm bếp ăn tập thể dành cho công nhân của Công ty TNHH Nidec Tosok tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Sau buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng với các thành viên trong đoàn công tác đã ăn trưa ngay tại nhà ăn của công nhân. Phó Thủ tướng đã ăn suất cơm công nhân và đánh giá cao chất lượng bữa ăn. “Sức khỏe của công nhân lao động là vốn quý bởi đây là lực lượng lao động chính của xã hội. Chăm lo cho bữa cơm công nhân cũng chính là chăm lo đến năng suất lao động. Những doanh nghiệp hiểu được điều này rất đáng trân trọng”, Phó Thủ tướng khẳng định. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dùng bữa ăn trưa của suất ăn công nhân tại công ty TNHH Nicdec Tosok Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại lễ phát động, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động Trung ương đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai hiệu quả, thiết thực với mục tiêu chăm lo và bảo vệ sinh mạng và sức khỏe người lao động, an sinh của người dân, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội. Trong đó, các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận diện và đề ra giải pháp ngăn ngừa các nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, kế hoạch hành động và triển khai thực hiện cụ thể; tăng cường phối hợp liên ngành, mở rộng triển khai các hoạt động an toàn vệ sinh lao động tới cấp cơ sở, trong khu vực có và không có quan hệ lao động, khu vực phi kết cấu, trong nông nghiệp, các làng nghề nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Trong giai đoạn mới, Việt Nam đứng trước những thách thức và nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động gia tăng, số doanh nghiệp và người lao động ngày càng nhiều; các ngành nghề mới, yếu tố nguy hiểm có hại do công nghệ, thiết bị, vật liệu, hóa chất mới ngày càng tăng. Ông Đào Ngọc Dung yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời tổng kết, nhân rộng các mô hình đảm bảo an toàn vệ sinh lao động phù hợp với từng ngành, nghề, lĩnh vực, quy mô doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Các doanh nghiệp cần đầu tư, đổi mới sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp... Người lao động cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn; kịp thời phản ánh với cơ quan chức trách hoặc kiên quyết từ chối hoặc rời bỏ công việc, nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn vệ sinh lao động để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.
B.T – T.T