Phát huy mạnh mẽ giá trị Di sản tư liệu Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hoàng Đạo Cương khẳng định: Di sản văn hóa là tài sản vô cùng quý báu, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử của mỗi quốc gia và của nhân loại. Trong đó, Di sản tư liệu phản ánh ký ức quốc gia và bản sắc của mỗi quốc gia đó, góp phần xác định vị thế của quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 là kết quả của những nỗ lực và trách nhiệm cao của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban quốc gia chương trình Ký ức thế giới Việt Nam, đặc biệt là vai trò của cộng đồng người dân có di sản và sự quyết tâm bảo vệ di sản của TP Đà Nẵng.
Bia ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII-XIX. Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo, ấn tượng, khởi đầu cho việc khai phá tiềm năng di sản tư liệu đặc biệt giá trị trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời lan tỏa các giá trị Việt Nam còn tiềm ẩn đối với bạn bè khu vực và thế giới. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị UBND TP Đà Nẵng xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kiểm kê di sản tư liệu có giá trị tiêu biểu trên toàn thành phố; lập đề án, dự án quản lý, tư liệu hóa, quảng bá di sản, tăng cường trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản tư liệu ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn nói riêng và các di sản văn hóa nói chung, góp phần vào sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn di sản tư liệu có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh nhiều mặt của địa phương và đất nước Việt Nam dưới thời phong kiến như lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa - giáo dục. Đặc biệt, từ nội dung bia ma nhai, chúng ta có thể tìm hiểu về quá trình giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các nước Đông Á từ thế kỷ XVII, biểu hiện tầm nhìn chiến lược biển, chính sách ngoại giao rộng mở, mềm dẻo của Việt Nam từ thời trung đại được kế thừa tới hôm nay, cũng như các kỹ thuật chạm khắc đá truyền thống còn lưu truyền đến ngày nay. Mỗi bia ma nhai tuy có sự khác nhau về hình thức, nội dung nhưng đều là tác phẩm nghệ thuật có giá trị, hàm chứa những nội dung lịch sử, nhân văn quý báu, được ra đời trong sự kết hợp của tâm hồn, tài hoa của thi nhân và kinh nghiệm, kỹ nghệ của người nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước. Bà Yến cũng bày tỏ niềm vinh dự, tự hào của đất nước Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng khi có thêm một di sản văn hóa vô giá mà ông cha ta đã sáng tạo, bồi đắp, gìn giữ, trao truyền lại cho cháu con được vinh danh, được cam kết giữ gìn để tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại. Đây cũng là điểm nhấn giúp giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, điểm đến du lịch của địa phương với cộng đồng trong nước và quốc tế. "Đà Nẵng cam kết sẽ nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh bảo vệ và phát huy giá trị ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn xứng tầm với vị thế của một Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.
Theo bà Miki Nozawa - Trưởng Ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, việc ghi danh trong danh mục của Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) chính là ghi nhận ý nghĩa và tầm vóc cấp khu vực của bộ sưu tập theo nhiều tiêu chí khác nhau, chẳng hạn như ý nghĩa lịch sử, tính độc đáo và tính xác thực... “UNESCO sẽ tiếp tục hành động và hỗ trợ quốc gia bảo tồn và gìn giữ di sản của mình. UNESCO sẽ khuyến khích xác định, bảo vệ và gìn giữ di sản để đảm bảo về hình ảnh của di sản và nhận thức về tầm quan trọng của di sản, đồng thời khuyến khích đối thoại và đa dạng văn hóa trên toàn thế giới”, bà Miki Nozawa cho hay.
Bảo Nam