Phát huy truyền thống đoàn kết, biến tiềm năng, lợi thế thành sức mạnh sau khi hợp nhất

Thứ bảy, 26/04/2025 06:52

Sáng 25-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP Đà Nẵng gồm các đại biểu Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Thị Kim Thúy, Nguyễn Duy Minh, Trần Chí Cường và Trần Đình Chung đã có buổi tiếp xúc 500 cử tri tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã thông tin với cử tri về chương trình dự kiến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và thông báo hoạt động của Đoàn ĐBQH sau Kỳ họp thứ tám đến nay.

Cử tri khu vực Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn phát biểu tại buổi tiếp xúc.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri 3 quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu.

Vấn đề được nhiều cử tri quan tâm phát biểu tại buổi tiếp xúc chính là chính sách, chế độ hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường, xã. Trong số 7 ý kiến về vấn đề này được nêu ra, có 2 ý kiến của cử tri Nguyễn Thị Thu Trang (quận Thanh Khê) và Nguyễn Thị Ái Ly (quận Liên Chiểu) được nhiều người tán đồng, ủng hộ. Các cử tri cho rằng, đối tượng đã nêu cống hiến cả tuổi thanh xuân cho công việc nhưng đến khi nghe kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách thì cảm thấy chạnh lòng. Cử tri Nguyễn Thị Thu Trang đề nghị: Quốc hội cần quan tâm có ý kiến, kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh Nghị định 29 theo hướng ưu tiên tăng mức chế độ đãi ngộ cho người hoạt động không chuyên trách, đảm bảo quyền lợi công bằng, hợp lý và tương xứng với sự đóng góp của họ. Cách tính nhiệm kỳ đối với các chức danh bầu cử tại xã, phường là chưa hợp lý mà thay vào đó là hỗ trợ theo số năm thâm niên công tác thực tế tại địa phương để đảm bảo công bằng. Cử tri Nguyễn Thanh Ngọc (quận Thanh Khê) bức xúc khi nhắc đến nạn sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, nước mắm giả… "Tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của nhiều người ở các lứa tuổi khác nhau. Tôi đề nghị cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành, không thể buông lỏng quản lý như lâu nay và phải có giải pháp quyết liệt, xử lý triệt để nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người dân", cử tri Ngọc nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cử tri 3 quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê cũng bày tỏ quan tâm đến tình trạng quy hoạch treo, lừa đảo qua mạng, chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy, sáp nhập phường, xã; bố trí công sở dôi dư sau sắp xếp và một số ý kiến khác liên quan đến thành phố về cơ sở hạ tầng, giải quyết tình trạng ngập úng khu dân cư.

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đánh giá, các ý kiến phát biểu của cử tri tại buổi tiếp xúc đều rất tâm huyết, thể hiện trách nhiệm với sự phát triển thịnh vượng và trường tồn của đất nước. Đại biểu Nguyễn Văn Quảng đề nghị, lãnh đạo TP Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo, xem xét giải quyết các kiến nghị của người dân theo thẩm quyền. Với những việc vượt thẩm quyền, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tiếp thu đầy đủ, tổng hợp đề nghị Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành xử lý.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Văn Quảng cũng đã thông tin, trao đổi một số nội dung trọng tâm về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của TP Đà Nẵng và một số vấn đề người dân đang quan tâm. Trong đó, tập trung nguồn lực cần thiết để bộ máy TP Đà Nẵng (mới), các phường, xã mới sớm ổn định tổ chức và hoạt động; đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân. "Tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, xem đây là hồn cốt, sức mạnh của TP Đà Nẵng mới. Giữ gìn và phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, cùng nhau suy nghĩ, hành động để biến tiềm năng, lợi thế thành sức mạnh sau khi hợp nhất…", đại biểu Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Chiều cùng ngày, các đại biểu Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Thị Kim Thúy, Nguyễn Duy Minh, Trần Chí Cường, Trần Đình Chung đã có buổi tiếp xúc với cử tri các phường của quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.

Cử tri khu vực Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn phát biểu tại buổi tiếp xúc.

Cử tri bày tỏ sự phấn khởi, đồng tình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và thành công của cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nêu lên những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong quá trình triển khai cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy và đơn vị hành chính trên cả nước nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng. Cử tri Lê Thị Thảo cho rằng, có nhiều cán bộ mang danh bán chuyên trách nhưng thực chất lại thực hiện công việc như một cán bộ chuyên trách. Do đó, cử tri đề xuất cần có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý hơn nhằm hỗ trợ, động viên lực lượng này. Trong khi đó, cử tri Lê Tấn Ca đề xuất cần có cơ chế rõ ràng trong việc phát hiện, tuyển chọn và trọng dụng người tài ở cấp xã, phường. Cử tri Lê Hồng Kỳ bày tỏ mong muốn các đơn vị hành chính sau khi được sáp nhập, thành lập mới cần được đặt tên phù hợp, mang ý nghĩa lịch sử, gắn với truyền thống và văn hóa địa phương nhằm giữ gìn bản sắc và nâng cao giá trị tinh thần cho người dân. Nhiều cử tri cũng đề nghị cần có biện pháp và tránh chạy chức chạy quyền trong thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tránh trường hợp chỉ là "thay đổi chỗ làm việc", cán bộ giỏi, có tâm huyết xin nghỉ, người không có hoặc trình độ chuyên môn không phù hợp thì lại tiếp tục được bố trí việc. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã cũng cần có nghiên cứu để đảm bảo công tác quản lý hiệu quả trên thực tế, tránh việc sáp nhập rồi nhưng địa bàn quá rộng lại bỏ sót công tác quản lý…

Đại biểu Nguyễn Văn Quảng trân trọng ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm từ cử tri, đồng thời cập nhật lộ trình xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng; thành lập Khu thương mại tự do… Liên quan đến cải cách hành chính, đại biểu Nguyễn Văn Quảng cho biết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV cũng thảo luận sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp. Theo đó, chức năng của cấp quận, huyện sẽ được chuyển về xã, phường, đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy, lãnh đạo, điều hành. Đà Nẵng cũng đã bước vào giai đoạn 1 của cuộc sắp xếp, giảm 5 sở và 26 phòng cấp thành phố, 14 phòng cấp quận, huyện, đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn 2 không tổ chức chính quyền cấp quận, huyện, sáp nhập các phường, xã, giảm 66% đơn vị hành chính. Thành phố cũng chú trọng đặt tên mới theo truyền thống lịch sử và văn hóa địa phương, được cử tri đồng thuận cao với tỷ lệ 98,78%.

Về chủ trương hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Văn Quảng cho biết các cuộc họp giữa Ban chỉ đạo hai địa phương đã thống nhất định hướng, dự kiến hoàn thành đề án trước ngày 30-4-2025. Việc giữ tên gọi TP Đà Nẵng sau hợp nhất cũng nhằm kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vốn là hồn cốt của vùng đất này.

Phương Kiếm - Lê Anh Tuấn