Phát triển đô thị là nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, các ngành

Thứ năm, 01/12/2022 10:08
Sáng 30-11, Chính phủ tổ chức Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 nhằm phổ biến, triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11-11-2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-01-2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 
Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ và điểm cầu trụ sở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì Hội nghị.

Giải pháp chủ yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Trước đó, ngày 24-1-2022, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 11-11-2022 Chính phủ ra Nghị quyết số 148/NQ-CP để thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết số 148/NQ-CP đề ra 5 nhóm nhiệm vụ gồm 33 nhiệm vụ và 15 chỉ tiêu cụ thể trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Nội dung Nghị quyết 148 thể hiện vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ.

Tại Hội nghị, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) phát biểu ghi hình chào mừng Hội nghị. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trình bày các tham luận, các nhiệm vụ, giải pháp của ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP. Đại diện Ngân hàng Thế giới đưa ra các đề xuất về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững; đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đô thị hóa, nhằm đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam báo cáo tổng hợp nội dung và đề xuất, kiến nghị từ ba hội thảo chuyên đề hướng tới Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 gồm: Nâng cao chất lượng quy hoạch hướng đến phát triển bền vững; Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị; Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị; các kiến nghị cần tiếp tục triển khai...

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đô thị có vai trò quan trọng trong tổ chức không gian phát triển, bố trí nơi ở, sinh hoạt cho người dân; là nơi quy tụ các trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, là nơi cung cấp hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu và nguồn lực bao gồm cả nguồn lực tài chính cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động gắn với đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay, đô thị chỉ chiếm một diện tích nhỏ nhưng có đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia, đô thị và đến sự phát triển của con người. Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội đối với mỗi quốc gia, khu vực, địa phương để có thể phát triển, tăng trưởng đột phá về mọi mặt.

Trên thế giới, các đô thị đang tạo ra đến 80% GDP toàn cầu, trong đó 100 thành phố lớn nhất chiếm khoảng 35% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, các đô thị đang đóng góp đến 70% GDP cả nước. Thời gian tới, cùng với thời cơ và bối cảnh phát triển chung, đô thị hóa tại Việt Nam tiếp tục gia tăng về tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa, do vậy việc quan tâm hoạch định chính sách, giải pháp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị có kế hoạch, có lộ trình là nhiệm vụ quan trọng để có thể tận dụng được lợi thế từ khu vực đô thị, đồng thời giải quyết các vấn đề, thách thức trong phát triển đô thị hiện nay.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao và coi việc “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Chính phủ.

Nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, các ngành

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững đô thị Việt Nam cần có cách tiếp cận tổng thể; triển khai với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt phải quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị; nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện quy hoạch; bám sát thực tiễn, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; phát huy mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển đô thị, nhất là hợp tác công tư; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp; quản lý, kiểm tra, giám sát việc phát triển đô thị...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chủ trương, chính sách về phát triển đô thị thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao.

"Phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng, đô thị là không gian chung dành cho tất cả mọi người và là mắt xích quan trọng kết nối các ngành, lĩnh vực khác nhau. Các ngành cần rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện song song, thiết thực tạo hiệu ứng cộng hưởng, phối hợp chung, thống nhất trong phát triển đô thị vì lợi ích chung và mục tiêu chung", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, các đô thị Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn, phát huy; góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

PHẠM TIẾP