Phê duyệt Đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn TP Đà Nẵng”

Thứ ba, 28/05/2024 17:33

Chiều 28-5, bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, cho hay: UBND TP Đà Nẵng vừa có Quyết định số 952/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn TP Đà Nẵng”. Theo đề án này, việc phát triển lĩnh vực du thuyền bao gồm công nghiệp du thuyền dịch vụ du thuyền trên địa bàn TP là cần thiết, góp phần tạo động lực phát triển mới cho TP, đặc biệt phát triển du lịch vốn là lĩnh vực mũi nhọn, thế mạnh của TP.

Ngày càng có nhiều du thuyền trong và ngoài nước neo đậu trên sông Hàn.
Du thuyền của tỷ phú người Anh Joe Lewis đến thăm TP Đà Nẵng vào năm 2019.

Theo đề án này, mục tiêu cụ thể của lĩnh vực du thuyền của TP, giai đoạn từ nay đến năm 2030: tập trung xây dựng hạ tầng bến du thuyền quốc tế gắn với dịch vụ tầm cỡ quốc tế tại khu vực vịnh Đà Nẵng, từng bước hình thành hạ tầng ban đầu của công nghiệp du thuyền và kêu gọi đầu tư cơ sở đóng mới du thuyền cỡ vừa và nhỏ, đảm bảo về cơ bản hoàn thiện đầu tư hạ tầng bến du thuyền quốc tế và nội địa trên địa bàn TP, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền với mức đóng góp vào GRDP của TP đạt 2 -3% (trong đó, dịch vụ du thuyền đóng góp 1,5 - 2,3%, công nghiệp du thuyền đóng góp 0,5 - 0,7%); tầm nhìn đến năm 2050: phát triển công nghiệp đóng mới du thuyền chuyên nghiệp, hiện đại và chuyển đổi bến cảng biển Tiên Sa trở thành bến cảng biển du thuyền quốc tế, tiếp tục phát triển ổn định công nghiệp du thuyền đưa dịch vụ liên quan du thuyền trở thành thương hiệu đặc trưng của TP, nâng mức đóng góp vào GRDP của TP đạt khoảng 4 - 5% (trong đó, dịch vụ du thuyền đóng góp 3 - 3,5%, công nghiệp du thuyền đóng góp 1 - 1,5%).

Về phương án phát triển lĩnh vực du thuyền trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với công nghiệp du thuyền sẽ phát triển các ngành công nghiệp đóng mới du thuyền; công nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa du thuyền, thay thế phụ tùng nội thất du thuyền; công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, công nghiệp đóng mới du thuyền giai đoạn đến năm 2030, từng bước hình thành hạ tầng công nghiệp đóng mới du thuyền phù hợp với ưu thế, tiềm năng của công nghiệp, dịch vụ và sản phẩm du lịch của TP, đồng thời có khả năng tiếp cận nhanh nhu cầu thị trường trong nước, ưu tiên phát triển cơ sở đóng mới du thuyền cỡ vừa và nhỏ, không có yêu cầu cao về mặt nước tại vị trí có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và kết nối giao thông thuận lợi, có thể tận dụng hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tại các khu công nghiệp (ưu tiên Khu công nghiệp Liên Chiểu) và các khu vực tiềm năng khác (dự kiến quỹ đất phát triển 5 - 10ha với năng lực sản xuất dự kiến đạt 20 - 30 du thuyền cỡ vừa và nhỏ/năm); giai đoạn đến 2050, tiếp tục mở rộng quy mô ngành công nghiệp sản xuất du thuyền cỡ vừa và nhỏ, đồng thời phát triển công nghiệp đóng mới du thuyền hiện đại, tiếp cận các công nghệ và phân khúc sản phẩm mang tính quốc tế, từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị gia tăng gắn với hoạt động sản xuất du thuyền từ khâu thiết kế, gia công, lắp đặt đến hoàn thiện sản phẩm.

Tăng cường đảm bảo an toàn đường thủy mùa du lịch cao điểm

Mùa cao điểm du lịch, lượng khách tham quan tăng đột biến ở tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm và một số tuyến đường thủy nội địa khác như sông Thu Bồn, lòng hồ Phú Ninh, Hòn Kẽm Đá Dừng. Vì vậy, nhiều giải pháp đảm bảo an toàn được lực lượng Cảnh sát đường thủy thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Quảng Nam triển khai quyết liệt.

Đối với dịch vụ du thuyền sẽ phát triển các dịch vụ gồm có: dịch vụ cảng bến, dịch vụ thương mại, dịch vụ vận chuyển hành khách, dịch vụ an ninh và an toàn hàng hải, dịch vụ khác. Trong đó, dịch vụ cảng bến với định hướng phát triển các dịch vụ gồm: neo đậu, hoa tiêu, lai dắt, xuất nhập cảnh, cung cấp nhân lực vận hành du thuyền như thuyền trưởng, thuyền viên, cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, vệ sinh du thuyền, v.v… tại các bến cảng Tiên Sa, bến du thuyền quốc tế trên sông Hàn, Thuận Phước..., đồng thời nghiên cứu ưu tiên đầu tư xây dựng bến du thuyền, thuyền buồm cỡ nhỏ tại Khu du lịch làng Vân, khu vực InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (bán đảo Sơn Trà), khu vực đô thị ven sông Cổ Cò và trên sông Hàn.

Về luồng tuyến hoạt động du thuyền đường thủy nội địa sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác trọng tâm tuyến sông Hàn – cầu Trần Thị Lý; nghiên cứu phát triển thêm các tuyến: sông Hàn – Ngũ Hành Sơn, sông Hàn – sông Cổ Cò, sông Hàn – sông Vĩnh Điện – Hòn Kẽm Đá Dừng (sông Thu Bồn), sông Hàn – sông Vĩnh Điện – sông Quá Giáng – sông Lạc Thành – sông Ái Nghĩa – sông Vu Gia, sau năm 2025 sẽ nghiên cứu phát triển thêm các tuyến trên sông Cu Đê – Trường Định, bến Hầm Vàng; về các tuyến ven biển, ưu tiên phát triển các tuyến gắn liền với du lịch biển đảo của Đà Nẵng, cụ thể như sau: tuyến sông Hàn – cửa biển – bán đảo Sơn Trà, tuyến sông Hàn – Cù lao Chàm, tuyến sông Hàn – hòn Chảo, v.v…

Ngày càng có nhiều du thuyền trong và ngoài nước neo đậu trên sông Hàn.

Đối với vốn đầu tư phát triển lĩnh vực du thuyền của TP trong giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn TP sẽ có khoảng 38 dự án ưu tiên đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 7.260 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư cho công nghiệp du thuyền là 5.700 tỷ đồng (78%), vốn đầu tư cho dịch vụ du thuyền là 1.560 tỷ đồng (22%).

Trong đó, có các dự án đáng chú ý như: Bến du thuyền quốc tế trên sông Hàn ở phía đường Bạch Đằng (Q.Hải Châu) với diện tích 1ha; Bến du thuyền quốc tế tại Khu đô thị Đa Phước (Q.Hải Châu) với diện tích 3ha (giai đoạn 1); Bến du thuyền quốc tế Thuận Phước (Q.Sơn Trà); Bến du thuyền khu vực cảng biển Tiên Sa (Q.Sơn Trà); Bến du thuyền DHC Marina (Q.Sơn Trà); Bến du thuyền Euro Village (Q.Sơn Trà); Bến du thuyền Bạch Đằng ở gần cầu Nguyễn Văn Trỗi (Q.Hải Châu); Bến du thuyền ở khu vực chân cầu Rồng (Q.Hải Châu); Bến du thuyền tại Khu du lịch Làng Vân (Q.Liên Chiểu); Bến du thuyền tại Khu nghỉ dưỡng Intercontinental Pennysula Resort ở bán đảo Sơn Trà (Q.Sơn Trà), v.v…

PHÚ NAM