Phía trước là ngàn dặm

Thứ tư, 10/04/2024 14:59
"Phía trước là ngàn dặm" là tựa đề tập truyện ký của Cẩm Lệ, do Nxb Hội Nhà văn ấn hành tháng 3-2024, gồm 12 câu chuyện viết về những nơi chốn, vùng miền trên mọi miền đất nước mà tác giả đã từng sống, làm việc hoặc ghé qua.
Bìa sách "Phía trước là ngàn dặm".
Bìa sách "Phía trước là ngàn dặm".

Cẩm Lệ là bút danh của Võ Văn Hòe, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng. Trước đó, ngoài các sáng tác văn học như: Khói rơm (thơ, 2023), Không có chỗ an nhàn (bút ký, 2023)…, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu văn học dân gian, văn hóa dân gian, địa danh góp phần lưu giữ những nét phong tục, tập quán của xứ Quảng như: Tết xứ Quảng (2005), Văn hóa dân gian Hòa Vang (2008), Tập tục lễ hội đất Quảng (Chủ biên, 2009); Nghề và làng nghề đất Quảng (chủ biên, 2010), Nét đặc sắc trong văn hóa làng Phước Thuận (2010), Địa chí dân gian làng Phong Lệ (2010), Văn hóa dân gian Hòa Vang (2012), Ẩm thực đất Quảng (Chủ biên 2011), Địa danh TP Đà Nẵng (4 tập), Vè xứ Quảng & Chú giải (2016), Địa danh Quảng Nam xưa và nay (2020)… Vì thế, với tập truyện ký "Phía trước là ngàn dặm", người đọc sẽ không ngạc nhiên khi tác giả Cẩm Lệ dành nhiều nội dung sâu sát xoay quanh các chủ đề về đời sống văn hóa nông thôn, đặc biệt ở Cẩm Lệ, vùng đất ngoại thành Đà Nẵng, quê hương của tác giả.

Ở phần 1 tác phẩm (Không có đường lui), ngoại trừ vài truyện ký gởi gắm những nỗi niềm, tình cảm trai gái riêng tư, trăn trở về số phận ("Bếp than hồng" , "Hai phía cuộc đời", "Bên ngoài cửa lớp"), thì ngay trong bài viết đầu tiên mang tên "Giã bánh dầu", tác giả đã kể câu chuyện chuẩn bị đón Tết tại một ngôi làng nằm dưới chân núi Phước Tường chuyên nghề thuốc lá Cẩm Lệ và sản xuất nông nghiệp. Nơi đây, có gia đình làm đến năm ngàn cây thuốc, phải cần đến nhiều nhân lực lao động để chăm sóc thường xuyên trong ba tháng cho một mùa thuốc lá. Bánh dầu được quấn bằng rơm rạ, ép trong khuôn bằng niềng tre, mỗi tấm nặng chừng hơn hai ký lô. Dầu lấy xong còn xác, bón các loại cây trồng rất tốt. Cây thuốc lá có bón phân dầu, thuốc lá sẽ ngon hơn, lá dày hơn, nhiều nhựa hơn và khi hút có tàn thuốc màu trắng gọi là tàn kim… Thế nhưng, trong câu chuyện đêm giã bánh dầu cận kề mùa Tết lại bị chi phối bởi câu chuyện khánh thành ngôi đình làng vừa tái thiết xong, người ta rước đám hát Bội về diễn cho dân làng xem. Vậy là đêm giã bánh dầu được dời sang tối mai. Tại đám hát, tác giả có đoạn: "Có lẽ rất ít dịp dân làng tề tựu đông đủ như thế này, nên đêm nay họ được dịp làm quen, nói chuyện làm ăn, chuyện nhà cửa, chuyện học hành, chuyện chồng con…", và kế đến: "Rồi hai ông lại bàn tiếp chuyện hát bội, chuyện tuồng pho khác với tuồng đồ thế nào, rồi phải hát làm sao cho ra mặt tuồng. Trên tay các ông, điếu thuốc Cẩm Lệ cháy lập lòa…".

Còn ở "Chấm rầy", Võ Văn Hòe đưa người đọc đến với những người nông dân lặn lội trên những cánh đồng, hằng ngày chăm sóc mùa màng, giữ gìn và đối phó với sâu bọ, chim chuột phá hoại các loại cây trồng. Đặc biệt, nơi đó là một miền đất "không làm cây thuốc lá coi như đói". Bởi vậy, trong công việc ngày mùa với họ là hết sức công phu: phân tro, rầy dề, tưới nước , bánh dầu rồi lại phải chấm rầy!...

"Cu ngói sông Yên, cá liên Phú Túc" kể lại chuyện diễn ra trên đoạn sông dài chừng mười cây số, với hình ảnh ấn tượng cá mòi trắng từ cửa sông Hàn lần lượt ngược dòng nước ngọt bơi về đầu sông sinh đẻ. Theo truyền thuyết địa phương: "Vào mùa thu khi con cu ngói sinh đẻ, nuôi con, biết được ngày chim con dài cánh muốn bay, cu mẹ chuyền tập bay cho con vài ba bữa. Khi chim con bay được rồi, cu ngói mẹ cất cánh lên cao ngoái nhìn nơi sinh thành lần nữa rồi đột nhiên trong tiết thu trong, rẽ một đường bay, bay về phía tận cửa sông xa, bay theo hướng những rặng tre già xuống biển. Tại đây cu ngói hóa thân, trở thành cá mòi trắng". Cứ như thế, tác giả dẫn dắt câu chuyện đến món ẩm thực đặc sản độc đáo, thú vị của miền quê nơi đây.

Phần II (Miền lưu dấu) là những truyện ký mà tác giả, do những hoàn cảnh khác nhau, đã được trải nghiệm qua những vùng miền của đất nước để lại trong ông những ấn tượng đặc sắc nhất. Trong số đó, "Hắn và mấy thằng bạn" là những mẩu chuyện buồn vui của mấy anh thanh niên xứ Quảng vừa tốt nghiệp Tú Tài, bước vào năm đầu tiên Đại học Huế. Tại nơi đây, chưa kịp làm quen với những thắng cảnh, đền đài, lăng tẩm của triều Nguyễn dựng xây từ mấy trăm năm trước, thì bọn họ đã phải đối mặt với một khúc ngoặt mới, đầy biến động của lịch sử: thời điểm trước và sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thế là bao chuyện đầy kỷ niệm suốt thời trai trẻ chẳng thể nào quên. Có khi là "ngủ trên đèo", có khi "quét chợ dọn đường" buồn vui, dở khóc dở cười …

Ở một số truyện ký khác của phần này như: "Trong không gian văn hóa Hà Giang", "Đi chợ Khâu Vai", "Trên đỉnh Sa Pa", "Quan họ, chùa Dâu một góc nhìn"… có lẽ với tác giả là những miền đất khá mới mẻ, nên các truyện thể hiện khá nhiều góc cạnh cảm xúc bất ngờ, dễ lay động tâm hồn những bạn trẻ ngày nay theo xu hướng "xách ba lô lên và đi…".

Trần Trung Sáng