Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thườngᐠvụ Quốc hội: Quy định chặt việc tiếp nhận tài sản cho, biếu, tặng

Thứ sáu, 21/04/2017 07:35

(Cadn.com.vn) - Sáng 20-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho các dự án còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Đề nghị bổ sung “số đẹp” vào tài sản công

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về khái niệm tài sản công, phân loại tài sản công; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị... Đối với khái niệm tài sản công, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật quy định khái niệm về tài sản công chưa rõ ràng, chưa bao quát hết tất cả các loại tài sản, chỉ mang tính liệt kê và thiếu tính thống nhất với Hiến pháp 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác; có ý kiến đề nghị không loại trừ tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ ra khỏi khái niệm tài sản công.

Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thực tế hiện nay, các đặc trưng cơ bản của tài sản công đã được quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, để có cơ sở xây dựng chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công theo kết cấu trong Luật này, ngoài những đặc trưng cơ bản của tài sản công theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp, trong khái niệm về tài sản công cần liệt kê các nhóm tài sản lớn. Tại nhiều nước, khái niệm tài sản công cũng sử dụng phương pháp liệt kê. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định như dự thảo luật. Theo đó, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.

Đối với phân loại tài sản công, một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu; vùng trời, vùng biển; giá trị lịch sử, văn hóa; tài sản vô hình, thương hiệu... vào Điều 4 của dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào khoản 6 Điều 4 của dự thảo Luật Tài sản công là “kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật”. Một số loại tài sản công cụ thể như quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, thương hiệu, tài sản vô hình, tài sản giá trị lịch sử, văn hóa, vùng trời, vùng biển...  đã thuộc các nhóm tài sản thuộc cơ quan quản lý nhà nước hoặc tài sản kết cấu hạ tầng hoặc tài sản tài nguyên. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thể hiện tại các điều, khoản cụ thể khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng của từng loại tài sản; đồng thời bổ sung thẩm quyền của Chính phủ quy định khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước.

Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến tại phiên họp sáng 20-4. Ảnh: Phương Hoa

Cần quản lý chặt chẽ tài sản cho, biếu, tặng...

Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng ngay trong Luật. Thực tế hiện nay, một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô-tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, dẫn đến việc phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho, biếu, tặng; hoặc tài sản được cho, biếu, tặng đúng tiêu chuẩn, định mức, nhưng cá nhân lãnh đạo sử dụng tài sản đó cũng gây dư luận không tốt trong xã hội.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định 64/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng và Nghị định 29/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể về điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật, đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trường hợp tổ chức, cá nhân tặng cho vẫn có nguyện vọng thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc tiếp nhận và sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng có nhiều trường hợp sai quy định, gây dư luận không tốt, đặc biệt đối với tài sản là ô-tô và các tài sản phục vụ cho cá nhân. Mặt khác, mặc dù tài sản cho, biếu, tặng đúng tiêu chuẩn, song việc cá nhân sử dụng tài sản này cũng dễ gây nghi ngờ về tính khách quan khi xử lý các vấn đề liên quan đến đơn vị, cá nhân cho, biếu, tặng. Do đó, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 10 về các hành vi bị cấm như sau: “Sử dụng xe ô-tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho để phục vụ cho cá nhân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng nếu là quà cho, biếu, tặng mà không nhận để tăng tài sản của Nhà nước thì rất phí, nhưng việc trục lợi hoặc đánh giá động cơ sử dụng từ những quà tặng này lại rất khó khăn. “Nếu cho, biếu, tặng, rồi sau đó có mối quan hệ, có hợp đồng kinh tế, có mối liên hệ qua lại thì thực sự rất khó minh bạch. Vì vậy cần có quy định chặt chẽ để động cơ cho, biếu, tặng không ảnh hưởng đến việc trục lợi cá nhân”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phân tích. Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị, để tránh việc trục lợi từ việc cho, tặng, biếu tài sản thì toàn bộ xe, phương tiện được cho, biếu, tặng phải được tập hợp lại và xử lý nghiêm.

Kết luận phần nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, quy định về cho, biếu, tặng tài sản không nên cứng nhắc vì cá nhân, doanh nghiệp tặng tài sản cho Nhà nước là điều bình thường, quan trọng là người sử dụng có đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn không. “Nếu biếu, tặng không đúng định mức thì không được sử dụng, thừa thì đấu giá sung công quỹ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

l Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho các dự án còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo Tờ trình của Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết Kế hoạch đầu tư công trung hạn (còn lại) giai đoạn 2016 – 2020, tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 được Quốc hội thông qua là 2 triệu tỷ đồng. Số vốn triển khai phân bổ chi tiết cho các dự án của các bộ, ngành, địa phương là 1 triệu 740 nghìn tỷ đồng.

B.T (Theo TTXVN)

Vẫn chưa thể kiểm soát được an toàn thực phẩm

Chiều 20-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”. Báo cáo cho thấy, 5 năm qua, các cơ quan chức năng trên cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3 triệu 350 nghìn cơ sở, nhưng chỉ  phát hiện hơn 670 nghìn cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%. Đặc biệt, chỉ có duy nhất 1 vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm bị khởi tố hình sự. Trong khi đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm lại diễn ra khá nghiêm trọng tại một số địa phương. Từ năm 2011 đến tháng 10-2016, toàn quốc đã ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30 nghìn nạn nhân, trong đó 164 người đã tử vong.

Quá trình giám sát cho thấy vẫn chưa thể kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, nhất là thực phẩm sản xuất từ khu vực kinh doanh nhỏ, lẻ, thủ công; biện pháp, công cụ quản lý còn hạn chế; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm hầu như chưa được thực hiện...

Tham dự phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm là do xử lý chưa nghiêm, việc thực thi trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương chưa tốt... Theo Bộ trưởng cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này, đồng thời lưu ý tới các giải pháp mang tính đột phá về bộ máy, con người, tài chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu quan điểm, không chỉ riêng Luật An toàn thực phẩm mà hầu hết các luật, sau khi ban hành một thời gian đều có nhu cầu sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tế. Phó Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm là do khâu tổ chức thực hiện. Cũng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng nguyên nhân chính của tình hình là do khâu tổ chức thực hiện. Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt cũng như làm chưa tốt trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm để có cơ chế khen thưởng hay kỷ luật, qua đó đề cao trách nhiệm cá nhân.

P.V