Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Trương Ngọc Để: Phải chủ động mới hy vọng đạt kết quả!

Thứ sáu, 02/12/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Sau khi Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh giành 2 tấm vé dự Olympic 2012 cho Taekwondo Việt Nam, vấn đề người hâm mộ quan tâm nhất là kế hoạch chuẩn bị cho 2 VĐV đến London. PV đã có cuộc trao đổi với ông Trương  Ngọc Để - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam

 Ông Trương Ngọc Để chia vui cùng VĐV. Ảnh: HUY TƯỜNG

- Những lần chuẩn bị cho Olympic trước đây, Taekwondo Việt Nam thường rơi vào cảnh bị động dẫn đến việc không giành được huy chương. Vậy chúng ta sẽ đầu tư thế nào cho Olympic London đạt hiệu quả, thưa ông?

+ Đội Taekwondo Olympic Việt Nam chia 2 giai đoạn chuẩn bị: giai đoạn 1 từ tháng 1 đến tháng 5-2012 (tức thời điểm dự giải vô địch Châu Á từ ngày 4 đến 8-5 tại TPHCM); giai đoạn 2 từ tháng 6 đến 15-8. Khi tập huấn nước ngoài, chúng tôi sẽ chọn những địa điểm phù hợp với thời tiết, múi giờ của London. Việc luyện tập với áo giáp điện tử phải được quan tâm đúng mực, vì khi thi đấu với giáp điện tử, kỹ thuật tung đòn của các võ sĩ sẽ có sự điều chỉnh mới ghi được điểm. Theo đó, 1 tuần, ít nhất các võ sĩ phải được tập luyện với loại giáp này 2 buổi để điều chỉnh kỹ thuật cho phù hợp nhất.

Rút kinh nghiệm từ những lần chuẩn bị trước, hướng tới Olympic London 2012 với quỹ thời gian còn khoảng 7 tháng, Taekwondo Việt Nam sẽ thành lập ĐT Olympic riêng. Theo đó, ngoài BHL, chuyên gia, bác sĩ và 2 tuyển thủ Huỳnh Châu, Diệu Linh, đội sẽ triệu tập thêm 3 võ sĩ "quân xanh" cho mỗi hạng cân cùng luyện tập và cọ xát. Ngoài ra, bộ môn Taekwondo Tổng cục TDTT và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam dự kiến mời chuyên gia Iran huấn luyện cho đội nam và chuyên gia Hàn Quốc theo dõi đội nữ.

- Qua 2 kỳ Olympic không giành huy chương, theo ông, tại London sang năm, Taekwondo Việt Nam có thực hiện được mục tiêu huy chương. Chúng ta cần phải làm gì để hiện thực được mục tiêu?

+Tại Olympic Athens và Olympic Bắc Kinh, Taekwondo Việt Nam đều trắng tay nên lần này Bộ môn, Liên đoàn và BHL quyết tâm nhiều hơn và đặt mục tiêu phải có thành tích vì các VĐV có khả năng phát triển và có nhiều khát vọng. Để làm được điều đó, chúng ta phải có kế hoạch phù hợp và giải quyết tốt các điều kiện kèm theo (trang thiết bị tập luyện, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế...). Chế độ đãi ngộ dành cho các VĐV cũng phải được tính đến. Ngay khi giành được 2 vé đến London, chúng tôi đã đề xuất lãnh đạo Tổng cục TDTT và các địa phương nên khen thưởng cho các VĐV giành được suất dự Olympic theo tiêu chuẩn một VĐV đạt thành tích Asian Games để động viên, khuyến khích các em. Còn về quá trình đầu tư, nếu kinh phí đầu tư cho đội mà Tổng cục TDTT không kham nổi thì chúng tôi sẽ chủ động làm việc với địa phương chủ quản của các võ sĩ tham dự Olympic để có thêm sự hỗ trợ để đảm bảo kế hoạch đề ra, giống như trường hợp "kình ngư" Hoàng Quý Phước - Đà Nẵng sẵn sàng hỗ trợ tối đa để VĐV này đạt thành tích cao nhất. Việc chọn địa điểm tập huấn tại nước ngoài còn phải căn cứ vào từng quốc gia có hay không có VĐV tham dự Olympic để có được hết điều kiện luyện tập.

Nói tóm lại, chúng ta cần chủ động trong tất cả các khâu chuẩn bị mới hy vọng đạt kết quả cao.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Khánh Hòa

(thực hiện)