Phố Tết
Phố ấy từ thấp đến cao, từ chỗ có mảng vỡ vỉa hè đến hàng chắn ngang chia đôi con đường. Buổi chiều về khi đến đường thắp sáng, người ăn mặc đẹp phóng xe qua, thấy yêu con phố đến lạ.
Phố quá quen với bao nhiêu năm bao nhiêu tháng. Phố trở mình bằng những chuyến buýt đầu tiên, học trò chen đợi, rợp trời màu áo trắng. Là cái lần đi tìm đỏ mắt một chỗ vá xe, sợ trễ buổi làm. Phố có những ngôi nhà xinh xinh, giàn hoa vàng, hoa tím rủ trên hàng rào làm không cuỡng được sự tò mò, dừng lại nhìn ngắm.
Mỗi con phố đều có cái hồn rất riêng, đó là tuổi thơ của ai đó lớn lên, là tình yêu của ai đó trọn vẹn hay ly tan. Mỗi năm theo quy luật tự nhiên của đất trời, tết dịu dàng chợt đến. Phố mỗi năm cũng thay đổi chính mình đón tết hồn nhiên.
Từ 23 tháng chạp, khi tiễn ông Táo về trời, phố đã trở nên rộn rã với cảnh người bán buôn. Góc phố nào trống chỗ, thuận lợi buôn bán là ngay tức khắc những góc phố ấy thành góc chợ hoa. Đi lạc trong phố hoa, có thể chỉ ngắm nhìn tiêu khiển, tò mò giữa sắc hương. Lòng reo vui theo hoa tết. Này nhé, hoa cúc tươi rói màu vàng, hoa hồng đỏ, những cây quất trĩu trái tượng trưng cho sự sum vầy. Phố tết nhộn nhịp hẳn lên bởi người đi mua sắm, đi dạo phố. Phố tết thức khuya hơn vì ai cũng tranh thủ ra đường. Phố bỗng dưng có nhiều tấm bảng treo trước nhà, trước quán: “Nơi đây nhận đặt bánh chưng, bánh tét”; “Nơi đây có làm dưa chua, củ kiệu” hoặc: “Nhận đặt giò chả, nem chua”.
Phố ngày 30 tết là một phố khác. Ngay từ sáng mọi người đều rộn rã. Có những căn nhà bừng sáng lên màu vôi mới, những bãi cỏ hững hờ được nhổ sạch, những tường rào thay màu mới. Người đi trên đường lỡ va quệt nhau, đôi khi nhìn nhau cười, cùng nhau xin lỗi. Cái tận cùng của năm như làm cho tình người gần gụi hơn, rộng lượng hơn. Hàng bánh tét, bánh chưng mới chất cao mà thoáng cái đã hết. Bà bán dưa hấu không ngừng tay cân dưa hấu bán cho khách. Hàng hoa tươi bận rộn không kém với lượng khách đến mua hoa. Bánh trái để trong nhà cho ngày tết đôi khi không phải vì dự trữ lương thực, mà là thói quen. Vì sáng mồng một tết cũng có dăm người nhóm chợ, quán xá cũng đã mở đón khách. Bình hoa, chậu hoa trong nhà chính là tết.
Chiều ba mươi chợ bắt đầu tan. Phố như nồng mùi hương trầm của các gia đình đốt lên trong bữa cơm đón ông bà, có nhà quá bận rộn khi đó mới cúng tất niên. Hàng xóm mời nhau uống ly rượu cuối năm, nói cười huyên thuyên, dẫu cả năm va chạm với nhau vì chuyện cái hàng rào hay trẻ con gây gổ nhau.
Trong cái đêm phố chuyển năm cũ sang năm mới ấy, tôi thường đi lang thang khi đêm dịu dàng xuống chậm. Chỉ có đêm ba mươi, khắp các con đường trung tâm của Nha Trang mới tràn ngập các xe bong bóng. Bong bóng nhựa, rồi bong bóng bay cứ chao trong ánh đèn điện. Nhiều năm nay thêm tục bán mía cây thay cho lộc tết. Mía cứ gác đầy bên đường, các cô cậu học trò hồn nhiên mời khách mua lộc đầu năm. Chưa giao thừa mà đã mang lộc về nhà, cũng là điều thú vị.
Có khi ngày đang chuyển giao, trong phố là hình ảnh những người bán hoa muộn. Họ có thể phải ở lại đêm giao thừa để sáng mai đón chuyến xe sớm về quê nếu là người ở nơi khác đến bán. Hình ảnh những người đi lượm rác quên đêm đi lượm các loại rác cuối năm - bởi chính phong tục dọn dẹp nhà cửa vào ngày cùng tháng tận là cơ hội để họ gặp được những thứ có thể bán được.
Tôi yêu con phố đêm giao thừa. Yêu buổi sáng mồng một tết theo dòng người đi thăm mộ, nhìn phố đóng kín cửa đón xuân, nhìn những chậu mai khoe trăm cánh vàng đón tết. Phố tết là cái rất riêng của đời sống.
Khuê Việt Trường