Phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ cốt lõi của các địa phương
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, trong 4 tháng đầu năm 2024, số vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng đã giảm, ý thức người dân và cán bộ quản lý, bảo vệ rừng đã có sự nâng lên. Tuy nhiên, thách thức hiện nay trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là các địa phương đang bị áp lực về việc di dân, nhất là khu vực Tây Nguyên, nguy cơ gây thiệt hại về diện tích rừng; nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, điều kiện chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc người dân canh tác nông nghiệp gần rừng sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng do người dân đốt nương, làm rẫy.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu, Bộ NN và PTNT phải phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện các quy định, phát huy hệ sinh thái rừng, trên cơ sở nếu cần thì phải lấy thêm ý kiến từ các địa phương. Bộ cần làm tốt công tác tham mưu về quản lý nhà nước về rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; làm đầu mối tiếp nhận các nhu cầu đầu tư về phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nếu kịp thì làm trong giai đoạn 2024 – 2025, nếu không kịp chuyển sang nhiệm kỳ sau thực hiện.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần làm tốt công tác dự báo; Bộ Thông tin và Truyền thông cần thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng cháy, chữa cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đối với các địa phương có rừng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, việc quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ cốt lõi của các địa phương, không nên ỷ lại, trông chờ vào các bộ, ngành Trung ương. Các địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nhất là khi diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các tỉnh, thành phố có rừng cần phải chuẩn bị chu đáo; rà soát lại các phương án, kịch bản mẫu, nếu không còn hợp lý thì phải thay đổi. Đặc biệt, phải chăm lo tốt hơn cho đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng, có thể sử dụng nguồn ngân sách địa phương ngoài ngân sách từ Trung ương. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, điển hình như tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray sử dụng flycam và cài ứng dụng trên điện thoại cá nhân để quản lý.
Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, năm 2023, có 60/60 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng rừng với tổng diện tích rừng là hơn 14,86 triệu ha; trong đó có hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên, diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỉ lệ che phủ xấp xỉ 14 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%. Trong năm 2023, cả nước xảy ra 310 vụ, gây ảnh hưởng đến 574,5 ha rừng. 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 89 vụ cháy rừng, gây ảnh hưởng gần 500 ha; có 12 cán bộ, người dân tử vong trong quá trình chữa cháy, 6 người khác bị thương. Nguyên nhân xảy ra cháy rừng là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4; sự bất cẩn của người dân trong việc đốt nương, làm rẫy.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cùng đoàn công tác đã thăm, kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum; thăm Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Krei (Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tam An) thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray; kiểm tra thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng.
Dư Toán