Phòng đọc dành cho người khiếm thị

Thứ hai, 18/04/2022 17:45
Sau một thời gian gián đoạn hoạt động bởi nhiều nguyên nhân khách quan, cuối tuần qua (16-4), Thư viện Khoa học tổng hợp TP Đà Nẵng (Thư viên Đà Nẵng) tổ chức mở cửa Phòng đọc dành cho người khiếm thị với sự đầu tư quy mô, hiện đại hơn. Đây là sự nỗ lực lớn của những người làm công tác Thư viện Đà Nẵng nhằm khôi phục phong trào đọc sách đang có dấu hiệu chựng lại trong bộ phận những người khuyết tật…
Các hội viên Hội người mù TP Đà Nẵng và học sinh khiếm thị thích thú tham quan, tìm hiểu nguồn tư liệu tại Phòng đọc dành cho người khiếm thị vừa được mở cửa trở lại. Ảnh: P.T
Các hội viên Hội người mù TP Đà Nẵng và học sinh khiếm thị thích thú tham quan, tìm hiểu nguồn tư liệu tại Phòng đọc dành cho người khiếm thị vừa được mở cửa trở lại. Ảnh: P.T

Bà Lê Thị Bích Phượng - Giám đốc Thư viện Đà Nẵng cho biết, Phòng đọc dành cho người khiếm thị tại Thư viện có từ năm 2003 với hơn 1.000 tài liệu, chủ yếu là sách Braille và băng cassette. Ngoài ra, có 2 máy trợ thị Smart view cho người nhược thị, 2 máy victor reader, 2 máy casstte do Quỹ Force Hà Lan tài trợ. Kể từ khi hình thành cho đến năm 2015, Phòng đọc này chủ yếu phục vụ tài liệu thường xuyên cho Thành Hội và các Chi hội người mù trên toàn địa bàn TP với hơn 500 lượt đọc/ 100 tài liệu/ 1 chi hội/ 1 lần luân chuyển. Song song đó, nơi đây được chọn để tổ chức các sự kiện và hội nghị bạn đọc dành cho riêng đối tượng bạn đọc khiếm thị song lượng người khiếm thị đến phòng đọc này rất ít, bởi muốn đến đây cần phải có sự hỗ trợ của người sáng…

Từ năm 2015 đến nay, do Thư viện Đà Nẵng được đầu tư xây dựng mới và dịch bệnh COVID- 19 kéo dài đã khiến phần lớn bạn đọc khiếm thị không có thời gian đọc sách braille hay đến thư viện sử dụng tài liệu. Trước thực trạng này, đội ngũ những người làm công tác tại Thư viện Đà Nẵng trăn trở, cố gắng tìm giải pháp để làm sao phục vụ bạn đọc thuộc đối tượng này ngày càng tốt hơn. Theo đó, ngay sau khi Đà Nẵng dần trở lại cuộc sống bình thường mới, được sự quan tâm của TP, Sở VH&TT, Thư viện Đà Nẵng đã cải tạo và hình thành một không gian riêng biệt phục vụ cho bạn đọc khiếm thị với với trên 3.900 bản tài liệu, đa dạng các thể loại: sách chữ nổi Braille, sách vải nổi (897 bản), đĩa CD (1.511 bản), băng cassette (1.491 bản) và các máy móc hỗ trợ bạn đọc khiếm thị trong quá trình tiếp cận tài liệu như máy Smart view, máy victor reader, máy đọc cassette, CD. Song song đó, Thư viện còn đầu tư trang bị các trang thiết bị hiện đại như máy vi tính, laptop, máy tính bảng có cài phần mềm đọc để hỗ trợ các bạn đọc khiếm thị tiếp cận các nguồn thông tin phong phú trên mạng Internet, nhất là cung cấp các nguồn thông tin, nguồn dẫn sách nói hay…

Được Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng tổ chức đưa đến Phòng đọc dành cho người khiếm thị trong ngày mở cửa lại, em Võ Thành Nhân (quê Quảng Nam)- lớp 9/7 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm vô cùng thích thú khi được khám phá nguồn tài liệu dành cho người khiếm thị tại phòng đọc được bố trí gần lối ra vào của Thư viện Đà Nẵng. "Với em, sự mở cửa lại Phòng đọc dành cho người khiếm thị có ý nghĩa rất lớn, giúp học sinh khiếm thị như em có điều kiện được tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu, thông tin bổ ích để phục vụ việc học tập, giải trí tốt hơn". Cũng trong tâm trạng vui sướng đó, em Nguyễn Công Cường, sinh viên vừa tốt nghiệp Trường đại học Âm nhạc Huế kiến nghị: "Em mong thời gian tới, Thư viện Đà Nẵng quan tâm đầu tư thêm đầu sách phục vụ cho sinh viên khiếm thị như em đồng thời đầu tư thêm sách dành cho các bạn khiếm thị từ trên 18 tuổi, như tiểu thuyết chẳng hạn, để người khiếm thị được giải trí, nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần".

Chị Trương Thị Thanh Thủy, mẹ Cường nhận xét: "Việc mở cửa phòng đọc này mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo TP, của Thư viện Đà Nẵng đối với người khuyết tật, trong đó có người khiếm thị; góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của TP, rằng ai cũng đều được hạnh phúc như nhau".

Theo bà Lê Thị Diệu Châu- Phó Chủ tịch Hội Người mù TP Đà Nẵng, với sự phát triển của công nghệ, lần mở cửa lại Phòng đọc dành cho người khiếm thị, Thư viện Đà Nẵng đã trang bị nhiều đầu sách ở nhiều thể loại, nội dung phong phú cùng các trang thiết bị thông minh để hỗ trợ cho người khiếm thị. Bà Diệu Châu đặc biệt ấn tượng sách vải nổi được những người làm sách thể hiện rất công phu. "Với người khiếm thị, đặc biệt là các em thiếu nhi bị khiếm thị bẩm sinh, việc cảm nhận thế giới xung quanh rất mơ hồ, không như những người bị khiếm thị do tai nạn, bệnh tật. Vì thế, những cuốn sách và hình ảnh nổi sẽ giúp các em thiếu nhi bị khiếm thị bẩm sinh hình dung ra được thế giới xung quanh mình tốt hơn, hiệu quả hơn", bà Diệu Châu xúc động chia sẻ.

Mở cửa trở lại Phòng đọc dành cho người khiếm thị là một sự nỗ lực rất lớn, nhưng cái khó hơn cả là làm sao duy trì, phát huy tối đa công năng của nó. Bởi, đặc thù của người khiếm thị là phải có người sáng đưa đi. Về vấn đề này, Giám đốc Thư viện Đà Nẵng cho biết, ngoài việc sử dụng xe lưu động để phục vụ, thời gian tới, Thư viện sẽ phối kết hợp với Hội Người mù và các Chi hội hỗ trợ người sáng để đưa người khiếm thị đến Phòng đọc. Song song đó, Thư viện Đà Nẵng sẽ tìm nguồn, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ để tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi nhằm khuyến khích người khiếm thị đến Thư viện để tiếp cận các nguồn tư liệu tại Phòng đọc dành cho người khiếm thị.

P.Thủy