Phòng ngừa cạm bẫy cho học sinh

Thứ tư, 13/07/2016 09:06

(Cadn.com.vn) - Thực trạng học sinh sa ngã vào con đường vi phạm pháp luật hay bị tử vong do hiếu động, thiếu sự quản lý của gia đình không còn là chuyện mới, nhưng thực tế vẫn diễn ra hằng ngày. Nhiều vụ việc đau lòng không chỉ ảnh hưởng đến tương lai chính các em mà còn để lại hệ lụy kinh hoàng cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, trong những ngày hè này, trong lúc sân chơi cho học sinh vẫn còn thiếu thì cạm bẫy luôn là điều mà chúng ta cần phải phòng ngừa.

Dễ sa ngã 

Cuối năm 2015, CAP Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) phát hiện 21 em học sinh cấp hai Trường Trần Hưng Đạo (TP Quảng Ngãi) sử dụng nhiều loại chất kích thích như shisha, cỏ Mỹ. Trong đó có một học sinh tổ chức mua bán. Nếu không phát hiện kịp thời, về lâu dài những chất kích thích này sẽ khiến các em bị lệ thuộc và dẫn đến nghiện. Trước tình hình đó, CATP Quảng Ngãi đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy cho hơn 1.000 học sinh tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các em và đẩy lùi ma túy trong học đường.

Cũng cách đây không lâu, lực lượng Cảnh sát hình sự CA tỉnh đột kích cơ sở karaoke, massage Hoa Đà (số 2-Quang Trung, TP Quảng Ngãi), phát hiện tại phòng K333 có 4 thanh niên đang tổ chức sử dụng hàng cỏ, loại chất kích thích gây nghiện mới xuất hiện trong thời gian gần đây trên địa bàn. Đáng nói, 4 thanh niên này đa phần còn trong độ tuổi học sinh, trú tại P. Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi.

Bên cạnh việc sa ngã vào tệ nạn xã hội, hiện nay vẫn còn một số bộ phận trẻ em ham chơi, bị bạn bè rủ rê chơi game online. Đến lúc nghiện game, không có tiền để chơi lại rủ nhau đi trộm cắp tài sản.

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2010 đến 2015, số vụ phạm pháp hình sự và các vi phạm pháp luật khác ở lứa tuổi vị thành niên chiếm tỷ lệ 10%. Tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật hiện nay đáng cảnh báo. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên nguyên nhân chính vẫn là do sự quản lý giáo dục của phụ huynh vẫn còn lỏng lẻo, chưa quan tâm đúng mức.

Hiện nay, trẻ vị thành niên là học sinh đang trong kỳ nghỉ hè nên công tác quản lý chặt chẽ các em là điều rất cần thiết. Ngoài công tác phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể và nhà trường, phụ huynh cần bố trí lịch vui chơi giải trí hợp lý, lành mạnh cho các em, đồng thời cho các em tránh bạn bè xấu lôi kéo vào con đường vi phạm pháp luật, thậm chí phạm pháp hình sự.

Lực lượng Công an bắt quả tang nhóm trẻ vị thành niên sử dụng cỏ Mỹ trong quán karaoke.

Cạm bẫy từ những trò chơi hiếu động 

Cho đến bây giờ nhiều người dân ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ 9 em học sinh lớp 6, Trường THCS xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi bị tử vong do đuối nước xảy ra vào ngày 15-4 tại khu vực sông Trà Khúc, đoạn đi qua xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi. Cách sau vụ đuối nước thương tâm này, em Trần Văn Minh (17 tuổi, trú xã Nghĩa Điền, H. Tư Nghĩa, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Trung Đình, TP Quảng Ngãi) cũng bị tử vong do đuối nước tại xã Ba Động, H. Ba Tơ. Minh cùng bạn bè rủ nhau đến Lũng Ồ, thuộc xã Ba Động tắm thì bị nạn.

Từ những vụ việc đau lòng như thế, nhưng thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn thiếu sự quan tâm chăm sóc, quản lý các em trong dịp hè. Trong chuyến công tác tại xã Bình Thuận, H. Bình Sơn mới đây, chúng tôi lại bắt gặp cảnh trẻ em vô tư nô đùa dưới eo biển, nơi có mực nước rất sâu, không một bóng người qua lại. Sự hiếu động và bồng bột của các em sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.  

Nếu không có biện pháp hữu hiệu từ phụ huynh, các em rất dễ bị rơi vào cạm bẫy từ những trò chơi hiếu động, khó ngờ tới, dẫn đến hậu quả đau lòng và để lại hệ lụy khó lường cho xã hội. Chính vì vậy, công tác giáo dục, quản lý các em của phụ huynh luôn là vai trò then chốt, góp phần phòng, tránh tệ nạn và những tai nạn đáng tiếc.

Văn Nam