Sáng ngày 2-8, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp thành phố năm 2024 tại Khách sạn Novotel Danang Premier Han River. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh; Phó Chủ tịch UBND thành phố , ông Trần Chí Cường; Đại tá Nguyễn Minh Khương – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Bộ Công an, Đại tá Phan Văn Dũng – Phó Giám đốc Công an TP.
Buổi thực tập với sự tham gia của 600 người đến từ nhiều lực lượng và gần 30 phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, xe cứu thương, xe phương tiện, robot chữa cháy… của Công an TP Đà Nẵng, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả và nhiều đơn vị khác cùng tham gia.
Phương án thực tập được chia làm 4 giai đoạn gồm: Công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng cơ sở, các đơn vị lân cận và chính quyền địa phương; Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng đầu tiên đến tiếp cận hiện trường; Các đơn vị thuộc Công an TP Đà Nẵng tham gia tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; Các đơn vị có xe chữa cháy trên địa bàn tham gia chữa cháy.
Theo tình huống giả định, đám cháy khởi phát tại một xe gắn máy của nhân viên đậu đỗ trong khu vực tầng hầm B1 - Khách sạn Novotel gây cháy lan các xe xung quanh. Bên trong khách sạn có khoảng 1.300 người là khách lưu trú, sử dụng dịch vụ và nhân viên đang làm việc tại các tầng.
Khi xảy ra cháy tại tầng hầm B1, khói khí độc tỏa ra từ đám cháy lan truyền lên các tầng phía trên. Tại một số khu vực khách sạn xuất hiện tình trạng hỗn loạn trong quá trình thoát nạn. Tình hình trở nên phức tạp, số lượng người mắc kẹt và bị nạn tại các khu vực tăng lên.
Khi đám cháy xảy ra, các lực lượng cơ sở tiến hành các biện pháp di chuyển tài sản đặc biệt là ô-tô, xe gắn máy bên trong khu vực tầng hầm ra bên ngoài. Trong quá trình di chuyển 1 ô-tô (loại 04 chỗ) ra bên ngoài do hạn chế tầm nhìn bởi khói khí độc cùng với tâm lý hoảng loạn của tài xế dẫn đến va chạm mạnh với 1 ô-tô tải (chở vật tư y tế trong đó có chứa khoảng 200 lít dung dịch cồn y tế 90 độ) đang di chuyển trên tuyến đường Bạch Đằng.
Vụ va chạm làm cho tài xế xe tải bị chấn thương không thể tự di chuyển, tài xế ô-tô bị bất tỉnh và mắc kẹt trong xe. Sau va chạm, các lọ chứa dung dịch cồn y tế có dấu hiệu rò rĩ xuống khu vực lòng đường gây ra nguy cơ phát sinh đám cháy, đe dọa tính mạng của 2 tài xế nếu không có các biện pháp cứu nạn, cứu hộ và phòng ngừa nguy cơ cháy nổ kịp thời.
Bên cạnh việc sử dụng các trang thiết bị PCCC tại chỗ để khống chế ban đầu, lực lượng PCCC cơ sở đã nỗ lực hướng dẫn thoát nạn cho khoảng 1.200 người tại các tầng hầm và các tầng phía trên di chuyển thoát ra ngoài và xuống dưới đất.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP, Công an quận Hải Châu và công an các quận lân cận cùng các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, nhân viên và hàng chục phương tiện đến hiện trường triển khai các biện pháp chữa cháy và CNCH.
Do tính chất phức tạp của vụ cháy, Công an TP Đà Nẵng đã đề nghị sự tham gia hỗ trợ của xe chữa cháy từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Công ty Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả. Buổi thực tập kết thúc theo đúng chương trình, kịch bản đã đề ra và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia.
Phát biểu tại buổi thực tập, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, Khách sạn Novotel Đà Nẵng là cơ sở siêu cao tầng, hằng ngày có hàng trăm nhân viên làm việc và hàng ngàn khách lưu trú, tồn tại tại một lượng lớn chất cháy xuất phát từ khu vực gara xe tại tầng hầm, vật liệu trang trí và nội thất; là cơ sở trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vì vậy việc tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH huy động nhiều lực lượng, phương tiện cùng tham gia xử lý tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố giả định là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn PCCC, CNCH tại cơ sở nói riêng và trên địa bàn thành phố nói chung.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, qua thực tập phương án đã rút ra nhiều kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ huy, vận hành, tổ chức phương án chữa cháy và CNCH; sẽ là cơ sở thực tiễn để hoàn thiện các phương án trong công tác PCCC và CNCH, sẵn sàng xử lý có hiệu quả các tình huống cháy, nổ và tai nạn, sự cố trên địa bàn thành phố.
MAI VINH
Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.