Núi bị bạt để trồng keo gây nguy cơ sạt lở dọc quốc lộ huyết mạch nối Đà Nẵng và Quảng Nam

Thứ sáu, 26/07/2024 16:56

Trước mùa mưa, tuyến Quốc lộ 14G nối H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) và H. Đông Giang (Quảng Nam) đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Đây là hậu quả của việc bạt núi, đào đất, mở đường để phục vụ việc trồng, khai thác, vận chuyển cây keo dọc khu vực Dốc Kiền.

Quả đồi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người tham gia giao thông vào mùa mưa
Một điểm sạt lở nhìn từ trên cao

Ghi nhận tại hiện trường, vị trí cầu Km23+017 QL14G thuộc địa phần xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhiều khu vực đồi núi cao nằm ở taluy dương bị bạt hết cây cối, mở những con đường chạy từ dưới đường lên sườn đồi. Nhìn từ dưới lên cùng như quan sát từ trên cao đều lộ ra màu trắng bạc do bị cạo trọc.

Ngay khúc cua này là một lối mở để đi lên các sườn đồi đã bị bạt hết taluy

Một người dân địa phương cho biết, khu vực này từng xảy ra sạt lở, chia cắt phương tiện tham gia giao thông vào các mùa mưa trước. Chỉ cần có mưa lớn kéo dài là sườn đồi sạt xuống do đất ở đây tơi xốp, có độ dốc cao.

Nhiều khối đất đá chực chờ đổ xuống

Theo ông Phan Thế Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, việc quy hoạch trồng rừng, qua thực tế cho thấy cây keo không giữ được đất tại các vùng sườn đồi, có độ dốc cao. Chi cục sẽ xem xét kiến nghị giải pháp chuyển đổi cây trồng, trồng cây lâu năm không khai thác lấy gỗ tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn. Trước mắt sẽ cho kiểm tra việc bạt núi, mở đường tại khu vực Dốc Kiền để có giải pháp", ông Dũng cho biết.

Sườn núi bị bạt, mở đường để trồng và vận chuyển keo

Về nguy cơ sạt lở gây nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 14G, đại diện Văn phòng đường bộ III.1, thuộc Khu Quản lý đường bộ III cho hay, vào năm 2023, khu vực này đã xảy ra sạt lở tại nơi có mở đường trên sườn núi. Đơn vị đã ngăn chặn đồng thời làm việc với địa phương, đề nghị tăng cường tuyên truyền, kiểm tra để nâng cao ý thức trong nhân dân. Đơn vị cũng đã tổ chức rào đóng bằng hộ lan mềm. Tuy nhiên tất cả chỉ là giải pháp tạm thời.

Một điểm sạt lở mới xảy ra trong cơn mưa nhỏ chiều 24-7

Về biện pháp lâu dài, cơ quan quản lý đường bộ đã kiến nghị chính quyền và ngành chức năng có hướng, quy hoạch chuyển đổi đất rừng hoặc có biện pháp khác để người dân không trồng keo dọc đường. Bởi trồng keo, quá trình khai thác sẽ phải mở đường, ảnh hưởng an toàn giao thông.

"Mùa mưa rất nguy hiểm bởi các đường mới mở sẽ tạo thành những rãnh, mương, suối nước lớn dồn từ trên cao đổ xuống đường. Việc hốt dọn sạt lở cũng cực nhọc, tốn kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông”, vị đại diện này cho biết.

Sườn núi nham nhở

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Khu quản lý đường bộ III, đơn vị sẽ có văn bản gửi Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng và UBND H. Hòa Vang, Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan đề nghị có biện pháp không để người dân đào bạt đồi núi làm đường công vụ khai thác, trồng keo gây nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa, ảnh hưởng đến lưu thông tại Dốc Kiền.

Quả đồi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người tham gia giao thông vào mùa mưa

Hiện mùa mưa bão đang đến gần, việc bạt núi trồng keo đã tạo nguy cơ sạt lở, uy hiếp an toàn giao thông, đe doạ tính mạng, tài sản người dân lưu thông trên Quốc lộ 14G kết nối Đà Nẵng và các huyện vùng cao của Quảng Nam. Đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp khắc phục để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Công Khanh