Phỏng vấn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân về... phỏng vấn

Thứ hai, 20/06/2022 09:31
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một cây bút nổi tiếng về thể loại phóng sự, song trong thể loại phỏng vấn, ông cũng là một tác giả khá thành công, với nhiều bài phỏng vấn chính khách, doanh nhân, văn nghệ sĩ... Ông cũng là một người đã tham gia giảng dạy môn phỏng vấn ở các trường báo chí... P.V đã có một cuộc trao đổi với ông xung quanh câu chuyện tác nghiệp khi phỏng vấn.
Hình ảnh nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong phóng sự “Tôi đi bán tôi”.
Tác giả phỏng vấn Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Phóng viên: Thưa ông, có hay không một phong cách báo chí trong thể loại phỏng vấn?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Mọi nhà báo đều phải biết cách phỏng vấn để thực hiện một tác phẩm báo chí. Mọi thể loại báo chí đều ít nhiều liên quan đến tác nghiệp phỏng vấn. Vì nghề báo là nghề đi hỏi. Chữ “phỏng” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “hỏi”. Song cũng từ đó và vì thế mà có nhiều cách phỏng vấn khác nhau chứ không thể theo khuôn mẫu.

Mỗi nhà báo khi phỏng vấn đều có phong cách khác nhau, tùy tờ báo và tùy đề tài mà người phỏng vấn có một cách phỏng vấn khác nhau. Có người sâu sắc, có người vui vẻ hài hước, có người hỏi với trình độ uyên bác, cũng có người chất vấn kiểu truy đến tận cùng… Phong cách phỏng vấn cũng có liên quan đến cá tính của người phỏng vấn. Song nên tùy theo từng nhân vật mà có từng cách phỏng vấn khác nhau. Phong cách của phỏng vấn nhân vật thì dựa vào rất nhiều cái khác nhau. Tùy vào nhân vật, tùy vào tầm cỡ của nhân vật, tùy vào ngành nghề của nhân vật, tùy vào địa điểm tiếp xúc với nhân vật và tùy vào bài báo, tôn chỉ hoạt động của tờ báo mình đang làm. Trước hết là chọn địa điểm, cũng tùy nhân vật khác nhau, ví dụ như phỏng vấn chính khách phải phỏng vấn ở nơi làm việc, phỏng vấn văn nghệ sĩ thì có thể phỏng vấn ở quán cà-phê còn như phỏng vấn cầu thủ, vận động viên thì chúng ta có thể phỏng vấn tại sân cỏ, tại nơi thi đấu. Địa điểm cũng sẽ ấn định nhiều điều liên quan đến bài phỏng vấn. nói lên phong cách. Thứ 2 là cái tầm cỡ của nhân vật thì mình phải tìm một thái độ, thái độ cũng là một phần của phong cách. Ví dụ mình phỏng vấn bộ trưởng thì mình phải nghiêm túc, phỏng vấn văn nghệ sĩ thì mình có thể nói đùa, còn nếu phỏng vấn một người làm trong quân đội hay lực lượng vũ trang nào đấy thì mình sẽ giữ một thái độ chia sẻ, chan hòa, và đặc biệt là khi phải giữ bí mật quân sự chẳng hạn thì mình không được bắt người ta nói cho được những điều bí mật. Hay khi mình phỏng vấn nam thì khác mà nữ thì khác, nó tùy vào những phong tục tập quán, những người địa phương dân tộc thiểu số thì mình cũng phải chọn cái phong cách nhất định, đừng để cho họ mặc cảm là họ thiếu hiểu biết hay ít học.

Khi tương tác, giao tiếp giữa con người với nhau chúng ta phải tránh các câu hỏi không nên. Chúng ta luôn ghi nhớ là nhân vật là chính, người phỏng vấn là phụ, không nói thay cho nhân vật, không gắn câu trả lời vào miệng nhân vật, không đặt nhân vật vào thế bị động, không dồn ép người ta phải trả lời. Bài phỏng vấn tăng giá trị cho tờ báo và chính người phỏng vấn, vì vấn đề được chính người có tầm cỡ, người có uy tín có tên tuổi và là người trong cuộc trả lời, có độ tin cậy cao. Nên một bài phỏng vấn hay là nhờ câu hỏi hay một phần, nhưng phần lớn bài có chất lượng cao hay không là ở câu trả lời. Nhiều báo đã trả nhuận bút cho người trả lời phỏng vấn chứ không phải chỉ trả cho người đi phỏng vấn.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bên lề một diễn đàn.

Phóng viên: Xin ông cho biết làm sao để bắt chuyện nhân vật một cách thật tự nhiên và gần gũi nhất?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Chúng ta nên có cuộc hẹn trước và có bản câu hỏi trước để nhân vật có sự chuẩn bị. Cuộc hẹn nên tính “điểm rơi” hợp lý về thời gian, địa điểm cho cả hai bên đều dễ chịu khi thực hiện cuộc phỏng vấn. Nhè lúc vợ chồng người ta đang cãi nhau mà đến phỏng vấn thất bại là cái chắc.

Khi chúng ta gặp phỏng vấn một nhân vật, trước hết chúng ta phải tìm hiểu kỹ về nhân vật. Họ là ai? Họ làm việc như thế nào? Vui, buồn, sở thích… như thế nào? Chúng ta nên biết về họ càng nhiều càng tốt, điều đó nó làm cho nhân vật không khó chịu vì họ biết chúng ta đã chuẩn bị, đã chủ động tìm hiểu, có sự nghiêm túc với cuộc phỏng vấn. Và khi đi phỏng vấn chúng ta không nên tỏ ra giỏi hơn nhân vật, biết nhiều hơn nhân vật (nhưng cũng đừng giả nai). Chúng ta nên theo cái phong tục của người Việt Nam, đó chính là sự thăm hỏi xã giao. Nó giúp 2 bên tìm ra được đề tài chung, vấn đề cùng quan tâm để bắt đầu câu chuyện. Vì vậy cách tốt nhất mà chúng ta dẫn vào câu chuyện đó chính là hãy tìm những câu hỏi mang tính trao đổi, chia sẻ, thăm hỏi ngắn theo kiểu người Việt Nam. Không nên dài dòng, lạc đề, hãy hỏi đúng trọng tâm. Tôi nhớ có lần phỏng vấn một bà giám đốc một hãng sản xuất bia. Tôi hỏi: Thế chồng bà có thích uống bia của hãng bà sản xuất không, và ông ấy có được phép uống các loại bia khác loại bia của hãng bà sản xuất không? Bà giám đốc bảo bà thích câu hỏi này và câu chuyện cứ tự nhiên bắt đầu như thế.

Dân gian có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”, hãy có cách giao tiếp phù hợp để bắt đầu câu chuyện. Thí dụ ta bắt đầu nói chuyện xã giao, chuyện sức khỏe, thời tiết, gia đình, sở thích… rồi mới bắt đầu câu phỏng vấn thật sự thì cuộc trò chuyện sẽ nhẹ nhàng cởi mở hơn rất nhiều.

Tôi đã có những cuộc phỏng vấn khi… nhậu cùng nhân vật (trong phóng sự thì có thể áp dụng cách này rất hiệu quả). Lúc đó họ rất trải lòng, nói nhiều vấn đề hơn cả cần thiết. Nhưng tùy đề tài và nhân vật mới có thể áp dụng chiêu này được.

Huỳnh Dũng Nhân từng là nhà báo có những phóng sự “bụi” thu hút sự quan tâm của độc giả.

Phóng viên: Thưa ông, làm cách nào để người được phỏng vấn có thể lột tả hết được câu chuyện của mình với người phỏng vấn?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Trong cách hỏi có 3 loại câu hỏi: hỏi để biết thông tin, hỏi để mở rộng (tạo ra các mạch vấn đề), hỏi để thẩm định (thẩm tra, đối chiếu). Loại câu hỏi cần thiết nhất là: hỏi mở rộng và hỏi thẩm định, còn hỏi để biết thì mình chỉ nên hỏi những câu mà mình thật sự không biết, muốn họ phải cung cấp, vì họ cung cấp thì bài báo của mình mới có giá trị hơn, hoặc khi nhân vật trả lời độ chính xác mới cao. Hỏi về cả điều nhân vật muốn nói, không chỉ hỏi điều ta muốn hỏi. Biết nhân vật đang có vấn đề gì, đang quan tâm cái gì để hỏi cho đúng. Khi chúng ta phỏng vấn đúng tâm trạng, mối quan tâm, nỗi lòng của nhân vật, nhân vật sẽ tự mở lòng để chia sẻ. Có một phóng viên chỉ được phép phỏng vấn trong hai tiếng đồng hồ, nhưng khi phóng viên đó có một câu hỏi phỏng vấn đúng vào vấn đề nhân vật đang quan tâm, cuộc phỏng vấn đã kéo dài đến… 4 tiếng đồng hồ. Khi phỏng vấn, bí quyết của tôi là luôn quan sát nhân vật và quan sát xung quanh, nhờ đó mà câu hỏi mới luôn xuất hiện, không bao giờ cạn nguồn câu hỏi. Các câu hỏi mở bắt đầu từ đây, nó chỉ mang tính chất gợi ra một vấn đề khác , một hướng khác cho cuộc phỏng vấn , khiến nhân vật trả lời hứng thú hơn.

Phóng viên: Có khi nào ông bị thất bại trong việc hẹn và lấy thông tin từ phía nhân vật chưa?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Trong phỏng vấn thì phóng viên nào cũng có thể thất bại đôi lần, vì không phải đối tượng nào cũng thích được phỏng vấn, có nhiều người coi là họ “bị phỏng vấn”. Phải biết trước đối tượng có đồng ý phỏng vấn hay không. Mục đích phỏng vấn có lợi có hại gì cho đối tượng hay không. Tính tình của đối tượng như thế nào, phải đánh giá được đúng nhân vật. Tìm hiểu nhân vật thật kỹ trước khi phỏng vấn. Thất bại trong phỏng vấn thường do phỏng vấn đột ngột quá, nhân vật không có thời gian chuẩn bị. Thứ hai là do đặt vấn đề không đúng. Thứ ba là có thể do chọn sai người do những quy định, vì có những người không được phép trả lời, chỉ có người có quyền phát ngôn mới được thay mặt đơn vị trả lời cho báo chí mà thôi.

Có những yếu tố thất bại là do viết bài không đúng ý nhân vật, không đạt yêu cầu của tòa soạn, vậy nên sau khi chúng ta viết bài xong thì chúng ta cũng nên cho nhân vật xem lại, đó là thể hiện sự tôn trọng nhau, nhân vật cho mình phỏng vấn cho mình thông tin thì mình cũng sẵn sàng cho họ đọc lại. Nhưng khi có những vấn đề 2 bên không phù hợp, hai bên không đồng ý với nhau thì chúng ta cũng nên tìm ra cách giải quyết chung. Nhân vật buồn vì bài báo thì đó cũng là một thất bại. Thất bại do không có chuẩn bị những câu hỏi hay, những câu hỏi đúng thì bài phỏng vấn bị “nhạt”, đó cũng là thất bại. Phỏng vấn những cái đa số bạn đọc đã biết, cũng là thất bại. Bài báo phải đính chính cũng là thất bại. Tóm lại tôi cũng có những lần chưa đạt được như mong muốn trong khi phỏng vấn, nhưng nói chung cả đời 40 năm làm báo tôi chỉ bị đính chính 2 lần, tạm gọi là ít. Còn thất bại vì bị từ chối phỏng vấn thì không. Khi mình mới vào nghề báo còn non nớt thì xin phỏng vấn cũng có hơi khó khăn, nhưng khi nhà báo có chút tên tuổi, có thâm niên rồi thì những cuộc phỏng vấn thuận lợi hơn.

Hình ảnh nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong phóng sự “Tôi đi bán tôi”.

Phóng viên: Thưa ông, suốt chặng đường làm nghề của mình, ông tâm đắc với tác phẩm phỏng vấn nào nhất?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Có những lần phỏng vấn mà tôi thấy nhân vật vui là tôi rất tâm đắc, phỏng vấn làm cho nhân vật được người khác giúp đỡ, rồi phỏng vấn được những người mà rất khó để phỏng vấn, rất ít người phỏng vấn được đấy chính là những bài mà tôi gọi là tâm đắc. Còn tâm đắc nhất thì khi phỏng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước như ông: Nguyễn Văn Linh, ông Phạm Thế Duyệt, các lãnh đạo thành phố, các nhà văn nhà báo nổi tiếng … làm cho tờ báo của mình được bạn đọc chú ý hơn.

Có những người tôi đợi chờ mãi mới phỏng vấn được, song phỏng vấn được thì coi như chắc chắn thành công, đó là những nhân vật nổi tiếng như nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, Anh hùng lao động Hồ Giáo, nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ Tuấn Ngọc, hoa hậu Hà Kiều Anh… và một vài doanh nhân nổi tiếng kỹ tính khác…

Đấy là những phỏng vấn vì công việc, hoàn toàn có thể là đơn đặt hàng của báo, cũng có phần là do tôi kính trọng và ngưỡng mộ như khi phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một nhân vật mà tuổi thơ tôi đã được nghe kể rất nhiều mà giờ mới gặp được. Hoặc các bài phỏng vấn giới văn nghệ sĩ thì tôi cũng rất tâm đắc vì tôi cũng khá hâm mộ họ. Tôi cũng có những phỏng vấn những người nghèo, nhằm để mọi người giúp đỡ họ. Như sau khi tôi viết một bài về cậu bé không đủ tiền mổ tim, bạn đọc đã chung tay giúp đỡ và nhờ vậy cậu bé ấy đã đủ tiền để mổ và được cứu sống. Tôi có viết rất nhiều bài phỏng vấn nhưng bài để đời nổi tiếng như một số nhà văn, nhà báo khác thì tôi chưa có.

Nói chung, tôi là người thích phỏng vấn và khi chọn lựa thể loại viết bài, nếu có đủ điều kiện tôi sẽ chọn thể loại phỏng vấn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

PHƯỢNG VY (thực hiện)