Phóng viên đi chợ giúp dân

Thứ tư, 22/06/2022 16:58
Những ngày tháng người dân không ra khỏi nhà để chống dịch COVID-19 chắc chắn là khoảng thời gian tác nghiệp đáng nhớ trong chặng đường làm nghề của nhiều đồng nghiệp và tôi. Chúng tôi dành phần lớn số giờ được đi lại trên đường để “săn” và tiếp ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân...
Những bịch rau củ quả mà anh Nguyễn Văn Trung “trích” chuyển cho phóng viên gửi các vùng phong tỏa
Anh Nguyễn Văn Trung chia sẻ một ít thực phẩm để phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng chuyển đến người dân vùng phong tỏa
Hình ảnh phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng chuyển lương thực, thực phẩm được người dân chụp, gửi tặng làm “kỷ niệm”

Ngày 16-8-2021, Đà Nẵng chính thức nâng mức phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội với mức độ cao hơn quy định của Chính phủ, bắt đầu 15 ngày “ai ở đâu ở yên đó” với quyết tâm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng. Người dân không ra khỏi nhà đồng nghĩa với áp lực duy trì chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu đặt lên vai lực lượng Công an, Bí thư chi bộ khu dân cư, tổ trưởng dân phố, thanh niên tình nguyện…

Với yêu cầu “không ra khỏi nhà”, tòa soạn các cơ quan báo chí tại Đà Nẵng, các văn phòng đại diện, nhà in cũng chính thức thông báo dừng phát hành trên địa bàn. Đây cũng là một sự kiện chưa có tiền lệ trong đời sống báo chí Đà thành.

Với việc trở thành đơn vị chủ lực trong đảm bảo ANTT và cung ứng lương thực, thực phẩm đến tận nhà cho người dân, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trực 100% quân số, luân phiên về cơ sở cùng đi chợ giúp dân. Phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng cũng xoay tua quân số thực hiện “3 tại chỗ” ở đơn vị, tham gia lực lượng tuần tra kiểm soát ở khu dân cư và “chạy việc” tại 30 chợ container được thiết lập tại các quận huyện. Khác với các cơ quan báo chí khác chỉ có 1-2 người được cấp thẻ đi lại trên đường để tác nghiệp, Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ là sản xuất tin bài cho bản online và tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm tại các tổ dân phố nên được ra đường nhiều hơn.

Sau tuần lễ đầu tiên chủ động với lương thực dự trữ, người dân bắt đầu khó khăn vì tủ lạnh cạn dần, các chợ container của lực lượng Công an hoạt động hết công suất, các siêu thị được phép mở bán cũng bắt đầu hết nguồn cung nên câu chuyện bữa ăn trở nên căng thẳng. Đơn hàng đầu tiên mà tôi nhận được là từ người thân sống trong kiệt 113 Trần Xuân Lê, P. An Khê, Q. Thanh Khê. Đây là con hẻm “siêu cách ly” với nhiều lần bị phong tỏa 2 lớp, nhiều chuỗi lây nhiễm và nhiều người mắc COVID-19 vào thời điểm đó. “Đi lại được, ngoài đường có gì mua giúp bà con một ít chia nhau”, hàng xóm cũ của tôi đang sống tại đây nhắn qua zalo. Hỏi thiếu gì ghi ra cái list để tìm coi răng thì được nhắn lại “có gì mua nấy, có tí rau thì tốt, kén chọn gì tầm này”. Tôi vào các siêu thị được phép mở bán thì gần như các kệ đều “trắng”, tìm 10 món thì chỉ được một vài món với số lượng khiêm tốn, chủ yếu là đồ hộp, bao gói sẵn. Rau xanh thì hàng chục nghìn một bó nhỏ; dưa hấu, chuối, táo… thì cả trăm nghìn một ký. Gom không đủ đành phải gọi điện về các tổ trưởng dân phố cầu cứu. Khi hỏi “còn gì không nhượng lại cho một ít, trả tiền như đi chợ”, ông Nguyễn Văn Trung- Tổ trưởng tổ 88, chung cư 3B, P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà tặc lưỡi: “Vừa phân phát hết cho bà con bên này, còn dư chút đỉnh cà tím, bắp cải, bí đỏ. Qua chỗ chốt phong tỏa dưới chung cư tui chia cho ít về đưa họ. Chứ tiền bạc gì tầm này”.

Những lời “gửi gắm”

Những ngày “thương nhau đứng ở đằng xa”, thùng hàng tôi chở tới đầu kiệt 113 Trần Xuân Lê bỏ lại phía trong rồi chạy đi thì bà con mới cử 1 người trong kiệt ra nhận về để san sẻ cho nhau. Những bữa ăn sau ngày hôm đó, hình ảnh mâm cơm có rau xanh được chụp gửi tới tôi với lời cảm ơn chân tình kèm câu “chỗ đó chắc phải tiền triệu, để anh em gửi lại”. Tôi mượn câu của anh Nguyễn Văn Trung “tiền bạc gì tầm này”.

Hai đứa bạn học của tôi cũng nằm trong khu phong tỏa cứng, một đứa chồng đi công tác Tây Nguyên bị “kẹt”, một nách 3 đứa con nhỏ; đứa còn lại ngày nào cũng vật vã với giáo án online. Chúng kêu cứu bằng cái list thực đơn dài cả trang. Tôi nhắn “bà con chịu được tụi bây có gì phải xoắn”. Chúng đáp lại “Bọn tui có ăn một mình đâu, về chia cho hàng xóm. Họ bảo có bạn nhà báo Công an mà không nhờ được lúc này thì đời khinh!”. Nói thế chứ cũng phải dành một ngày đi săn đồ, rau nát quả héo gì cũng gom, rồi đồ hộp, mì tôm được món nào hay món đó. Những thứ bình thường mà đưa tới cổng ai cũng reo lên như sơn hào hải vị.

Những bịch rau củ quả mà anh Nguyễn Văn Trung “trích” chuyển cho phóng viên gửi các vùng phong tỏa

Trong hàng chục chuyến ship hàng giúp dân, cụ già sống trên đường Lý Thái Tổ là người khiến tôi bất ngờ và… lúng túng! Số là giữa trưa nắng nhễ nhại, tôi chạy vội từ ngoài đường về cơ quan thì nghe tiếng kêu giật lại từ sau cánh cửa sắt mở hé, một cánh tay cụ bà đưa ra ngoài vẫy vẫy: “Nhờ chú Công an tới chỗ ngã ba Cai Lang lấy giúp bà mấy con cá. Đứa con gái nó làm sẵn treo ở đó mà chưa có cách nào lấy về được. Trăm sự nhờ chú”. Tôi phóng đi theo chỉ dẫn, tìm mãi mới ra cái cổng theo miêu tả, mang về bịch thực phẩm có rau xanh. Bà cụ mừng rơn: “Nè, chú cầm cái này. Bà gửi về anh em dùng”. Mấy lần từ chối không được, tôi mở ra xem thì trong cái túi có mấy lon bia lạnh! Nói “tụi con không được phép dùng bia rượu, đang làm nhiệm vụ” thì bà cụ tếu táo “Ôi, làm cũng phải có lúc nghỉ chứ. Có ai bắt uống trong khi làm đâu. Vài lon giải khát chứ nhiều nhặn chi”. Về đến cơ quan, anh em đồng nghiệp nói vui, xin địa chỉ nhà bà cụ để hôm sau đi lấy đồ giúp!

Cũng đã gần 1 năm trôi qua, cách thức, nhận thức về COVID-19 đã thay đổi theo thời gian, từ “zero COVID”, “thích ứng an toàn, linh hoạt” đến mở cửa hoàn toàn. Song những ngày tháng “một công đôi việc” ấy sẽ là quãng thời gian không thể quên trong chặng đường làm nghề.

CÔNG KHANH