Phụ huynh cần được trang bị kiến thức tâm lý học đường

Thứ sáu, 02/12/2016 11:42

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường, học sinh rối loạn tâm lý, bị áp lực học tập, thi cử... vẫn diễn ra nghiêm trọng, khiến toàn xã hội hết sức quan tâm. Để hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh vượt qua những “chấn thương” tâm lý, công tác tham vấn học đường đã được các trường học nỗ lực thực hiện và nhận được sự ủng hộ tích cực từ các nhà tâm lý - giáo dục. Tuy nhiên, nhận thức của phụ huynh, gia đình học sinh về công tác tham vấn học đường vẫn còn nhiều hạn chế và có những suy nghĩ sai lầm về sự phát triển tâm lý của con em mình.

Nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Hằng Phương (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) tiến hành khảo sát trên 306 khách thể là phụ huynh của học sinh địa bàn Đà Nẵng nhằm tìm hiểu nhận thức và nhu cầu của họ đối với hoạt động tham vấn học đường. Trong đó, có 68 phụ huynh có con đang được hỗ trợ tâm lý - giáo dục tại các trung tâm Hỗ trợ tâm lý - giáo dục trên địa bàn  Đà Nẵng và 238 phụ huynh không có con cần trợ giúp. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ nhận thức về hoạt động hỗ trợ tâm lý học đường của họ ở mức thấp. Nhiều phụ huynh có nhìn nhận nhà tâm lý học học đường là người làm nhiệm vụ dạy kỹ năng sống cho trẻ là chính. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho hoạt động tham vấn học đường chưa được phụ huynh quan tâm, hiểu đúng.

Về kết quả nghiên cứu vấn đề bạo hành ở trường học, có 46.7% phụ huynh cho rằng trẻ em có nguy cơ bị bạo hành; tuy nhiên, có đến 39,2% phụ huynh cũng không thấy đáng lo ngại, băn khoăn. Có hơn 50% ý kiến phụ huynh có chung ý kiến việc khi đi học, con sẽ gặp những chuyện không như mong muốn, con sẽ buồn, chán, tủi thân và có thể bị bạn bè không tôn trọng, bị giáo viên chê bai... Khoảng hơn 47% phụ huynh cho rằng con mình sẽ gặp những vấn đề liên quan đến khó khăn trong tuổi dậy thì và gần 50% phụ huynh nghĩ rằng con mình khó khăn trong chia sẻ tâm tình với cha mẹ.

Cần thiết phải trang bị kiến thức tâm lý học đường cho phụ huynh, người dân để nâng cao hoạt động tham vấn học đường, giúp đỡ học sinh phát triển toàn diện.

TS Nguyễn Thị Hằng Phương chia sẻ: “Những số liệu này cho thấy phụ huynh có nhìn nhận về việc những nguy cơ gặp phải của con cái mình, của trẻ em nói chung khi đi học còn nhiều hạn chế. Trong đó, có hơn 50% phụ huynh có nhìn nhận về những vấn đề học sinh phải đương đầu, như các vấn đề về học tập, tâm lý, các mối quan hệ, về việc có thể bị đánh giá thấp, bị trêu chọc, đặt biệt danh xấu... Phần lớn phụ huynh có nhu cầu được tư vấn kiến thức về tâm, sinh lý của từng lứa tuổi, cách tương tác với con trong sinh hoạt cuộc sống; cách hỗ trợ con khi con trong các tình huống như: sợ đến trường, nôn, khóc, hoặc có khi bị bạn đánh, lấy đồ..., nhất là các kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống con không vâng lời; khi con chậm phát triển, chậm nói, tăng động, phổ tự kỷ, chống đối học đường”.

Hiện nay, những vấn đề như bạo lực học đường, học sinh bị áp lực học tập, mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội... đang trở thành mối quan tâm của phụ huynh, nhà trường, các nhà tâm lý - giáo dục và các tổ chức thuộc chính phủ, phi chính phủ, mà còn là vấn đề của cộng đồng, xã hội. Chính vì vậy, công tác tham vấn học đường cần được nghiên cứu, thực hiện một cách nghiêm túc. Mặc dù từ trước tới nay, có rất nhiều nghiên cứu về tham vấn học đường được triển khai trên đối tượng là học sinh nhưng nghiên cứu từ góc độ phụ huynh hiểu về hoạt động tâm lý học đường cần gì từ các hoạt động tâm lý này thì chưa có. Cho nên, để hoạt động tham vấn học đường có hiệu quả, nhất định cần có sự hợp tác thống nhất giữa các đối tượng là học sinh, giáo viên, nhà trường và đặc biệt là phụ huynh.

Bình Nam