"Phù thủy sân khấu" Khuấy động làng giải trí Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Đội ngũ những người say mê với nghệ thuật biểu diễn của làng giải trí Đà Nẵng được một phen mệt nhoài khi mỗi ngày phải hoàn thành khối giáo án đồ sộ do "phù thủy sân khấu" Hani Abaza đưa ra. Lần đầu được làm học trò của biên đạo quốc tế đã đưa họ khám phá hết năng lực của chính mình, vượt qua giới hạn của bản thân để nuôi dưỡng đam mê và cháy hết mình với nghệ thuật. Chính chuyên gia giải phóng hình thể từng xuất hiện nhiều trên các kênh truyền hình nổi tiếng như MTV, ABC Family phải thốt lên rằng: "Nghệ sĩ Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn nhưng quá "mộc".
"Cú sốc" ở Nhà hát Trưng Vương
Không "sốc" sao được khi trong lịch sử của Nhà hát, một "ông trùm" biên đạo của Canada nhận lời về luyện kỹ năng cho đội hình diễn viên của Đoàn Ca múa nhạc. Một người mà mình chỉ thấy trên các chương trình truyền hình thực tế ăn khách lại xắn tay về "vùng trũng" nghệ thuật của cả nước để cầm tay chỉ việc cho mỗi động tác biểu diễn. Nhưng "cú sốc" lớn nhất chính là Hani Abaza đưa đến cho họ một giáo án chưa từng gặp kể từ lúc bước chân vào nghề: giải phóng giới hạn cá nhân bằng sở đoản. Anh chàng có gương mặt điển trai thường bắt đầu mỗi ngày làm việc bằng những gì mà diễn viên yêu thích nhất nhưng tiếp ngay sau đó buộc họ phải làm quen với những nỗi sợ hãi khi lên sân khấu bằng những bài tập về sở đoản của mỗi người. Mai Anh, ca sĩ Đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng vẫn chưa hết ngạc nhiên khi phát hiện ra nhiều khả năng của mình mà từ trước tới nay không hề biết đến. "Tôi vẫn thường nghĩ mình đã cố gắng hết sức, những gì mình làm đã là giới hạn của bản thân. Nhưng không, sau những ngày "cắn răng" nghe thầy la rầy, thậm chí rất nặng lời, tôi mới biết cái thiệt thòi của mình từ trước tới nay là không có ai la mắng, không có ai chê để mình biết phải làm gì. Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi có những ngày làm việc hết sức khổ sở, nhưng ai cũng thấy hài lòng", Mai Anh tâm sự.
Dàn diễn viên đội múa của Nhà hát đã được mở mang rất nhiều với sự có mặt của Hani Abaza. Ngay cả những động tác vũ đạo đơn giản, phổ thông nhất mà họ đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần trong nghiệp diễn cũng bỗng dưng hợp lý hơn, có hồn hơn dưới bàn tay, ý tưởng của "phù thủy sân khấu". Bước xuống khỏi sàn diễn, "ông trùm" biên đạo bỏ hết cái nghiêm khắc, lạnh lùng lại phía sau và trò chuyện hết sức cởi mở. Hani Abaza cho rằng, vốn quý nhất của những người hoạt động nghệ thuật ở Đà Nẵng chính là cái thật, cái "mộc" rất khác biệt với Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Đó là lợi thế nhưng cũng là rào cản rất lớn để họ khai phá bản thân. Không có môi trường làm việc tốt, không va chạm nhiều thì tiềm năng khó mà phát triển thành tài năng. Nhưng nghệ sĩ Đà Nẵng hiện không có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, nếu lấy lý do đời sống nghệ thuật Đà Nẵng chưa phát triển, chưa thật sự sôi động như hai đầu đất nước thì anh cho rằng đó chỉ là một cách nói mà thôi. "Những tài năng lớn nhất thường được phát hiện ở những thành phố nhỏ nhất. Nếu khổ luyện, tận dụng bệ phóng tốt thì chính người nghệ sĩ sẽ vượt qua được giới hạn của bản thân và trở thành một phiên bản hoàn hảo của chính mình trong nghề diễn. Chính chúng ta phải đặt ra câu hỏi cho mình, và câu hỏi quan trọng nhất là đã làm hết những gì mình có hay chưa? Tôi cảm nhận rằng, họ còn thiếu câu hỏi quan trọng nhất đó", Hani Abaza thẳng thắn.
Hani Abaza (thứ 3 từ trái sang) với ca sĩ, diễn viên Đà Nẵng. |
Đầu tư cho nghệ sĩ là đầu tư cho khán giả
Ca sĩ Quang Hào, quyền Giám đốc Nhà hát Trưng Vương cho biết, không dễ gì để mời được một biên đạo đẳng cấp quốc tế về huấn luyện kỹ năng giải phóng hình thể. Vì ngoài vấn đề tài chính thì trình độ, đẳng cấp của những người hoạt động trong làng giải trí Đà Nẵng hiện tại xét cho cùng là chưa đủ hấp lực để người ta có mặt. Nhưng lãnh đạo Nhà hát, Sở Văn hóa và Thể thao cũng như UBND thành phố kiên quyết bằng mọi cách phải tạo một làn gió mới, đầy sinh khí để bắt tay tái thiết hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Anh cho rằng: "Không đơn thuần là truyền cảm hứng để người nghệ sĩ lột xác, vượt qua những giới hạn của mình mà Hani Abaza còn trò chuyện tâm sự cùng họ một vấn đề rất nhạy cảm đó là lòng tự trọng nghề nghiệp. Đã có một sự thay đổi rất lớn, từ áp lực không theo nổi giáo án đến sự phấn khích khi anh chị em nhận ra khả năng tiềm tàng của mình. Lâu lắm rồi mới thấy Nhà hát sôi động, diễn viên hứng khởi như thế".
Ca sĩ Quang Hào cũng cho biết, trong lộ trình chuyển sang hoạt động tự chủ, không phụ thuộc vào ngân sách, Nhà hát phải cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ, quan trọng nhất vẫn là nâng cao đời sống anh chị em nghệ sĩ và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Khán giả Đà Nẵng rất khó tính, cho nên xây dựng các chương trình phù hợp với thị hiếu của mỗi đối tượng là rất cần thiết. Trong bối cảnh đó, nền móng con người, chuyên môn là yếu tố hàng đầu. "Trong tổ chức, chúng tôi sẽ mang về các chương trình chất lượng. Trong biểu diễn, hơn ai hết, đội ngũ diễn viên phải tự nâng cao trình độ của mình bằng cách khổ luyện, học hỏi. Chỉ có như thế mới lấy lại niềm tin từ khán giả. Ngoài việc nâng cao đời sống vật chất cho diễn viên, ca sĩ với những nguồn thu nhập tăng thêm từ hoạt động biểu diễn, việc mời được những chuyên gia có đẳng cấp về luyện kỹ năng cũng là nhiệm vụ quan trọng của quá trình tái thiết Nhà hát. Xét cho cùng, đầu tư cho diễn viên là đầu tư cho khán giả", Quang Hào tâm sự.
Công Khanh