Phục dựng Thành Điện Hải như thế nào?

Thứ bảy, 16/12/2017 16:00

Ngày 15-12, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải”. Hội thảo khoa học nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học và nghiên cứu, để tìm ra phương án tối ưu phục dựng Thành Điện Hải.

Thành Điện Hải sẽ được TP Đà Nẵng đầu tư kinh phí phục dựng nguyên trạng.

Thăng trầm

Ở TP Đà Nẵng và có lẽ là trên cả nước Việt Nam này, hiếm có một di tích nào lại đặc biệt như Thành Điện Hải. Bởi di tích tòa thành mấy trăm năm tuổi này là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc, nơi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược Việt Nam. Vào năm 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã tiến đánh ở cửa biển Đà Nẵng. Kế hoạch của kẻ địch là đánh nhanh thắng nhanh, hòng chiếm Đà Nẵng làm bàn đạp mở rộng xâm lược, tiến thẳng ra Huế để buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng. Tuy nhiên, chúng đã bị quân dân ta kháng cự mãnh liệt. Và Thành Điện Hải, ngay từ buổi đầu cùng với những đồn lũy khác đã góp phần đánh lui những cuộc tấn công của quân địch. Nhưng vũ khí thô sơ của triều Nguyễn không thể chống lại súng thép đạn đồng, lần lượt Thành Điện Hải, An Hải và các thành lũy  khác đều rơi vào tay giặc. Nhưng không vì vậy mà quân Pháp đạt được mục đích của mình. Với sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương, quân ta đã lập phòng tuyến, vây hãm quân địch, triệt đường tiếp tế, khiến kế sách đánh chiếm nhanh chóng Đà Nẵng của quân Pháp thất bại. Đến tháng 3-1960, quân Pháp buộc phải rút khỏi Đà Nẵng, để lại dưới chân núi Sơn Trà một nghĩa địa chôn cất nhiều sĩ quan, quân lính tử trận…

Kể vậy để thấy giá trị lớn lao của Thành Điện Hải. Ông Huỳnh Văn Hùng- Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng cho rằng, Thành Điện Hải đã trải qua nhiều thăng trầm, nhất là sau khi Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp. Pháp đã lấy tòa thành này xây dựng bệnh viện và phá hủy hoàn toàn các kiến trúc bên trong thành, đến năm 1900 người Pháp lại xây tại đây một nhà nguyện. Sau năm 1975, Xí nghiệp dược Trung ương V đã sử dụng thành làm nhà xưởng chế biến thuốc. Đến năm 1988, Thành Điện Hải được công nhận là di tích cấp quốc gia, tuy nhiên di tích vẫn chưa được quan tâm bảo tồn, nên nhiều đoạn tường và hào rãnh phía bắc, phía tây nam đã bị đập phá. Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Đà Nẵng phát biểu: “Không chỉ người Pháp, mà người Việt Nam trong nhiều thập niên qua cũng đã làm biến dạng kiến trúc của Thành Điện Hải, may mà chưa biến di tích này thành phế tích”.

Học sinh tham quan di tích Thành Điện Hải.

Dựng lại vóc dáng xưa

Từ năm 2016, trước thực trạng Thành Điện Hải bị xâm phạm, Sở VH-TT thành phố đã đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét lại giá trị lịch sử của di tích này. Đến đầu năm 2017, thành phố có chủ trương giải tỏa, di dời 80 hộ dân sống xung quanh bờ tây, dừng hẳn các công trình xây dựng Trung tâm lưu trữ và phê duyệt phương án tôn tạo, phục hồi Thành Điện Hải. “Phương án tôn tạo Thành Điện Hải có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là trong năm 2017-2019, giải phóng mặt bằng, phục hồi kè, hào như nguyên trạng;  hiện những hộ dân sống ở phía tây thành đã được di dời. Giai đoạn 2 là đến năm 2019, di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành, tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành, xây dựng không gian tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh và nhiều khu phụ trợ khác để phát huy giá trị của Thành Điện Hải. Tin vui là vừa qua, Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành Điện Hải là di tích văn hóa lịch sử Quốc gia đặc biệt”, ông Huỳnh Văn Hùng thông tin.

GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia đánh giá rất cao việc Đà Nẵng có dự án tôn tạo di tích Thành Điện Hải, tạo tiền đề quan trọng để phục dựng di tích đặc biệt này. “Để có những căn cứ khoa học thực hiện tu bổ, tôn tạo Thành Điện Hải thì cần phải xây dựng kịch bản tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích như xây dựng, phục hồi cái gì, ở đâu và làm như thế nào. Tôi cho rằng cần phải chuẩn bị các tài liệu để tập trung xây dựng một sa bàn lớn. Sa bàn này giúp người xem hình dung được quy mô, vị trí của Thành Điện Hải như ngày xưa. Việc tu sửa thành phải gắn với cả khu vực rộng lớn từ Thư viện Tổng hợp, khuôn viên xung quanh Trung tâm Hành chính thành phố, tòa nhà 42-Bạch Đằng, tạo thành một quảng trường văn hóa, lịch sử giữa trung tâm thành phố”, ông Bình kiến nghị. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Tiến (Đại học Huế) dẫn nhiều cứ liệu lịch sử mô tả về kiến trúc, quy mô và cả những công trình như nhà lính, kho lương và cột cờ... trong Thành Điện Hải ngày xưa và cho rằng, việc phục dựng cần không làm thay đổi kết cấu nguyên bản, không làm biến dạng di tích do thiếu căn cứ tư liệu. “Thành Điện Hải không chỉ là kiến trúc quân sự điển hình thời trung đại, mà còn là di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của quốc gia thời cận đại, gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vẻ vang chống Tây xâm lược của dân tộc nên cần nghiên cứu và viết lại một các đầy đủ, chính xác hơn về giá trị của nó, gắn liền với mặt trận Đà Nẵng – Quảng Nam và cả nước”, ông Tiến đề xuất. Còn ông Bùi Văn Tiếng thì cho rằng, trước hết cần phải phục dựng hào nước quanh thành, việc này sẽ được thực hiện dễ dàng khi các hộ dân đã được di dời và tiếp đến là hệ thống phòng thủ trên mặt thành và các cửa thành. “Đã là công trình phòng thủ quân sự chắc chắn có ít nhất một kỳ đài, sở chỉ huy, chưa kể kho lương và trại lính. Theo tôi, ngoài việc phục dựng hào nước, hệ thống phòng thủ thì cần ưu tiên thực hiện kỳ đài, sở chỉ huy. Tiếp đó là hình thành một vườn tượng các tướng lĩnh như Nguyễn Công Trứ, Lê Đình Lý, Nguyễn Văn Thành… chứ không phải chỉ mỗi tượng Nguyễn Tri Phương như hiện nay. Đồng thời hình thành một nhà trưng bày chuyên đề dành cho Thanh Điện Hải nói riêng và hệ thống phòng thủ cửa Hàn của vương triều nhà Nguyễn nói chung và toàn bộ cuộc chiến đấu dưới chân Thành Điện Hải vào năm 1858-1860”, ông Tiếng góp ý.

Thành Điện Hải giờ đã qua rồi những tháng năm thăng trầm, khi chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết tâm đầu tư kinh phí để phục dựng lại tòa thành có một không hai này. Ngày mà Thành Điện Hải lấy lại vóc dáng như trước không còn xa nữa.

HOÀNG ANH