Phút hồi tâm sau 22 năm lẩn trốn

Thứ bảy, 02/04/2022 14:19
Vào một buổi chiều cuối năm 1999, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) xơ xác sau cơn đại hồng thủy. Trong lúc chính quyền chung tay cùng người dân tất bật với công việc khắc phục hậu quả bão lũ cũng là lúc lực lượng Công an huyện Đại Lộc nhận thông tin: Tại lán trại thuộc thôn Đầu Gò (xã Đại Sơn, khu vực giáp giới xã Cà Dy, H. Nam Giang, Quảng Nam) xảy ra một vụ đánh nhau giữa các đối tượng khai thác gỗ, làm một người bị thương nặng. Đối tượng gây thương tích cho nạn nhân đã bỏ trốn khỏi hiện trường. 
Tăng Tấn Công ngày ra trình diện Công an xã Đại Hưng.
Tăng Tấn Công ngày ra trình diện Công an xã Đại Hưng.

Theo hồ sơ vụ án: Trong bữa cơm chiều trong một ngày cuối năm 1999, tại lán trại giữa rừng, mọi người cùng tổ chức uống vài ly giải mỏi. Không ngờ “rượu vào, lời ra” giữa Cao Viết C. (quê quán Nam Định) và Tăng Tấn Công (1975, trú xã Đại Hưng, H. Đại Lộc) xảy ra mâu thuẫn. Vốn là “dân anh chị” từ ngoài Bắc dạt vào Quảng Nam nhằm trốn tránh sự truy bắt của lực lượng Công an nên thay vì lời nói, C. đã giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Cụ thể, C. sử dụng con dao găm luôn mang theo bên mình đâm Công một nhát. Biết không phải là đối thủ của C. nên Công im lặng đi vào nhà người dân mượn con dao thái chuối rồi âm thầm quay lại lán vung dao chặt một nhát vào cẳng chân phải của C. Trả thù xong, Công vác dao băng rừng về nhà tại xã Đại Sơn. Dù bị thương khá nặng, máu ra nhiều mọi người đề nghị đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng C. vẫn kiên quyết từ chối vì sợ bị Công an phát hiện bắt giữ. Do không được cấp cứu kịp thời nên C. đã tử vong do bị choáng mất máu. Nhận thông tin C. đã tử vong, lo sợ bị pháp luật trừng trị nên Tăng Tấn Công “khăn gói” từ biệt cha mẹ bỏ vào miền Nam biệt tích.

Thụ lý điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ các tình tiết của vụ án nhưng do đối tượng thực hiện hành vi chém Cao Viết C. không có mặt tại nơi cư trú nên ngày 27-1-2000, Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Quảng Nam ra lệnh truy nã đối với Tăng Tấn Công. Nhiều năm trôi qua, hồ sơ truy nã đối với Tăng Tấn Công được các trinh sát Công an tỉnh Quảng Nam “lật đi, xếp lại” nhiều lần nhưng hình bóng của đối tượng vẫn như “bóng chim, tăm cá”.

Đầu năm 2022, ngoài việc gửi thư của liên ngành Công an-Viện Kiểm sát-Tòa án đến gia đình vận động đối tượng ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật thì những thông tin liên quan đến Tăng Tấn Công cũng được Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Quảng Nam chuyển đến Công an huyện Đại Lộc và Công an xã Đại Hưng yêu cầu phối hợp. Bằng sự kiên trì, Công an xã Đại Hưng đã thuyết phục được những người thân cùng tham gia vận động Tăng Tấn Công ra đầu thú, đến ngày 26-3-2022, Công tự đến Công an xã Đại Hưng trình diện, kết thúc hành trình 22 năm trốn tránh pháp luật.

Theo lời khai ban đầu của Công: 22 năm trôi qua, chưa có đêm nào được ngủ yên vì luôn nơm nớp nỗi lo sẽ bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ. Cũng từng ấy thời gian, Công nếm đủ mọi nỗi cơ cực của đủ các nghề từ bán vé số, bốc vác... để kiếm sống. Tuy nhiên, với tâm lý ở chốn đông người dễ bị phát hiện nên Công chuyển sang sống chủ yếu bằng công việc nặng nhọc song ít tiếp xúc với người lạ, là phụ hồ tại các công trình xây dựng ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh. “Bây giờ, tôi ngủ đã yên giấc, ăn cũng ngon miệng, được hít thở bầu không khí trong lành của quê hương song trên hết là không còn lo sợ”, Tăng Tấn Công tâm sự.

“Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” là đạo lý muôn đời của dân tộc Việt Nam. Vì thế, khi đứng trước bục khai báo của Tòa án để xét xử về tội trạng xảy ra 22 năm trước đây, chắc chắn Tăng Tấn Công sẽ nhận được sự khoan dung của pháp luật.

M.T