"Quả bom tấn" mang tên "Hồ sơ Pandora"

Thứ ba, 05/10/2021 14:02

Được coi là còn quy mô và chấn động hơn cả vụ "Hồ sơ Panama", "Hồ sơ Pandora" - vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử - có những thông tin mật gì? Tài sản bí mật của hơn 100 tỷ phú, 30 nguyên thủ và 300 quan chức ở những thiên đường trốn thuế đã bị phanh phui trong "Hồ sơ Pandora" gồm hàng triệu tài liệu mật bị rò rỉ.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và vợ là một trong những nguyên thủ được nêu tên trong "Hồ sơ Pandora". Ảnh: Getty

Hồ sơ Pandora với khoảng 11,9 triệu tài liệu dưới nhiều hình thức, từ văn bản giấy trắng mực đen đến dữ liệu số, là vụ rò rỉ hàng triệu tài liệu tài chính mới nhất mà ICIJ tiến hành điều tra, sau vụ"Hồ sơ Panama" (vào năm 2016) và "Hồ sơ Paradise" (vào năm2017).

 

Những tài liệu bí mật được cung cấp cho Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và được ICIJ chia sẻ với các đối tác truyền thông trong đó có Guardian, BBC, Le Monde, Washington Post. Hơn 600 phóng viên đến từ 150 hãng truyền thông ở 117 quốc gia đã tham gia vào quá trình xác minh các tài liệu từ vụ rò rỉ tài chính lớn nhất thế giới những năm gần đây. Sau 18 tháng điều tra, phân tích dữ liệu, các hãng truyền thông trên dự kiến sẽ tiếp tục công bố những thông tin quan trọng trong vài ngày tới.

Thiên đường trốn thuế của các nguyên thủ, tỷ phú

Theo Guardian, "Hồ sơ Pandora" gồm khoảng 11,9 triệu tài liệu từ các tổ chức tài chính được các khách hàng giàu có thuê để cất giấu tài sản, lách thuế ở các thiên đường thuế như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ, Quần đảo Cayman.

Tờ DW của Đức, một trong khoảng 150 tờ báo tham gia cuộc điều tra cùng ICIJ cho biết, trong vụ này, ngoài nhiều lãnh đạo đương chức và nghỉ hưu của thế giới, hơn 330 chính trị gia và quan chức cấp cao có liên quan đến các tài khoản ở nước ngoài. Tài liệu này tiết lộ các giao dịch tài chính bí mật ở nước ngoài của 35 nguyên thủ bao gồm cả đương nhiệm và mãn nhiệm. Theo "Hồ sơ Pandora", những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác.

Trong số những cái tên được nêu có cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Quốc vương Jordan, Tổng thống Kenya, Tổng thống Ukraine... Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng lên tiếng phản đối việc trốn thuế trong nhiều thập kỷ, nhưng những rò rỉ tiết lộ rằng ông và vợ có thể đã sở hữu một tòa nhà trị giá 8,8 triệu USD khi mua một công ty bất động sản nước ngoài của gia đình Bộ trưởng Công nghiệp và Du lịch Bahrain Zayed bin Rashid al-Zayani. Bằng cách mua cổ phần của công ty chứ không phải trực tiếp mua tòa nhà, ông Blair và vợ đã có thể tránh phải nộp thuế tài sản tổng cộng 400.000 USD. Phản ứng về thông tin trên, một người phát ngôn của gia đình ông Blair cho biết, vợ chồng ông đã đóng đầy đủ thuế và chưa bao giờ sử dụng các tổ chức tài chính nước ngoài để che giấu giao dịch hay lách thuế.

Hồ sơ không đề cập trực tiếp đến Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng hé lộ tài sản các nhân vật thân cận với ông tại Monaco.

Chủ sở hữu thực sự của hơn 95.000 công ty nước ngoài

Một trong những hé lộ động trời nhất là cách thức một số người giàu có và có vị trí quan trọng đã thành lập các công ty một cách hợp pháp và bí mật mua tài sản tại Anh.

Các tài liệu cho biết một số chủ sở hữu của khoảng 95.000 công ty ở nước ngoài đứng đằng sau các thương vụ này. Một số công ty này được sử dụng để ẩn danh tài khoản ngân hàng, máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự và các tác phẩm nghệ thuật của Picasso và Banksy. Một diễn biến khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể phải bối rối khi cam kết dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm mang lại sự minh bạch cho hệ thống tài chính toàn cầu, đó là có nhiều chi tiết chỉ ra Mỹ là một thiên đường trốn thuế hàng đầu.

Theo Guardian, các tài liệu cho thấy, điển hình là bang South Dakot đang che giấu hàng tỷ USD của cải liên quan đến các cá nhân trước đây bị cáo buộc phạm các tội nghiêm trọng về tài chính.

Các dinh thự ở Malibu của Quốc vương Jordan

Các tập hồ sơ tài chính bị rò rỉ cũng cho thấy cách mà Quốc vương Jordan bí mật gom tài sản ở Anh và Mỹ trị giá hơn 70 triệu bảng Anh (hơn 100 triệu USD).

Hồ sơ này cũng xác định một mạng lưới các công ty ở nước ngoài tại Quần đảo British Virgin và các "thiên đường thuế" khác đã được Quốc vương Jordan Abdullah II bin Al-Hussein dùng để mua 15 ngôi nhà kể từ khi ông lên nắm quyền lực vào năm 1999. Trong số đó bao gồm 3 căn liền kề nhìn ra biển với tổng trị giá là 50 triệu bảng ở Malibu, California và các tài sản ở London và Ascot, Anh Quốc. Mối quan tâm về bất động sản của ông lớn dần khi Quốc vương của Jordan bị cáo buộc cai trị một chế độ độc tài, trong khi các cuộc biểu tình xảy ra trong những năm gần đây giữa bối cảnh xuất hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và tăng thuế.

Các luật sư của Quốc vương Abdullah nói rằng những tài sản đó được mua bằng tiền cá nhân và ông cũng sử dụng để tài trợ cho các dự án dành cho người dân Jordan.

KHẢ ANH