QUẬN CẨM LỆ (tiếp theo)

Chủ nhật, 04/10/2015 07:25

8. Đoạn đường có điểm đầu là đường Đô Đốc Tuyết, điểm cuối là đường Kha Vạng Cân: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 955m; rộng có đoạn 7,5m, có đoạn 5,5m; vỉa hè mỗi bên có đoạn rộng 4m, có đoạn 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐẶNG HÒA

ĐẶNG HÒA (1927-2007)

Ông còn có tên khác là Đặng Ngọc Lập, quê ở làng Tích Phú, tổng Đức Hạ, nay thuộc xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1945, ông là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1942, ông tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên cứu quốc và được phân công làm Tổ trưởng Tổ Thanh niên cứu quốc xã Tích Phú. Năm 1945, ông là Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách Đảng vụ kiêm Ủy viên Thường trực Mặt trận Việt Minh huyện Đại Lộc. Năm 1947, ông làm Phó Bí thư Huyện ủy và phụ trách công tác tổ chức và chỉ đạo vùng tạm chiến. Năm 1948, ông được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và làm Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1950, ông được điều về Liên khu ủy 5 và giữ chức Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên khu ủy.

 Năm 1954, ông làm Phó Trưởng phòng Cán bộ - Bộ tổng Tư lệnh. Năm 1955, ông làm Trưởng phòng Điều động, đề bạt cán bộ, rồi Trưởng phòng Cán bộ chính trị - Cục cán bộ, Bộ Quốc phòng. Năm 1961, ông làm Chủ nhiệm chính trị miền Trung Trung Bộ. Sau đó, ông làm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5.

Năm 1970, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà và làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận 4. Năm 1978, ông được phong Quân hàm Thiếu tướng và là Chính ủy Bộ Tư lệnh pháo binh. Năm 1986, ông làm Phó Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương và được phong quân hàm Trung tướng.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng khác.

* Tài liệu tham khảo chính: Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2010.

9. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trần Nam Trung, điểm cuối là đường Phan Ngọc Nhân: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 615m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHAN THAO

PHAN THAO (1915-1960)

 Ông quê ở làng Bảo An, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con của nhà văn hóa Phan Khôi.

Ông đi học, làm báo và hoạt động cách mạng từ hồi còn bí mật. Sau khi trở thành đại biểu Quốc hội, ông được phân công làm Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền, Ủy viên Thư ký Mặt trận Liên Việt, vừa là lãnh đạo vừa là cây bút chủ chốt tờ báo Chiến Thắng của tỉnh Quảng Nam (ngày 22 tháng 1 năm 1947, Báo Chiến thắng, cơ quan tuyên truyền của tỉnh Quảng Nam ra số đầu tiên vào dịp Tết Đinh Hợi. Tòa soạn và nhà in lúc bấy giờ đặt tại làng Bình Huề ở tả ngạn thượng nguồn sông Thu Bồn. Tòa soạn do ông và Nguyễn Văn Bổng phụ trách nội dung, Đoàn Bá Từ làm quản lý). Cuối năm 1947, ông được điều động về Khu và được phân công các việc như: phụ trách báo Cứu Quốc Nam Trung Bộ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Văn hóa Kháng chiến Nam Trung Bộ, Chủ nhiệm Tạp chí Miền Nam, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Liên khu 5, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên Việt, Thư ký Hội Hữu nghị Việt - Trung.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm Thư ký tòa soạn báo Nhân dân, sau đó làm Chủ bút báo Thống nhất. Năm 1960, ông tiếp tục được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II.

Ông cũng là dịch giả của tác phẩm nổi tiếng “Người mẹ” của Măxim Gorki (NXB Văn học, 1967). Ngày 5 tháng 8 năm 1960, sau một cơn bạo bệnh, ông qua đời ở tuổi 45.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng.

            - Quảng Nam - Đất nước và Nhân vật. NXB Văn hóa, 1996, tái bản năm 2001.

10. Đoạn đường có điểm đầu là đường Hoàng Đình Ái, điểm cuối là đường Phù Đổng: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 710m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: HỒ TỴ

HỒ TỴ (1906-1978)

Ông còn có tên thật là Hồ Trí Tân, bí danh Hồ Trung, Đến, Thợ Huế; quê ở thôn An Lộng, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, nay thuộc xã Triệu Hà, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1933, ông cùng với Phạm Ngọc Cừ xây dựng Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phước Hải, tỉnh Bà Rịa. Năm 1939, ông hoàn thành việc in Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I. Năm 1940, ông cùng đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị mở rộng tại Chùa Hang, phủ Tam Kỳ và ông được cử làm Bí thư với bí danh là Định.

Năm 1940, ông bị địch bắt đưa về giam ở Đà Nẵng, rồi chuyển ra giam ở Hỏa Lò, sau đó, chuyển ra Côn Đảo. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông ra tù và được phân công làm Ủy viên du kích quân và phụ trách Mặt trận Việt Minh tỉnh Bà Rịa.

Năm 1946, ông làm Tỉnh đội trưởng dân quân Quảng Trị. Năm 1947, ông làm Tham mưu trưởng Mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào. Năm 1952, ông về công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu IV. Năm 1958, ông làm Cục trưởng Cục Kiến thiết cơ bản - Bộ Giao thông.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng…

* Tài liệu tham khảo chính: Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản, tập 1, NXB Đà Nẵng, 2010.

11. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trần Nam Trung, điểm cuối là đường Lê Trực: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 1.120m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN KIM

NGUYỄN KIM (1468-1545)

Ông quê ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là một danh tướng của nhà Hậu Lê.

Cuối đời nhà Hậu Lê, ông được phong Điện tiền chỉ huy sứ, tước An Thành Hầu. Khi nhà Hậu Lê bị nhà Mạc cướp ngôi, năm 1527, con cháu nhà Lê chạy trốn sang Lào. Lúc bấy giờ, hầu hết các cựu thần nhà Lê theo họ Mạc hoặc bỏ đi nơi khác, chỉ có ông là lo chiêu tập hào kiệt bốn phương lánh lên Sầm Châu (vùng Thanh Hoá, giáp với nước Lào), lập bản doanh phò Lê diệt Mạc. Sau đó, ông đã tìm được con vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh ở Lào và đưa về tôn lên ngôi vua là Lê Trang Tông (1533-1548). Ông giúp vua Lê tiến binh về nước, từng bước đánh chiếm các huyện ở Thanh Hóa và sau đó xây dựng hành điện ở xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Ông được vua Lê phong làm Thái sư, tước Hưng Quốc công và nắm giữ tất cả binh quyền.

Năm 1545, ông bị một hàng tướng họ Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc và chết. Vua Lê Trang Tông truy tặng cho ông tước Chiêu Huân Tĩnh Vương. Ông có hai con trai đều là tướng giỏi được phong chức Quận công: Nguyễn Uông (bị Trịnh Kiểm giết) và Nguyễn Hoàng. Về sau, Nguyễn Hoàng trở thành người mở đầu cho sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở miền Nam Việt Nam.

Ông được các vua nhà Nguyễn sau này truy tôn miếu hiệu là Triệu Tổ, thụy hiệu là Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Khải Vận Nhân Thánh Tĩnh hoàng đế.

* Tài liệu tham khảo chính:

-  Báo Tiền phong online, 17/10/2008.

- Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

12. Đoạn đường có điểm đầu là đường Võ An Ninh (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường Thanh Hóa: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 105m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: CỒN DẦU 9

13. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trần Viện, điểm cuối là đường Dương Loan (02 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 120m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: CỒN DẦU 10

14. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lê Quang Định, điểm cuối là đường Hồ Tỵ (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 115m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: LỖ GIÁNG 12

15. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lê Quang Định, điểm cuối là đường Hồ Tỵ (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 115m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: LỖ GIÁNG 14

16. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nhân Hòa 10 (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 5,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 360m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHÂN HÒA 8

17. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nhân Hòa 10 (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 5,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 360m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHÂN HÒA 9

18. Đoạn đường có điểm đầu là đường Đô Đốc Lân, điểm cuối là đường Phù Đổng: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 235m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: NHÂN HÒA 10

19. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trần Lê, điểm cuối là đường Hoàng Đạo Thành: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 100m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: CẨM NAM 9

III. KHU DÂN CƯ SỐ 3 NGUYỄN TRI PHƯƠNG MỞ RỘNG (Sơ đồ số 21): 01 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Bùi Xương Trạch, điểm cuối là đường Hà Tông Quyền: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 200m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: BÙI XƯƠNG TRẠCH

IV. KHU DÂN CƯ ĐÔNG NAM NÚT GIAO THÔNG HÒA CẦM GĐ 1 (Sơ đồ số 22): 01 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu và điểm cuối là đường Phan Sĩ Thực: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 155m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÀU GIA 1

Bàu Gia là vùng đất bồi, trước kia khi xây dựng tuyến Quốc lộ 14B (cũ), Bàu Gia được chia thành hai khu vực, phía Bắc gọi là Bàu Gia Thượng (thuộc thôn Cẩm Bắc), phía Nam gọi là Bàu Gia (thuộc thôn Phong Bắc), nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.

V. KHU BẮC NÚT GIAO THÔNG HÒA CẦM (Sơ đồ số 23): 02 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Hồ Sĩ Dương, điểm cuối là đường kiệt bê tông xi măng: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 40m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: HỒ SĨ DƯƠNG

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phạm Viết Chánh, điểm cuối là đường quy hoạch 5,5m: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 120m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: BÀU GIA THƯỢNG 4

VI. QUỐC LỘ 14B CŨ (Sơ đồ số 24): 01 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trường Sơn, điểm cuối là chân cầu vượt Hòa Cầm: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 600m, rộng 6m; vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN NHƯ ĐÃI

NGUYỄN NHƯ ĐÃI (1918-1990)

Ông quê ở làng Hòa An, nay thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1935. Năm 1939, ông cùng anh trai vào Sài Gòn hoạt động, xây dựng phong trào cách mạng tại Sài Gòn- Chợ Lớn. Sau đó, ông về lại Quảng Nam tổ chức đường dây liên lạc thông suốt từ Huế vào Sài Gòn. Năm 1940, ông bị địch bắt giam tại nhà lao Hỏa Lò, sau lên Sơn La, rồi Côn Đảo. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được ra tù và được Khu ủy Khu 9 cử sang Thái Lan mua vũ khí và thành lập bộ đội Việt kiều về ủng hộ phong trào kháng chiến chống Pháp. Năm 1949, ông giữ chức Trưởng phòng Kiểm tra Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Khu ủy viên Quân khu 9.

Năm 1951-1952, ông giữ chức Tỉnh ủy viên kiêm Chính trị viên Tỉnh ủy Bạc Liêu. Năm 1953, ông làm Phó Chủ nhiệm Phòng chính trị miền Tây Nam Bộ và Chính ủy Trung đoàn miền Tây Nam Bộ. Năm 1955, ông làm Chính ủy Hậu cần Quân khu Tả Ngạn, Quân khu ủy viên Quân khu Tả ngạn và Chủ nhiệm Trường Trung Cao – Tổng cục chính trị.

Năm 1960, ông được cử làm Trưởng đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức, Bí thư Đảng ủy cơ quan. Năm 1971, ông giữ chức Vụ trưởng Vụ các nước Xã hội chủ nghĩa tại CP.72. Năm 1975, ông làm Vụ trưởng thuộc Ủy ban Thanh tra Nhà nước (bộ phận B2).

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

* Tài liệu tham khảo chính: Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2010.

VII. ĐƯỜNG HÒA THỌ TÂY - HÒA NHƠN (Sơ đồ số 25): 01 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Như Đổ, điểm cuối là đường Quốc lộ 14B: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 4.900m, rộng 7,5m; vỉa hè có đoạn không có, có đoạn mỗi bên rộng 4m.

- Đề nghị đặt tên đường: CẦU ĐỎ  - TÚY LOAN

Cầu Đỏ là tên dân gian gọi chiếc cầu sắt nằm trên Quốc lộ 1A (thuộc 2 địa phận giữa làng Phong Nam và làng Phong Bắc) có màu sơn đỏ, được người Pháp xây dựng năm 1952. Túy Loan trước kia thuộc tổng Lệ Sơn, huyện Hòa Vang, nay là một thôn thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.

Tuyến đường đặt tên Cầu Đỏ - Túy Loan, có điểm đầu từ phía sông Cầu Đỏ, điểm cuối là đường Quốc lộ 14B (thuộc Túy Loan).

* Tài liệu tham khảo chính: Võ Văn Hòe, Địa danh thành phố Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng, 2011.

VIII. ĐƯỜNG TÔN ĐẢN NỐI DÀI (Sơ đồ số 26): 01 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Tôn Đản, điểm cuối là đường vào kho bom (CK55): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 1.170m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: TÔN ĐẢN

IX. KHU DÂN CƯ PHƯỚC TƯỜNG (Sơ đồ số 27): 02 đường.

1. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường Tôn Đản, điểm cuối là đường bê tông xi măng rộng 3m: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 320m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHƯỚC TƯỜNG 1

Phước Tường trước kia là tên thôn thuộc xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 2005, sau khi thành lập quận Cẩm Lệ, Phước Tường trở thành khu phố thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ.

2. Đoạn đường có hình chữ U, có điểm đầu là khu dân cư, điểm cuối là đường Phước Tường 1 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 270m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHƯỚC TƯỜNG 2

X. ĐƯỜNG TRƯỚC BẾN XE TRUNG TÂM (Sơ đồ số 28): 02 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Cao Sơn Pháo, điểm cuối là đường Lê Thạch: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 260m; rộng có đoạn 7,5m, có đoạn 28,5m; vỉa hè mỗi bên có đoạn rộng 4,5m, 4m và 5m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: CAO SƠN PHÁO

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vũ Trọng Hoàng, điểm cuối là đường Nguyễn Văn Tạo: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 70m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tiếp tên đường: VŨ TRỌNG HOÀNG

XI. ĐƯỜNG NỐI CẦU HÒA XUÂN VÀ CẦU TRUNG LƯƠNG (Sơ đồ số 29): 01 đường.

1. Đoạn đường có điểm đầu là cầu Hòa Xuân, điểm cuối là cầu Trung Lương: Mặt đường bằng bê tông nhựa, chiều dài 1.310m, rộng 2x10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 10m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN PHƯỚC LAN

NGUYỄN PHƯỚC LAN (1601-1648)

Ông là vị chúa thứ ba của nhà Nguyễn và là con thứ hai của chúa Nguyễn Phước Nguyên, quê gốc ở Gia Miêu, Ngoại Trang, tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1631, ông được phong Thái tử, tước Nhân Lộc Hầu. Năm 1635, chúa Phước Nguyên mất, ông nối ngôi, triều đình tấn tôn Tổng Bình Chưởng Quân Trọng Sự Thái Bảo Nhâm Quận Công, thường gọi là chúa Thượng hay Thượng Vương. Năm 1636, ông cho dời dinh phủ cung thất từ làng Phước Yên, huyện Quảng Điền vào làng Kim Long (mở đầu cho việc định đất kinh đô Huế sau này). Ông chỉnh đốn triều chính, sắp đặt quan lại tứ trụ đại thần cai trị toàn cõi Nam Hà.

Năm 1646, ông sai tổ chức khoa thi Chính đồ và Hoa văn nhằm tuyển chọn nhân tài (đây là khoa thi đầu tiên của Đàng Trong). Trong một lần đánh trận về qua phá Tam Giang, ông bị bệnh và mất, ở ngôi 13 năm, hưởng dương 48 tuổi. Tương truyền cái chết của ông do mỹ nữ Tống Thị bỏ thuốc độc hại ông trên thuyền. Sau khi mất, ông được dâng thụy: Đại Nguyên Soái, Thống Nhất Thuận Hóa, Quảng Nam Đẳng Xứ Chưởng Quốc Chính Uy Đoán Thần Võ Nhân Chiêu Vương, sau Gia Long truy tôn: Thần Tông Hiếu Chiêu Hoàng Đế. An táng tại xã An Bằng, huyện Hương Trà; tên lăng là Trường Diên. Hậu thế xem ông như là người đầu tiên quyết định chọn đất, dựng dinh phủ định đô để có thành phố Huế ngày nay.

* Tài liệu tham khảo chính: Tên đường thành phố Huế, Cổng thông tin điện tử thành phố Huế.