Quân đội bắt đầu bao vây, người biểu tình Áo đỏ quyết đấu
* Một thủ lĩnh Áo đỏ bị bắn trọng thương
(Cadn.com.vn) - Một vài dấu hiệu khả quan xuất hiện sau khi Thủ tướng Abhisit công bố kế hoạch hòa giải dân tộc, thì bất ngờ 3 ngày qua chính trường Thái Lan lại rối ren, khi điều kiện cuối cùng của những người biểu tình Áo đỏ do Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) đứng đầu không được chính phủ đương nhiệm đáp ứng.
Tổng Thư ký của Thủ tướng Abhisit, ông Korbsak Sabhavasu, ngày 12-5 tuyên bố chính phủ nước này sẽ không tiếp tục đàm phán với phe Áo đỏ đang chiếm giữ khu trung tâm thương mại Ratchaprasong ở Bangkok, đồng thời rút lại đề xuất tổ chức bầu cử vào ngày 14-11. Phát biểu trước báo giới, ông Korbsak nêu rõ: “Thời điểm bầu cử như đề xuất đã bị hủy bỏ, song chúng tôi vẫn xúc tiến kế hoạch hòa giải dân tộc”.
Trước đó, phong trào Áo đỏ tuyên bố sẽ tiếp tục tụ tập cho đến khi Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban bị buộc tội vì vai trò giám sát cuộc trấn áp đẫm máu hôm 10-4, trong đó các binh sĩ tìm cách dẹp người biểu tình ở một khu vực của Bangkok làm cho 25 người chết và hơn 800 người bị thương. Cùng ngày, một nguồn tin quân đội cho biết, Tư lệnh lục quân Anupong Paochinda đã thông qua “Chiến dịch Ratchaprasong”, trong đó sẽ điều động 32.000 binh sĩ và sử dụng 120 xe bọc thép chở quân để ngăn chặn các nguồn cung cấp lương thực phẩm và nước uống cho khu vực biểu tình ở trung tâm thủ đô.
Nhật báo Bangkok Post dẫn nguồn tin trên nói rằng, tất cả 120 xe bọc thép dự kiến rời tỉnh Saraburi từ đêm để đến Bangkok và chiến dịch trên cũng bao gồm việc ngăn chặn những người biểu tình ra vào khu vực này. Tư lệnh Anupong và các tướng lĩnh hàng đầu của lục quân Thái Lan đã họp cả ngày 12-5 để thảo luận về kế hoạch cô lập hoàn toàn Ratchaprasong, nhưng vấn đề sử dụng vũ lực chưa được đề cập.
Tin cũng cho hay, Trung tâm xử lý tình trạng khẩn cấp (CRES) đã triệu một cuộc họp khẩn với các nhà cung cấp như Cơ quan điện lực thủ đô, các Cty cung cấp dịch vụ điện thoại, Cơ quan quản lý các nhà máy nước và giao thông để bàn thảo cách thức cắt các dịch vụ liên quan mà tác động ít đến người tiêu dùng ở trong khu vực biểu tình. Đến ngày 13-5, CRES thông báo nhà chức trách nước này sẽ bao vây những người Áo đỏ để buộc họ chấm dứt biểu tình.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Đại tá Sansern Kaewkamnerd, phát ngôn viên CRES cho biết, bắt đầu từ 18 giờ ngày 13-5, các dịch vụ tàu điện ngầm, tàu điện một ray và xe buýt bị ngừng hoạt động xung quanh giao lộ Rachaprasong. Các xe thiết giáp chở quân được sử dụng bao vây địa điểm tụ tập này nhằm ngăn chặn bất cứ người nào đi vào khu vực và chỉ cho người bên trong rời khỏi đó. Nguồn cung điện và nước cũng bị cắt nếu hoạt động bao vây đã sẵn sàng.
Bên cạnh đó, CRES cũng kêu gọi các cửa hàng ở giao lộ Ratchaprasong ngừng cung cấp dịch vụ trong ngày 14-5. Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Abhisit cùng ngày tuyên bố ông đã rút lại đề xuất tiến hành tổng tuyển cử vào ngày 14-11 sau khi người biểu tình Áo đỏ từ chối chấm dứt tụ tập. Tuy nhiên, phát biểu bên lề một cuộc hội thảo về phát triển cộng đồng, ông Abhisit khẳng định kế hoạch hòa giải 5 điểm sẽ vẫn được triển khai. Ông cũng cam kết sẽ đưa tình hình trở lại bình thường trước khi học kỳ của các trường mới bắt đầu từ ngày 17-5 tới.
Các binh sĩ bảo vệ tại quận thương mại trung tâm Bangkok. Ảnh: AP |
Trước những động thái đó của chính phủ và quân đội, những người biểu tình Áo đỏ vẫn kiên quyết không rời vị trí và thề chiến đấu cho đến chết để đạt mục tiêu đề ra. Một thủ lĩnh Áo đỏ chiều qua ngày 13-5 kêu gọi những người biểu tình bao vây các xe bọc thép đang tập kết bên ngoài khu vực biểu tình của họ để quân đội không thể sử dụng các phương tiện này giải tán đám đông. Jatuporn Prompan, một thủ lĩnh Áo đỏ cảnh báo nếu Thủ tướng Abhisit rút lại đề xuất tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 14-11, những người Áo đỏ sẽ tiếp tục biểu tình cho tới khi nào ông Abhisit phải rời nhiệm sở.
Ông Prompan khẳng định: “Nếu chính phủ sử dụng vũ lực để giải tán những người biểu tình Áo đỏ thì ông Abhisit sẽ không thể giữ chiếc ghế thủ tướng đến ngày 14-11. Nhân dân sẽ giành được nền dân chủ thật sự trước ngày đó”. Trong một diễn biến liên quan, sáng 13-5, một số đại sứ quán các nước tại
Còn Hãng Kyodo (Nhật) cho hay, có ít nhất hai tiếng nổ và tiếng súng đã vang lên tại khu vực phong trào Áo đỏ chống chính phủ đang đóng trại gần quận Silom. Theo AP, thiếu tá quân đội Khattiya Sawasdipol, thủ lĩnh phe Áo đỏ đã bị bắn trọng thương. Chưa rõ ai đứng đằng sau vụ việc trên song hành động này xảy ra sau khi chính phủ tuyên bố sẽ điều quân tới khu vực này nhằm giải tán những người biểu tình và hiện cũng chưa có thông tin gì về thương vong. Một phóng viên kênh TNN cho biết, điện tại khu vực Rajprasong, nơi phe Áo đỏ đang phong tỏa, đã bị cắt.
Diễn biến liên quan, Hãng thông tấn Thái (TNA) đưa tin Tòa án Hiến pháp ngày 12-5 đã quyết định gia hạn thêm 15 ngày thời hạn chót để đảng Dân chủ cầm quyền đệ trình hồ sơ kháng nghị lại đề xuất của Ủy ban Bầu cử (EC) rằng đảng này phải giải thể vì chi sai mục đích 29 triệu baht (896.738 USD). Trước đó, đảng Dân chủ ngày 10 - 5 đã gửi một kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu tòa kéo dài thời hạn chót đảng này phải trình hồ sơ kháng nghị để tự bảo vệ. Đảng Dân chủ cho rằng họ cần nhiều thời gian hơn thời hạn chót ngày 12-5 để có thể chuẩn bị các tài liệu bào chữa. Như vậy, với quyết định trên, trước cuối ngày 27-5, đảng Dân chủ sẽ phải nộp hồ sơ kháng nghị lên EC.
Lê Diệu Nguyên