Quản lý thuế kinh doanh trên mạng: Cần cơ chế phối hợp đồng bộ và minh bạch

Thứ tư, 26/09/2018 16:00

Hoạt động mua bán, kinh doanh qua mạng (Thương mại điện tử- TMĐT) ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiện các cơ sở, cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội đang cố tình "quên" thực hiện việc kê khai và nộp thuế thu nhập. Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách cho Nhà nước mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cá nhân với nhau...

Thu tiền thuế trong lĩnh vực kinh doanh trên mạng là trở ngại lớn của cơ quan thuế.

Hoạt động TMĐT hiện nay vô cùng đa dạng và phong phú. Điều này được thể hiện, phạm vi kinh doanh rộng, người kinh doanh không cần phải có cửa hàng, mặt bằng cửa hiệu, mà chỉ cần thông qua các thiết bị điện tử có kết nối Internet. Cụ thể, người kinh doanh chỉ cần một tài khoản trên mạng xã hội, một mặt hàng có thể mua đi bán lại mà không cần kho chứa... đều có thể thực hiện. Chính sự tiện lợi này, nên mọi người mọi nhà chỉ cần có ít vốn, có thời gian đều có thể kinh doanh. Hình thức TMĐT này không chỉ tiện cho người bán mà còn... "thoải mái" cho người mua. Chỉ cần một cái nhấp chuột, lướt web, vào facebook hay các trang bán hàng trên mạng là có thể mua sắm được nhiều mặt hàng thượng vàng hạ cám, từ các món ăn cho đến thời trang, hàng điện tử, thậm chí cả bất động sản... Tuy nhiên, chính sự đa dạng, phong phú và tiện lợi này, ngành thuế lại khó có thể xác định được doanh thu, lợi nhuận của những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh qua hình thức này.

Được biết, theo quy định pháp luật hiện hành, những cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức như facebook, google, youtube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh và phải có nghĩa vụ kê khai doanh thu, doanh số các mặt hàng và sản phẩm đầu vào, đầu ra. Vậy nhưng trên thực tế, do ý thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng còn thấp, nên chưa kê khai hoặc kê khai doanh thu chưa chính xác với cơ quan thuế. Ngành thuế lại gặp nhiều khó khăn trong việc nắm thông tin cá nhân, tổ chức kinh doanh, nhiều trường hợp không tìm ra được địa chỉ thực của người kinh doanh... Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu thu nhập từ kinh doanh 100 triệu đồng một năm trở lên thì phải nộp thuế. Mức thuế là 7% trên thu nhập, trong đó 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, hầu hết các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh loại hình này đều có website để quảng cáo hàng hóa, quá trình mua bán thường được thực hiện phần lớn bằng  nhắn tin đặt mua hàng với phương thức nhận hàng và trả tiền mặt là chủ yếu nên quá trình trao đổi hàng hóa gần như không xuất hóa đơn. Vì vậy, các đơn vị này thường kê khai hóa đơn rất thấp để không phải đóng thuế. Điều này dẫn đến tình trạng khó khăn hơn trong việc thu và quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này.

Qua tìm hiểu từ Cục Thuế TP Đà Nẵng được biết, đơn vị này đang tập trung rà soát tất cả các nguồn thu, đặc biệt là tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Trong đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, mời người nộp thuế có kinh doanh TMĐT để hướng dẫn đăng ký, kê khai nộp thuế, đồng thời thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng thực hiện kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT nhưng không chấp hành hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật Thuế, khi bắt đầu tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT, bao gồm: Bán hàng hóa, dịch vụ qua mạng Internet, mạng xã hội (facebook, zalo, instagram...) và các hình thức TMĐT khác phải có nghĩa vụ đăng ký, kê khai nộp thuế GTGT, TNCN, TNDN, phí môn bài và các loại thuế, phí khác (nếu có) theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế. Đối với trường hợp cá nhân kinh doanh không có địa điểm cố định để giao dịch với khách hàng, chỉ có địa chỉ trên mạng và số tài khoản của cá nhân, bán hàng theo hình thức giao hàng tận nơi, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các nhà mạng để xác định danh tính cá nhân, số tài khoản ngân hàng, phương thức giao hàng để yêu cầu cá nhân khai thuế theo từng lần phát sinh theo quy định. Bên cạnh đó Luật cũng quy định rõ, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế không chấp hành việc kê khai, nộp thuế sẽ bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 108 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Sự phát triển mạnh của Internet và những tiến bộ trong công nghệ thông tin đã tạo ra hình thức kinh doanh TMĐT ngày càng phát triển. Trong khi nhu cầu kinh doanh, mua sắm qua mạng ngày càng phát triển thì công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn. Bài toán đặt ra cho thành phố hiện nay là làm sao để có thể vừa kiểm soát tốt việc thu thuế các hoạt động TMĐT nhưng vẫn đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân được tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.

TRANG TRẦN