Quản lý và chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh

Thứ ba, 23/04/2019 12:10

Hộ, cá nhân kinh doanh (gọi tắt là hộ kinh doanh) là đối tượng nộp thuế có mức thuế nộp hàng tháng không nhiều nhưng đây là đối tượng nộp thuế có số lượng lớn nên là một trong những nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh của Cục Thuế TP Đà Nẵng trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh hoạt động, đồng thời động viên hộ kinh doanh chấp hành tốt pháp luật thuế,  Cục Thuế TP Đà Nẵng tiếp tục tìm kiếm thêm những giải pháp quản lý và chống thất thu thuế.

Kiểm tra chống thất thu thuế tại một hộ kinh doanh trên địa bàn TP Đà Nẵng.  (Ảnh minh họa)

Đánh giá về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, ông  Lưu Đức Sáu - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Đà Nẵng cho biết: Trong thời gian qua, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước được giao, một nội dung rất quan trọng khác mà Cục Thuế TP đã thực hiện khá tốt, đó là xây dựng được cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, trong đó có thông tin về các hộ kinh doanh. Nhờ có cơ sở dữ liệu này, việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định của pháp luật. Việc quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh hiện nay đang thực hiện theo đúng Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn ngành Thuế nói chung, Cục Thuế TP nói riêng thực hiện phương pháp quản lý mới, đó là quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế.

Thực hiện chỉ đạo này, Cục Thuế TP đã có nhiều cải cách trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế. “Hiện nay, Cục Thuế TP đã thực hiện quản lý theo nguyên tắc rủi ro. Chúng tôi đã triển khai việc thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý cơ sở dữ liệu, qua đó đã góp phần đảm bảo tính công khai - minh bạch - công bằng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thông qua giám sát cơ sở dữ liệu, hạn chế tồn tại cho công tác lập bộ, tăng thu cho ngân sách Nhà nước”, ông Lưu Đức Sáu cho biết thêm. Với mục tiêu minh bạch giữa công tác quản lý thu và đôn đốc thu nộp, Cục Thuế TP đã từng bước chuyển dần từ nhiệm vụ thu thuế, đôn đốc nộp thuế từ cơ quan thuế sang đơn vị ủy nhiệm thu. Điều này đã làm giảm nguy cơ rủi ro khi cán bộ thuế không tiếp xúc với hộ kinh doanh.

Đặc biệt, để công tác quản lý thuế và chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh một cách hiệu quả, trong năm 2018, Cục Thuế TP đã tham mưu UBND TP ban hành và triển khai Đề án “Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn TP” từ tháng 6-2018. Theo ông Nguyễn Đình Ân - Cục trưởng Cục Thuế TP: Đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán, Cục Thuế TP đã chỉ đạo chi cục thuế các quận, huyện trên địa bàn tiến hành đánh giá công tác quản lý hộ kinh doanh, tập trung tại các địa bàn đông dân cư và chọn những hộ kinh doanh trong các lĩnh vực ăn uống, giải khát, karaoke, massage, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, sản xuất và kinh doanh đá mỹ nghệ... để xác định doanh thu, tính và áp dụng mức thuế sát với thực tế kinh doanh. Nhờ đó, đến ngày 31-12-2018, Cục Thuế TP đã đưa thêm vào bộ quản lý thu thuế 1.384 hộ kinh doanh với số thuế thu thêm bình quân mỗi tháng khoảng 300 triệu đồng; điều chỉnh thuế cho phù hợp với thực tế kinh doanh đối với 424 hộ kinh doanh khác với tổng số thuế điều chỉnh tăng bình quân mỗi tháng gần 340 triệu đồng...

Từ đầu năm 2019 đến nay, Cục Thuế TP tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án chống thất thu thuế, trong đó, xây dựng riêng một kế hoạch chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Trước hết, Cục Thuế TP đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với các hộ kinh kinh doanh về những thay đổi trong chính sách thuế; tuyên truyền các hướng dẫn, quy định tại các văn bản pháp luật, các quy trình về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh; vận động hộ kinh doanh thực hiện nộp thuế trực tiếp tại các điểm thu ở các ngân hàng thương mại, lưu giữ các chứng từ nộp thuế để chứng minh việc chấp hành và hoàn thành nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, Cục Thuế TP đã chỉ đạo các phòng ban, nghiệp vụ và các chi cục thuế quận, huyện thực hiện quản lý chặt việc kê khai doanh thu và việc bán hóa đơn cho hộ kinh doanh; xây dựng cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, để công tác chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh có hiệu quả hơn, Cục Thuế TP chỉ đạo chi cục thuế các quận, huyện phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp thành lập các tổ kiểm tra chống thất thu để tiến hành kiểm tra chống thất thu thuế, đảm bảo qua kiểm tra quản lý được tất cả hộ kinh doanh trên địa bàn quận, huyện, xã, phường, bao gồm cả hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế và hộ kinh doanh thuộc diện không phải nộp thuế. Trên cơ sở đó, lập danh sách các hộ kinh doanh có rủi ro cao về thuế và tiến hành công tác kiểm tra chống thất thu thuế. “Việc lựa chọn các hộ kinh doanh thực hiện chống thất thu phải trọng tâm, trọng điểm; tập trung kiểm tra, khảo sát các hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh thuận lợi hoặc có thương hiệu thường xuyên đông khách; hộ kinh doanh tại các địa điểm tập trung đông dân cư; hộ kinh doanh thuê mặt bằng tại các trục đường chính và tại các ngã ba, ngã tư đường phố với chi phí thuê lớn nhưng mức doanh thu khoán thấp, không phù hợp với thực tế kinh doanh...”, Cục trưởng Cục Thuế TP Nguyễn Đình Ân  nhấn mạnh.

PHÚ NAM