Quận Sơn Trà phải chủ động xây dựng phương án phục hồi KT-XH
Sáng 22-9, Đoàn ĐBQH và HĐND TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Quận Sơn Trà để giám sát công tác phòng, chống dịch và việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Buổi làm việc do ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành T.Ư Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP chủ trì.
Lực lượng CAQ. Sơn Trà trao tặng hỗ trợ cho người dân địa bàn.
Nỗ lực bảo vệ "vùng xanh", đẩy nhanh tiêm vaccine
Tính từ 1-8 đến nay, quận Sơn Trà đã có 762 ca F0, 1.534 ca F1 và 937 ca F2, đã từng phong tỏa 179 khu và hiện đang còn 1 khu vực còn phong tỏa là Công ty Nam Anh (KCN An Đồn). Hiện nay, quận đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, làm chủ được tình hình. Toàn quận đánh giá là vùng xanh từ ngày 16-9. Mặc dù có thời điểm dịch bùng phát mạnh tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, KCN An Đồn, KCN dịch vụ Thủy sản Thọ Quang lan ra các khu dân cư, quận phải phong tỏa 5/7 phường nhưng toàn quận đã quyết tâm, kiểm soát kịp thời.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, UBND quận Sơn Trà đã triển khai các biện pháp thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệp và tiến hành khử khuẩn những khu vực liên quan, khu vực nguy cơ cao. Tổng số mẫu xét nghiệm trên địa bàn theo các kế hoạch xét nghiệm của thành phố tính từ ngày 14-8 đến 21-9-2021 là 331.855 mẫu, từ đó phát hiện ra 42 F0. Quận đã triển khai 316 chốt kiểm soát, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử phạt 429 trường hợp, với số tiền trên 1,7 tỷ đồng.
Đồng thời, UBND quận đã chủ động, kịp thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp, phương án, đa dạng các loại hình cung ứng để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong điều kiện áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, như: liên hệ kết nối 37 đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các hộ dân trên địa bàn quận, triển khai 4 điểm chợ tạm do Ban quản lý chợ quận điều hành, 14 điểm bán hàng thiết yếu và 7 xe bán hàng lưu động do UBND các phường tổ chức đưa hàng hóa đến tận các khu dân cư để thuận tiện cho các tổ dân phố mua hàng giúp người dân…
Đối với công tác tiêm vaccine, tính đến ngày 21-9, với 3 điểm tiêm, quận Sơn Trà đã tổ chức tiêm 61.172 mũi cho người dân, đạt tỷ lệ 62,03% dân số từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, lực lượng phòng, chống dịch quận và phường 4.923 mũi, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo 2.133 mũi, người trên 65 tuổi 5.698 mũi, người từ 18-65 tuổi 44.467 mũi, tiểu thương chợ, buôn bán tạp hóa, ăn uống, chức sắc tôn giáo… 3.951 mũi.
Kịp thời hỗ trợ người dân
Thực hiện Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19-7-2021 của UBND thành phố, quận đã chi hỗ trợ 47 triệu đồng cho 47 người có công cách mạng bị bệnh hiểm nghèo, ốm đau thường xuyên. 378 triệu đồng đã được trao cho 378 người khuyết tật đặc biệt nặng và trẻ em mồ côi, người cao tuổi neo đơn. Quận chi hơn 5,9 tỷ đồng hỗ trợ cho 12.014 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đối với người lao động không ký kết hợp đồng lao động, quận đã tổng hợp, gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị hỗ trợ 1.700 hồ sơ, và được phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 1.688 lao động, với số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Đến nay, các phường đã chi hỗ trợ cho người lao động với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.
Về việc hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cho hộ dân khó khăn, Q. Sơn Trà đã triển khai hỗ trợ 7.597 suất (500 ngàn đồng/suất), cho 700 hộ chính sách và 6.897 hộ khó khăn, 21.246 suất (500 ngàn đồng/suất) cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, hộ thuê trọ, hộ khó khăn. Đồng thời, Quận cũng đã hỗ trợ 27.939/30.975 hộ với mức hỗ trợ 500.000 đồng/suất/hộ theo Quyết định số 2903/QĐ-UBND. Đặc biệt, 34.780 hộ trong khu phong tỏa, với 137.885 khẩu đã được quận Sơn Trà thực hiện chi hỗ trợ tổng số tiền trên 67,5 tỷ đồng theo Quyết định 3100/QĐ-UBND ngày 22-8-2020 của UBND thành phố.
Ngoài ra, Q. Sơn Trà cũng đã thực hiện phân bổ 213.195kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 14.213 hộ, với mức 15kg/hộ. Đồng thời, 70 giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục được chi hỗ trợ, vì không giao kết hợp đồng lao động bị mất việc. 13 trẻ em dưới 16 tuổi là F0, F1 đã chi hỗ trợ và đã kết thúc điều trị do bị COVID-19 với tổng kinh phí là 13 triệu đồng. 123 hộ kinh doanh cá thể cũng đã được hỗ trợ hơn 367 triệu đồng. Trên cơ sở tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp, quận Sơn Trà đã có văn bản đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố và đã được phê duyệt 1.847 trường hợp, với số tiền gần 3 tỷ đồng. Hiện nay, quận đã thực hiện chi hỗ trợ 1.460 trường hợp, với số tiền gần 2,4 tỷ đồng và đang chờ thành phố phê duyệt 373 trường hợp, số tiền gần 1,5 tỷ đồng.
Đảm bảo tốt công tác phòng dịch
Tại buổi họp, ông Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá cao những nỗ lực vượt qua khó khăn, những vất vả của đảng bộ, chính quyền, nhân dân dân Quận Sơn Trà trong công tác chống dịch trong thời gian qua. Quận đã có đề xuất kịp thời với UBND TP để xử lý những tình huống, hỗ trợ kịp thời cho Quận. Việc cung ứng lương thực thực phẩm cho nhân dân ban đầu còn lúng túng nhưng những thiếu sót đã nhanh chóng được khắc phục, phục vụ tốt cho nhân dân. "Đoàn kiểm tra HĐND TP cũng đã đi đến một số nơi và đã nhận được sự phản hồi tốt từ phía người dân" - Ông Triết nhấn mạnh. Bên cạnh đó, một số bài học kinh nghiệm cũng đã được ông Triết chỉ ra: đó là công tác tuyên truyền phải nhanh chóng, kịp thời đến người dân, đặc biệt là liên quan đến chính sách, công tác giãn cách. Công tác quản lý ở từng hộ dân cũng có một số vấn đề như "khóa chặt ngoài lại lõng trong", nhiều người dân dễ dàng đi lại giữa các phường. Công tác thống kê lập danh sách còn nhiều vấn đề dẫn đến việc nhận hỗ trợ bị thiếu sót, không chính xác.
Trong thời gian đến, ông Triết yêu cầu lãnh đạo Quận Sơn Trà cần chú ý nhiều hơn nữa trong công tác chính sách xã hội, đối tượng chính sách. Quận cần linh hoạt xử lý thật tốt để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đợt dịch hiện nay. Các kiến nghị, khiếu nại phải nhanh chóng giải quyết kịp thời, không được xảy ra điểm nóng. Địa phương, lực lượng cơ sở tiếp tục tổng hợp những khó khăn, bất cập từ đó tham mưu, kiến nghị cho quận, thành phố để có quyết sách phù hợp. Phương án phục hồi sau dịch phải hướng đến từng phường, từng ngành cụ thể. Quận cũng phải xây dựng phương án chống dịch tại từng cơ sở, đặc biệt là trường học, chợ, siêu thị…, tăng cường tuần tra xử phạt nếu phát hiện. Đặc biệt là công tác tiêm vaccine, "Quận cần lưu ý kỹ về các đối tượng ưu tiên, nhất là người lớn tuổi, đảm bảo công khai, minh bạch"- ông Triết nhấn mạnh. Ngoài ra, phải chú ý để người dân sau dịch có việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
LÊ ANH TUẤN
Xét nghiệm nhanh tất cả công nhân tại KCN An Đồn Liên quan đến ca F0 vừa phát hiện tại Công ty TNHH TM Mai Anh - đường số 04 Khu công nghiệp Đà Nẵng, thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, ngay khi có thông tin, lãnh đạo UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo các lực lượng y tế, công an, quy tắc đô thị phối hợp cùng các lực lượng của phường An Hải Bắc tiến hành phong tỏa ngay Công ty TNHH TM Mai Anh. Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty Mai Anh đã khẩn trương thông báo cho toàn bộ nhân viên đến công ty lấy mẫu xét nghiệm và tiến hành các bước khẩn cấp truy vết các F liên quan và cách ly y tế theo quy định. 21 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có kết quả âm tính 20 người và chuyển đi cách ly tập trung tại Khách sạn Golden Rose 3, 1 người dương tính, sinh sống tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu. Trước đó, ngày 21-9, Đoàn kiểm tra của UBND quận Sơn Trà đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Mai Anh tại trụ sở Công ty Massda Land - Khu công nghiệp An Đồn. Đoàn kiểm tra đã kết luận và chỉ đạo: Doanh nghiệp Mai Anh đã không thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch, để công nhân chưa có kết quả xét nghiệm vào làm việc, yêu cầu lãnh đạo công ty Mai Anh phối hợp với y tế, công an cho toàn bộ nhân viên công ty thực hiện khai báo dịch tễ, tiếp tục yêu cầu F0 khai báo bổ sung và đầy đủ quá trình làm nhiệm vụ và việc tiếp xúc với các trường hợp khác. Đặc biệt, lãnh đạo Quận đã đề nghị công ty Mai Anh dừng tất cả các hoạt động của công ty và thực hiện theo hướng dẫn của các ngành chức năng trong phòng chống dịch. Bên cạnh đó, UBND quận đề nghị Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng yêu cầu KCN An Đồn tăng cường kiểm tra, rà soát toàn bộ hoạt động của tất cả các doanh nghiệp trong KCN về phương án, kịch bản… phòng, chống dịch. Đặc biệt, tất cả các doanh nghiệp tại KCN An Đồn đều được tổ chức xét nghiệm nhanh cho tất cả công nhân trong thời gian sớm nhất. L.A.T |