Quảng Nam bảo tồn nhiều động vật quý hiếm

Thứ sáu, 18/08/2017 14:53

Quảng Nam là một trong số ít những địa phương ghi nhận sự tồn tại những loại động vật quý hiếm, trong đó có voi và voọc chà vá chân xám. Mới đây, sự xuất hiện trở lại của đàn voi rừng tại H. Nông Sơn và đàn voọc chà vá chân xám tại H. Núi Thành đã thúc giục các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam nhanh chóng triển khai kế hoạch, lên phương án bảo tồn.

Đàn voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây chỉ còn 20 cá thể. Ảnh: Đ.T 

Phục hồi sinh cảnh rừng để bảo tồn đàn voọc

Voọc chà vá chân xám là loài đặc hữu của Việt Nam và nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).  Số lượng quần thể ước khoảng 500, phân bố ở 5 tỉnh thuộc khu vực Trung Trường Sơn, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Cùng với quá trình giảm diện tích rừng tự nhiên đàn voọc chà vá chân xám ở Quảng Nam đang mất dần môi trường sinh sống, số lượng tụt giảm nhưng chưa có giải pháp bảo tồn. Theo ước tính tại  những cụm rừng tự nhiên còn sót lại ở xã Tam Mỹ Tây (H. Núi Thành, Quảng Nam) hiện có đàn voọc chà vá chân xám khoảng 20 con sinh sống. Người dân địa phương cho biết, đàn voọc này vốn có hàng trăm cá thể tuy nhiên những năm gần đây không thấy sự xuất hiện của chúng nhiều như trước. Nguyên nhân có thể do môi trường bị thu hẹp, nguồn thức ăn khan hiếm. Hiện những khu vực vốn là nơi sinh sống tự nhiên của vọc là  Nà Lấm, Hòn Bà, Hòn Dồ đa phần đã bị người dân lấn chiếm trồng keo. Đặc biệt tình trạng săn bắt không được ngăn chặn khiến chúng suy giảm số lượng nhanh chóng.

Ông Phan Minh Huấn, cán bộ phụ trách trạm kiểm lâm Núi Thành cho biết, đơn vị đã thông báo cho Chi cục kiểm lâm tỉnh về tình trạng của đàn voọc trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền người dân không xâm hại đến đàn voọc. Tuy nhiên, vì độ quý hiếm của voọc nên một số đối tượng ở nơi khác lén đến khu vực này để săn bắt. Hiện Trạm kiểm lâm Núi Thành đang tăng cường kiểm đếm số lượng voọc đồng thời giữ gìn khu vực voọc đang sinh sống.

Trước thực trạng số lượng cá thể voọc đang giảm dần Sở NN&PTNT Quảng Nam vừa đưa ra các giải pháp bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây. Cụ thể, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng đề án phục hồi sinh cảnh rừng khoảng 80ha kết nối từ xã Tam Mỹ Tây đến xã Tam Trà (H. Núi Thành) để tạo môi trường sống cho đàn voọc; thay thế các diện tích rừng trồng bằng loài cây bản địa là nguồn thức ăn của voọc. Ngoài ra, để bảo tồn và phát triển đàn voọc, Sở NN&PTNT cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuần tra, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ thiên nhiên nhằm ngăn chặn có hiệu quả các mối đe dọa đối với động vật hoang dã.

Hình ảnh voi rừng tại H. Nông Sơn do người dân chụp được.

Thẩm định đề án bảo tồn voi

Theo số liệu điều tra của Tổng cục Lâm nghiệp hiện Việt Nam có khoảng 100 con voi và đang có 3 khu bảo tồn voi ở Nghệ An, Đắc Lắc và Đồng Nai. Mới đây Bộ NN&PTNT vừa  thẩm định khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn với hơn 18.000ha rừng đặc dụng ở xã Quế Lâm (H. Nông Sơn, Quảng Nam). Trước đó giữa năm 2016, UBND tỉnh chính thức có văn bản gửi Bộ NN&PTNT và Tổng cục Lâm nghiệp để xin chủ trương, nguồn vốn xây dựng đề án xác lập các khu rừng đặc dụng trên địa bàn, trong đó thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tại H. Nông Sơn.

Cuối tháng 7-2017, đàn voi 7 con tại H. Nông Sơn lại tái xuất hiện tại thôn Cấm La (xã Quế Lâm), trước đó vào tháng 2-2017, đàn voi này đã ra tận bìa rừng kiếm ăn. Ông Nguyễn Ngọc Nguyên- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Nông Sơn cho biết,  đơn vị thường xuyên lên phương án, kế hoạch cụ thể, thông báo địa điểm vừa xuất hiện đàn voi rừng cho người dân xã Quế Lâm phòng tránh xung đột. Cũng theo ông Nguyên, đơn vị đã tổ chức 2 đợt tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách đối phó khi voi xuất hiện và cấp cho mỗi hộ một chiếc thau đồng, mỗi thôn một chiếc loa di động. Mục đích để khi có voi xuất hiện, người dân đánh lên xua đuổi đàn voi vào lại rừng. Chính quyền H. Nông Sơn và Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục hồ sơ pháp lý thành lập khu bảo tồn loài voi ở địa phương này.

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng việc thành lập khu bảo tồn voi ở Nông Sơn là hợp lý. Cuộc khảo sát của ngành kiểm lâm cho thấy, hầu hết người dân bản địa đều nhận thức được voi là loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn. Hiểu được giá trị và ý nghĩa của việc thành lập khu bảo tồn voi nên gặp voi trong rừng, nhưng người dân không có hành động kích động voi. Nhờ vậy, những năm qua, xung đột giữa voi và con người không xảy ra. Bên cạnh đó khu vực núi rừng nơi đây chưa bị can thiệp bởi các hoạt động phát triển kinh tế. Nhờ có khung cảnh núi rừng hoang sơ sẽ tạo điều kiện tốt cho voi sinh sống. Ông Phan Tuấn cho biết, tỉnh sẽ thành lập ban quản lý khu bảo tồn sinh cảnh voi tại H. Nông Sơn.

ĐỒNG DAO