Quảng Nam - Cảnh báo tai nạn đuối nước

Thứ tư, 07/06/2023 15:30
Mới đầu mùa hè nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Điều đáng nói, đa phần nạn nhân là các em học sinh. Nguyên nhân là do khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông suối và tắm biển mà không có người lớn đi kèm.
Lực lượng chức năng tìm kiếm phát hiện thi thể em H.P.G.B. bị đuối nước ngày 3-6.
Lực lượng chức năng tìm kiếm phát hiện thi thể em H.P.G.B. bị đuối nước ngày 3-6.

Đã gần 1 tuần trôi qua, nhiều người dân ở Núi Thành, Quảng Nam vẫn không thôi xót xa khi nhắc đến vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra vào chiều 2-6. Một nhóm học sinh (HS) ở xã Tam Nghĩa (H.Núi Thành) khi đến khu vực biển Bãi Rạng - giáp ranh giữa xã Tam Nghĩa và xã Tam Quang để tắm và có 3 em đã bị đuối nước. Trong đó, 2 em may mắn được những người đi cùng phát hiện cứu sống, em còn lại là H.P.G.B. (HS lớp 8 Trường THCS Lê Lợi, xã Tam Nghĩa) bị mất tích. Tiếp nhận thông tin, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cử hàng chục CBCS cùng các phương tiện, đồng thời huy động 3 tàu cá của ngư dân cùng 4 thợ lặn tổ chức tìm kiếm. Sau gần một ngày tích cực tìm kiếm, đến trưa 3-6, lực lượng chức năng và người dân mới tìm thấy thi thể em B. tại khu vực gần vị trí bị nạn...

Trước đó (chiều tối 31-5), tại bãi biển thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, H.Duy Xuyên), nhiều người đi tắm biển đã ra về, nhưng trên bờ biển có chiếc xe máy BKS 92FA-02.901 không ai đến lấy đi. Nghi vấn có người bị đuối nước khi tắm, một số người dân địa phương đã tổ chức tìm kiếm, nhưng không phát hiện nên báo cho chính quyền địa phương. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng xã Duy Hải tiếp cận hiện trường, xác định chủ xe là ông Võ Hữu Kh. (1977, trú xã Duy Nghĩa, H.Duy Xuyên). Xe này được con ông Kh. là Võ Phạm Hữu T. (2000) điều khiển để đi tắm biển. Nhận định có điều chẳng lành nên địa phương đã huy động người dân phối hợp với BĐBP tham gia tìm kiếm. Đến 22 giờ cùng ngày, người dân và lực lượng chức năng đã phát hiện thi thể anh T. đang trôi dạt vào bờ biển gần vị trí chiếc xe máy.

Ngoài các vụ đuối nước thương tâm khi tắm biển, nhiều nhóm HS cũng rủ nhau đến các ao hồ, sông suối để tắm và không may gặp nạn. Như chiều ngày 2-5, một nhóm thanh thiếu niên rủ nhau đến khu vực hố Đá ở thôn Bích An (xã Tam Xuân 1, H. Núi Thành) để tắm. Trong lúc tắm, em N.V.L. (16 tuổi, trú xã Tam Xuân 1) bị đuối nước mất tích. Thi thể em L. được người dân và chính quyền địa phương tìm thấy ngay sau đó. Trước đó một ngày (1-5), nhóm HS của một trường THCS trên địa bàn TP Tam Kỳ vào khu vực hố Giang Thơm (xã Tam Mỹ Tây, H.Núi Thành) chơi và tắm suối. Tại đây, có một số em nam xuống hố tắm, để rồi không may em V.H.V. (15 tuổi, trú xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ) bị đuối nước, tử vong. Điều đáng nói, gia cảnh của em V.H.V. đặc biệt khó khăn, mẹ ruột không ở cùng, cha làm nghề phụ hồ nuôi 3 con và mẹ già trên 80 tuổi, trong đó, con út bị bệnh ung thư…

Có thể thấy, những năm gần đây, ngoài Quảng Nam thì nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Nguy cơ đuối nước luôn rình rập ở khắp mọi nơi, nhất là về mùa hè, trời nắng nóng, các em được nghỉ học, tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi tự do. Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Qua thống kê cho thấy, số vụ đuối nước tăng cao tập trung ở dịp hè.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đuối nước ở trẻ em, trong đó, nhiều trường hợp xảy ra do bản thân trẻ không được trang bị các kỹ năng an toàn, nhiều trẻ không biết bơi. Cùng với đó là sự chủ quan, bất cẩn của người lớn, không trông coi, giám sát trẻ em thường xuyên, để các em tự do đi lại, chơi đùa ở những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao hồ. Trên 50% các trường hợp chết đuối khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông suối và tắm biển mà không có người lớn đi kèm.

Vì vậy, để phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ, các bậc phụ huynh cần thường xuyên giám sát các em. Không để trẻ em đi tắm, đi bơi mà không có người lớn biết bơi đi kèm; quan tâm việc trang bị kỹ năng cho trẻ em tự bảo vệ mình, như: kỹ năng bơi, kỹ năng nhận biết môi trường nước nguy hiểm, vùng nước sâu, nước xoáy; kêu cứu, tìm người giúp đỡ khi xảy ra tai nạn. Luôn mặc áo phao cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy. Đối với người lớn cũng không nên chủ quan, vì đuối nước cũng có thể xảy ra kể cả khi biết bơi và bơi giỏi. Hãy chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Đặc biệt, không nên đi bơi khi sức khỏe không đảm bảo, như: sau khi sử dụng rượu bia, cơ thể đang có chấn thương, bị các bệnh về tim mạch…

B.B