Quảng Nam “cháy” cát, sỏi

Thứ hai, 18/07/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Chính quyền tỉnh Quảng Nam đang siết chặt khoáng sản, chủ yếu là nạn khai thác cát, sỏi trái phép ở các lòng sông và điều này đã khiến cho cát, sỏi trở nên khan hiếm và tăng giá mạnh.

Cát, sỏi... cháy hàng

Trước thực tế lộng hành của “sa tặc” trên các tuyến sông Tam Kỳ, sông Bàn Thạch (TP Tam Kỳ), sông Trường Giang (H. Núi Thành), sông Thanh (H. Nam Giang), sông Thu Bồn, sông Vu Gia ở các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên và TP Hội An, nhiều lòng sông bị cày nát, các bờ sông bị sạt lở khủng khiếp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... buộc UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương kiểm tra, truy quét và tạm dừng khai thác cát sỏi trên những tuyến sông này trước ngày 31-6. Do đó, những ngày vừa qua, giới kinh doanh cát, sỏi lẫn những người đang xây dựng nhà cửa, các công trình công cộng trên địa bàn Quảng Nam đứng ngồi không yên trước tình trạng giá cát, sỏi tăng đột biến do khan hiếm.

Bất chấp lệnh cấm của tỉnh, một số bãi cát, sỏi trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động công khai. Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng 12-7, bãi cát trái phép của ông Tịch ở thôn Phú Đông, xã Tam Phú (Tam Kỳ) ngay sát dưới chân cầu Tam Phú tranh thủ hoạt động hết công suất. Cảnh ghe, thuyền chở cát vẫn tấp nập vào bán cát cho bãi ông Tịch với giá 90.000 đồng/1 m3 cát tô, cát xây, ngay sau đó vài phút ông Tịch bán lại cho người dân xây nhà và các công trình với giá 120.000 đồng/1 m3. Trong khi giá cát thường ngày chỉ ở mức 60.000 đồng/1 m3.

Sáng 12-7, bãi cát trái phép của ông Tịch ở xã Tam Phú (Tam Kỳ) vẫn hoạt động công khai. 

Chúng tôi hỏi mua 20-30 m3 cát xây, cát tô làm nhà, ông Tịch nói: “Cát dạo này khan hiếm lắm, họ (công an, môi trường – NV) tổ chức truy quét dữ quá, một số ghe hoạt động lén lút mới hút cát được. Với khối lượng 20-30m3 cát xây, cát tô vào thời điểm này các bãi cát rất khó đáp ứng, mua tại bãi giá 120.000 đồng/1 m3, còn vận chuyển tới công trình giá lên đến 150.000 đồng/1 m3 mà vẫn không có cát để bán. Nhưng nếu lén lút khai thác vẫn đáp ứng được cho khách hàng!”.

Tại các điểm cung ứng cát ở huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Núi Thành và Hội An, giá cát hiện tại đã dao động từ 120.000 đến 150.000 đồng/1m3. Ở Quảng Nam, nguồn cát chủ yếu lấy từ các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ, Bàn Thạch và Trường Giang. Từ đây có thể xuất bán sang các huyện trong tỉnh và thị trường Đà Nẵng. Tuy nhiên, vì cát không khai thác được nên nhiều điểm cung ứng vật liệu cát trong tỉnh gần như đóng cửa. Hậu quả, không ít công trình xây dựng phải thi công cầm chừng, hoặc tạm dừng chờ giá cát tụt xuống.

Nhà thầu điêu đứng

Theo báo cáo của các huyện, thành phố của tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, tỉnh tổ chức nhiều đợt truy quét, nhưng những người khai thác cát vẫn hoạt động lén lút, gây nguy cơ sạt lở nặng hai bên bờ sông, làm ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc siết chặt kiểm tra, ngăn chặn nạn khai thác cát, sỏi trái phép vẫn phần nào giảm được mật độ khai thác. Vì vậy, các điểm cung ứng cát ở Tam Kỳ phải ra tận Hương An (Quế Sơn), Điện Bàn, Duy Xuyên mua lại rồi đem về bán với giá... trên trời. Giá cát đắt đỏ nên nhiều công trình đã bị chững lại như một số công trình bê-tông hóa nông thôn, kênh mương nội đồng do nhà thầu chờ cát xuống giá. Trao đổi với phóng viên, đại diện Cty cổ phần Vinaconex 25 ở Tam Kỳ, đang thi công công trình Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam nằm trên đường Nguyễn Du (Tam Kỳ) cho biết: “Trong quý I của năm 2011, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam ban hành giá cát đúc, xây chưa thuế là 100.000 đồng/1 m3, đến chân công trình (CCT) là 110.000 đồng/1 m3; cát tô mịn là 100.000 đồng/1 m3, đến CCT là 110.000 đồng/1 m3; còn giá sỏi (2x4) đến CCT là 163.000 đồng/1 m3; sỏi (1x2) đến CCT là 180.000 đồng/1m3...”. Tuy giá có cao, nhưng để đáp ứng tiến độ xây dựng... Vinaconex25 vẫn không tìm ra, phải chấp nhận đi mua “mót” cát lại ở các điểm ở các H. Đại Lộc được người dân mót dưới các khe suối với giá cao gấp đôi ngày thường để xây dựng theo tiến độ... cầm chừng. 

Bà Nguyễn Thị Phượng, chủ Cty TNHH Phương Trâm ở xã Tam Xuân 1, H. Núi Thành được Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép cho khai thác cát, sỏi cũng bị cấm khai thác cát, sỏi theo lệnh của tỉnh, cho biết: “Cty chấp nhận chịu lỗ mỗi khối cát 40.000 đồng, một ngày lỗ đến 800.000 đồng để cung ứng cát đúng hợp đồng giữa Cty đã ký với đơn vị thi công trước đó. Mỗi ngày Cty đi mua “mót” lại ở các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn với giá 150.000 đồng/1 m3 rồi về cung ứng đúng hợp đồng với giá 110.000 đồng/1 m3”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, thực hiện đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi dưới lòng sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Công an tỉnh, Sở GT-VT, Sở Xây dựng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiến hành kiểm tra, xác minh các trường hợp lập bến bãi vật liệu, khai thác cát, sỏi trái phép ở gần các công trình đê, kè bảo vệ bờ sông có nguy cơ gây hư hỏng công trình. Đồng thời tạm giữ các phương tiện khai thác cát, sỏi trái phép và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về đê điều.

Thiết nghĩ, Quảng Nam siết chặt công tác quản lý cát, sỏi là rất cần thiết, nhưng rõ ràng, khai thác cát, sỏi để đáp ứng thị trường xây dựng là nhu cầu có thật trong thời điểm hiện nay. Vì vậy, công tác quy hoạch, cấp phép khai thác ở những vị trí phù hợp vẫn cần được triển khai thực hiện để giải quyết nhu cầu xây dựng của Nhà nước và nhân dân.

Bài, ảnh: Trương Tam