Quảng Nam chủ động phòng, chống bão TRAMI
Trước tình hình cơn bão TRAMI đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung, tỉnh Quảng Nam là “tâm bão”, chiều 23-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương chủ động lên phương án chủ động phòng, chống.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam tỉnh Trương Tuyến cho biết, lúc 13 giờ ngày 23-10, cơn bão TRAMI (tiếng việt là Trà Mi), có vị trí tâm ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 123,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Dự báo trong 72 giờ tới, 13 giờ ngày 26-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5N- 113,2E, trên vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa. Bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/h, cường độ cấp 12, giật cấp 15. Dự báo đường đi của bão mạnh, diễn biến khá phức tạp, khó dự đoán, có thể đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam. Cấp độ rủi ro được đánh giá tương đương với cơn bão MOLAVE năm 2020, dự báo sẽ gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Quảng Nam.
Đại tá Nguyễn Tiến Hiền - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 54 tàu, trong đó tại khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa 50 tàu. Khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa còn 4 tàu cá đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Dự kiến chiều ngày 24-10 4 phương tiện này sẽ vào bờ.
Về biện pháp triển khai ứng phó cơn bão TRAMI, Đại tá Nguyễn Tiến Hiền, đơn vị đã triển khai kiểm đếm, thông báo bão trực tiếp đến các phương tiện còn đang hoạt động trên biển qua các kênh như: điện thoại vệ tinh, đồng thời yêu cầu các phương tiện nhanh chóng di chuyển vào khu vực an toàn. Tổ chức bắn pháo hiệu thông báo bão tại khu vực Cù Lao Chàm, Cửa Đại, mỗi đêm bắn 2 lần. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với phương tiện đậu tại bờ, các lồng bè trong khu vực nuôi thủy sản; yêu cầu tất cả người dân rời khỏi phương tiện, lồng bè khi bão vào.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, 3 năm nay tỉnh Quảng Nam không có cơn bão lớn, người dân sẽ chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bão TRAMI. Do đó, lãnh đạo các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nêu cao tinh thần toàn dân phòng chống bão để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Mưa lớn sẽ xảy ra tình hình sạt lở, lũ quét, vì vậy 6 huyện miền núi phải chủ động sơ tán dân khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các đơn vị liên quan đảm bảo liên lạc tại trung tâm tại tỉnh với các địa phương. Nghiêm túc thực hiện phương châm “thôn giám sát thôn, xã giám sát xã”, thường xuyên báo cáo Thường trực Ban chỉ huy để có hướng chỉ đạo chủ động ứng phó với bão TRAMI.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh: Theo dự án hướng đi của bão TRAMI thẳng vào miền Trung, Quảng Nam là tâm bão. Rút kinh nghiệm những năm trước, một bộ phận người dân lơ là dẫn đến bị thiệt hại nặng, đề nghị các sở, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng chống bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu, Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương theo dõi diễn biến, chỉ đạo sát sâu phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Tăng cường kiểm tra, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo lương thực tại chỗ, công cụ để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời. Trong đó, các địa phương tập trung di dời dân những khu vực xung yếu ven biển, miền núi có nguy cơ sạt lở. Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, thông báo thường xuyên diễn biến của bão, để người dân có ý thức, hiểu được tầm quan trọng của phòng chống bão. Bộ đội biên phòng thông báo thường xuyên tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, lực lượng Công an, dân quân thường trực sẵn sàng trong phòng chống bão…
LÊ VƯƠNG