Quảng Nam chú trọng phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Tổng Cục Du lịch, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cùng các chuyên gia du lịch, lãnh đạo các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, tỉnh Quảng Nam có tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch. Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn; Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nghệ thuật hô hát Bài Chòi; bờ biển dài trên 125 km, hơn 400 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh… Với những điều kiện thuận lợi đó, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng phát triển loại hình du lịch xanh theo hướng bền vững và đã đạt nhiều kết quả khả quan.
“Hội thảo “Quảng Nam phát triển Du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa và Lễ "Công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam” hôm nay rất thiết thực. Đây là cơ hội để tỉnh Quảng Nam khẳng định vai trò, ý nghĩa và bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp du lịch xanh, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch; đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững”, ông Tân nhấn mạnh.
Về định hướng phát triển du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phan Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh cho biết, sẽ phát triển du lịch kết hợp ở phía Bắc, phía Nam, phía Tây của tỉnh liên kết phát triển du lịch với Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. Cụ thể, phía Bắc, tập trung đầu tư phát triển Hội An thành đô thị du lịch tiêu biểu của cả nước; Cù Lao Chàm trở thành khu du lịch quốc gia; Mỹ Sơn thành điểm du lịch quốc gia. Hoàn thành khai thông, nạo vét sông Cổ Cò phục vụ phát triển tuyến du lịch Hội An - Đà Nẵng; thu hút đầu tư phát triển núi Bằng Am trở thành khu du lịch mới. Phía Nam, hình thành được một số khu du lịch lớn tại vùng Đông Nam Thăng Bình, vùng Đông Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Phía Tây, tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, lòng hồ thủy điện và rừng phòng hộ để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái…
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tham gia tham luận về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Quảng Nam là địa phương giàu tài nguyên du lịch, định hướng xuyên suốt của tỉnh Quảng Nam là “phát triển đề bảo tồn, bảo tồn để phát triển”, phát triển du lịch luôn gắn với bảo vệ các giá trị di sản, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái. Thời gian qua, Quảng Nam đã thành công trong cả phát triển du lịch lẫn bảo tồn, không bị phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái và không bị vượt quá sức chứa du lịch…
Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả cùng đại diện chính quyền địa phương và lãnh đạo các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề đang được quan tâm về phát triển du lịch - dịch vụ xanh, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình du lịch xanh trên thế giới, tại Việt Nam và tỉnh Quảng Nam, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh của Quảng Nam - một tỉnh giàu tiềm năng về phát triển du lịch dựa trên các giá trị tự nhiên, lịch sử và văn hoá bản địa.
Nhân sự kiện này, nhiều doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch đã cam kết thực hiện theo 6 bộ tiêu chí du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam. Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tiến hành trao bảng chứng nhận doanh nghiệp đăng ký áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.
LÊ VƯƠNG