Quảng Nam: Dân điêu đứng vì tiêu chết hàng loạt

Thứ năm, 12/04/2018 11:37

Xác định cây tiêu là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn lợi kinh tế cao nên nhiều vùng tại tỉnh Quảng Nam đầu tư trồng tiêu thoát nghèo. Tuy vậy, thời gian qua, liên tục xảy ra tình trạng tiêu chết khô gây thiệt hại hàng tỷ đồng khiến người dân điêu đứng.

Các trụ tiêu được đầu tư nhiều vốn liếng, công sức nhưng đều chết khô trước kỳ thu hoạch và một gốc tiêu bị thối, mục rễ.

Các chủ vườn tiêu tại H. Tiên Phước, nơi được xem là vựa tiêu lớn nhất của tỉnh Quảng Nam đau đầu tìm cách cứu những vườn tiêu chuẩn bị thu hoạch trước cảnh chết yểu nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu thì nay các hộ trồng tiêu tại H. Thăng Bình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo trình bày của bà Nguyện Thị Phụng (trú xã Bình Quý, H. Thăng Bình), hàng trăm trụ tiêu của bà đang phát triển xanh tốt chuẩn bị thu hoạch thì đột nhiên vàng lá, chết khô khiến gia đình bà thiệt hại hàng trăm triệu đồng. “Tiêu chết rất nhanh khi trời mát thì thấy phát triển bình thường nhưng nắng lên là đồng loạt chết khô. Hai sào tiêu với mồ hôi, công sức kể cả vốn liếng đầu tư hết vào đó nhưng giờ lại mất trắng, lá úa vàng dần rồi chết khô toàn thân”, bà Phụng nói.

Theo bà Phụng, cây tiêu vốn mang lại nguồn lợi kinh tế cao được nhiều vùng trồng thành công nên năm 2010 vợ chồng bà lặn lội vào tận Tây Nguyên tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc. Sau đó, bà vay ngân hàng và dành dụm vốn liếng đầu tư để chuyển đổi kinh tế gia đình sang hướng trồng tiêu. Mỗi trụ tiêu đầu tư gần một triệu đồng tính ra 200 trụ là cả một gia tài lớn của hai vợ chồng. Chưa kể công sức chăm bón, 5 năm qua biết bao hy vọng đổ dồn vào đó nhưng giờ đến kỳ thu hoạch như thế thì coi như mất trắng, chẳng biết lấy đâu ra tiền đầu tư vụ sau.

Tương tự bà Phụng, cách đây 4 năm, gia đình chị Trần Thị Kim Huệ (xã Bình Quế, H. Thăng Bình) quyết định bỏ vốn đầu tư hơn 150 triệu đồng và mua giống tiêu từ miền Nam về trồng. Thời gian đầu, tiêu phát triển nhanh nên chị Huệ cũng hy vọng về sau khi thu hoạch sẽ đem lại cho gia đình một nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên, trong vụ tiêu  đầu tiên thì chị phải nghẹn ngào chứng kiến cả vườn tiêu của mình chết dần chết mòn mà chưa thu được kết quả gì. “Gia đình tôi có tất cả 300 trụ tiêu nhưng đến nay đã chết gần 200 trụ rồi giờ vẫn tiếp tục chết. Chắc vài bữa nữa cả vườn tiêu này cũng chẳng còn trụ nào. Tiêu đang cho trái cũng chết mà tiêu mới trồng được 2 năm đang phát triển xanh tốt cũng chết, không trừ cây nào. Không chỉ hy vọng mùa tiêu có lãi tan tành mà bao nhiêu vốn liếng, công sức bỏ ra mấy năm qua đều tan biến hết cả”, chị Huệ cho biết.

Năm 2017, xã Bình Quế đã đưa cây tiêu vào đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân giai đoạn 2017 – 2021 và trích 100 triệu đồng từ nguồn vốn nông thôn mới hỗ trợ cho 40 hộ trồng tiêu. Thế nhưng, theo ông Phan Trí, Phó Chủ tịch xã Bình Quế thì đến nay trên địa bàn có khoảng 12 hộ gia đình có tiêu bị chết với khoảng 700 trụ. “Sau khi nắm được thông tin tiêu chết trên địa bàn, chính quyền xã cũng đã làm báo cáo gửi lên huyện để phối hợp với Trung tâm kỹ thuật Nông Nghiệp huyện về kiểm tra và xác định đây là bệnh chết nhanh do nấm. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là vì cây tiêu cũng chỉ mới bắt đầu được trồng ở địa phương vài năm trở lại đây nên kinh nghiệm của người dân chưa nhiều, không chú ý đến việc thoát nước dẫn đến tiêu chết hàng loạt như thế”, ông Trí cho biết. Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp H. Thăng Bình cho rằng, nguyên nhân là vì mưa lớn kéo dài trước đó làm một số vườn trồng tiêu không thoát nước kịp, ẩm đất đã tạo điều kiện cho một loại nấm phát triển gây ra bệnh chết nhanh ở tiêu.

Trước tình trạng nhiều vùng trồng tiêu lớn tại Quảng Nam như: Duy Xuyên, Tiên Phước, Thăng Bình... bị nấm độc tấn công khiến tiêu chết khô nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo để ngăn chặn tình trạng này người dân cần chủ động vệ sinh vườn tiêu, tạo các lối thoát nước không để đất bị ẩm kéo dài khiến nấm có cơ hội phát triển. Ngoài ra, với các lớp đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm trồng tiêu tại địa phương người dân cần tham gia để có thể kịp thời cập nhật những kiến thức chăm sóc, bảo vệ cây tiêu tốt nhất.

PHI NÔNG