Quảng Nam hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công
Trong 5 năm qua, Quảng Nam đẩy mạnh rà soát, giải quyết hồ sơ liên quan đến đề nghị công nhận người có công với cách mạng, nhất là hồ sơ tồn đọng. Tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ; tích cực triển khai công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ. Hoạt động đền ơn, đáp nghĩa được triển khai sâu rộng và đều khắp; vai trò giám sát, phản biện về thực hiện chính sách người có công với cách mạng được phát huy. Đời sống gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện.
UBND tỉnh đã phê duyệt 32 thủ tục hành chính về lĩnh vực chính sách đối với người có công với cách mạng, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh. Công tác quản lý đối tượng, quản lý tài chính ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được hoàn thiện. Hiện nay, tỉnh đã thực hiện số hóa trên 65.000 hồ sơ liệt sỹ, trên 45.500 hồ sơ người có công với cách mạng và đang số hóa đối với hồ sơ còn lại.
Từ năm 2018 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức trên 10 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác chính sách người có công với cách mạng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Sở thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong công tác giải quyết hồ sơ thương binh, liệt sỹ; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Đặc biệt, Sở phối hợp với Sở Nội vụ trong việc giải quyết hồ sơ đề nghị tặng, truy tặng danh hiệu Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”, xét tặng Huân chương Độc lập các hạng, kỷ niệm chương và trợ cấp một lần, hằng tháng đối với thanh niên xung phong…
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp chặt chẽ với Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Cựu chiến binh, Hội Tù yêu nước, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng tham gia quản lý nhà nước về lĩnh vực chính sách người có công với cách mạng.
Nhờ đó, từ năm 2018 đến ngày 15-8-2022, tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận người có công với cách mạng trên 1.400 trường hợp; trong đó xác nhận mới 41 liệt sỹ, 193 thương binh, 153 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 373 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 227 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.
Tỉnh đã thực hiện chế độ, chính sách cho trên 22.800 trường hợp, trong đó giải quyết chế độ đối với thân nhân liệt sỹ cho 1.083 trường hợp, trợ cấp một lần đối với thân nhân Mẹ Việt Nam Anh hùng mới công nhận 570 trường hợp. Bên cạnh đó, tỉnh giải quyết cấp tiền mua phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình 3.583 trường hợp, giải quyết trợ cấp mai táng sau khi người có công với cách mạng và thân nhân từ trần 9.952 trường hợp, trợ cấp đối với học sinh, sinh viên là con đối tượng chính sách 4.256 trường hợp…
Quảng Nam đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng. Từ năm 2018 - 2021, tỉnh bố trí trên 400 tỷ đồng hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng.
Chính quyền địa phương quan tâm tới công tác chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng cho người có công với cách mạng. Ngân sách tỉnh và nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh, cấp huyện đã hỗ trợ thêm kinh phí để tạo điều kiện cho người có công với cách mạng còn đủ sức khỏe đi tham quan, điều dưỡng ở các tỉnh, thăm danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử và chiến trường xưa.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh, để công tác chăm sóc người có công với cách mạng đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở để triển khai đồng bộ, đảm bảo sự nhất quán trong chỉ đạo và thực hiện.
Quảng Nam là địa phương có số đối tượng chính sách, người có công với cách mạng đông (chiếm trên 23% dân số). Toàn tỉnh có 65.477 liệt sỹ, 30.782 thương, bệnh binh, 135.000 thân nhân liệt sỹ, 45.500 người có công với cách mạng, 34.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương, 6.300 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, gần 12.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày... Đặc biệt, 15.332 mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”, trong đó 430 mẹ còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng.
T.T