Quảng Nam tập trung chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và chuẩn bị nội dung tham gia kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 19-10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước chủ trì Hội nghị tiếp xúc cử tri và đối thoại với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường cho biết, quy mô giáo dục tỉnh Quảng Nam ở tốp 10 cả nước với 725 trường công lập, 354.403 học sinh (HS) và 70 trường ngoài công lập, 27.260 HS, đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Tính đến nay, số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên của toàn ngành là 27.165 người. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn chưa đáp ứng; một số chế độ, chính sách đối với nhà giáo và hỗ trợ cho HS theo quy định còn thấp so với nhu cầu.
Thông qua Hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường mong muốn Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm có chính sách tăng lương cho nhân viên, giáo viên, đặc biệt là viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại miền núi, vùng sâu, hải đảo; đồng thời có chính sách để “giữ chân” với đội ngũ này…
Thầy giáo Lê Viết Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết, nhà trường gặp vướng mắc trong việc xác định số lượng HS hưởng kinh phí hỗ trợ ôn tập thi tốt nghiệp THPT cho HS đồng bào dân tộc thiểu số. Vừa qua đăng ký môn thi tốt nghiệp, nhiều môn có 10 HS, thậm chí có môn chỉ vài HS đăng ký. Do đó, số lượng lớp ôn tập sẽ nhiều hơn số lớp học, trong khi quy định Nghị quyết 36 HĐND tỉnh quy mô 35 HS/lớp. Hơn nữa, quy định áp dụng cho HS dân tộc thiểu số, trong khi trường có HS người Kinh (tuyển 17 HS mỗi năm), tất cả chính sách đều hưởng, nhưng đến lớp 12 khi ôn tập thi tốt nghiệp THPT thì không có. Còn Trưởng phòng GD-ĐT Thăng Bình Lê Cao Lan thì kiến nghị, Thông tư 20 của Bộ GD-ĐT quy định bình quân HS/lớp để phân đội ngũ GV nhưng thực tế có trường có 60-70 HS khối THCS buộc chia 2 lớp nên đề nghị phân bổ GV hợp lý hơn…
Hội nghị đã ghi nhận 17 ý kiến đại diện cho các trường THPT, Phòng GD-ĐT nêu lên những bất cập, hạn chế trong thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung giải quyết những kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đối với những kiến nghị liên quan đến chủ trương, chính sách sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, những năm qua, tỉnh Quảng Nam rất chăm lo sự nghiệp GD-ĐT, kết quả đạt được về các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế ngày càng nâng cao, đặc biệt là thành tích đoạt Huy chương Bạc Olympic quốc tế môn Hóa học năm học 2023 – 2024 của Đỗ Phú Quốc (Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông). Tuy nhiên, sự nghiệp GD-ĐT Quảng Nam cần sự quan tâm, chăm lo hơn nữa để phát huy truyền thống, đưa giáo dục phát triển hơn nữa.
Để nâng cao chất lượng GD-ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu: “Sở GD-ĐT chủ trì xây dựng đề án chi tiết xây dựng trường chuẩn THPT; các địa phương chăm lo các bậc học còn lại. UBND tỉnh sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy ưu tiên đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa nhiều hơn, trong giai đoạn tới tăng thêm từ 30% trở lên so với hiện tại để tạo ra sức bật. Sở GD-ĐT phải đảm bảo đủ số lượng cán bộ quản lý, trường học, tuyệt đối không để thiếu, tính toán lại tỷ lệ giáo viên/lớp theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT; thực hiện chế độ, chính sách đúng quy định Trung ương, đừng vì khó khăn của ngân sách mà o ép chỗ này, chỗ kia. Toàn ngành giáo dục phải xây dựng trường học thật sự thân thiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường ảnh hưởng đến môi trường giáo dục”.
Quỳnh Trang