Quảng Nam tiếp tục đề nghị công nhận liệt sĩ đối với 2 cán bộ tử vong khi đi cứu dân
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn vừa tiếp tục có công văn lần 3 gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về việc xác nhận liệt sĩ đối với ông Hồ Văn Độ (1992) và ông Hồ Văn Sợ (1995, cùng trú xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn).
Theo nội dung vụ việc, chiều 28-10-2020, ông Hồ Văn Sợ (cán bộ Dân vận - Tuyên giáo) và ông Hồ Văn Độ (Phó Bí thư Đoàn xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) trong lúc đi cứu dân đã bị sạt lở núi vùi lấp, cuốn trôi. 4 ngày sau, thi thể ông Độ được tìm thấy trên hồ thủy điện Đắk Mi 4 - cách nơi gặp nạn hàng chục cây số. Riêng ông Sợ mất tích đến thời điểm này chưa tìm thấy thi thể.
Ngày 13-8-2021, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành công văn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 2 trường hợp trên, hy sinh trong trường hợp dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân.
Đến ngày 20-12-2022, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Công văn số 5267 về việc xác nhận liệt sĩ đối với ông Hồ Văn Độ và ông Hồ Văn Sợ. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH có ý kiến: “Ông Hồ Văn Độ và ông Hồ Văn Sợ đang trên đường đi đến khu vực ảnh hưởng của bão số 9 thì bị tai nạn (sạt lở núi) dẫn đến tử vong. Do đó chưa đủ cơ sở xem xét, xác nhận liệt sĩ đối với ông Hồ Văn Độ và ông Hồ Văn Sợ”.
Tuy nhiên theo UBND tỉnh Quảng Nam, căn cứ vào điều kiện xác nhận liệt sĩ theo quy định tại điểm e, Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 31/2013 ngày 9-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì người hy sinh thuộc trường hợp “Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân” được xem xét xác nhận là liệt sĩ và hành động dũng cảm là hành động thực hiện những công việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân mặc dù biết có thể ảnh hưởng đến tính mạng; công việc cấp bách nguy hiểm là công việc cần phải được giải quyết gấp, không thể chậm trễ nhưng có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người thực hiện. Theo đó, trong trường hợp mưa to, gió lớn, nước sông dâng cao, chảy xiết, sạt lỡ đất nghiêm trọng, đang đe doạ đến tính mạng và nhà cửa của hai hộ dân, sau khi nhận được sự chỉ đạo và phân công của đồng chí Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, ông Hồ Văn Độ và ông Hồ Văn Sợ đã đi thực hiện ngay việc cứu tính mạng và tài sản của nhân dân. Điều này cho thấy cả hai nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm và tính cấp bách của công việc, chủ động thực hiện hành vi dũng cảm để cứu người, cứu tài sản của nhân dân chấp nhận hy sinh bản thân và đã được Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân địa phương suy tôn, đề nghị công nhận liệt sĩ.
Mặt khác, hoạt động cứu người, cứu tài sản nhân dân trong trường hợp này là một quá trình được tính từ lúc ông Hồ Văn Độ và ông Hồ Văn Sợ bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản của 2 hộ dân (hộ bà Nguyễn Thị Y và hộ ông Võ Sơn), trên đường đi thực hiện nhiệm vụ không may bị sạt lở núi, ông Hồ Văn Độ và ông Hồ Văn Sợ bị vùi lấp, hy sinh. Từ những nhận định trên, có thể thấy rằng ông Hồ Văn Độ và ông Hồ Văn Sợ hy sinh khi dũng cảm thực hiện cứu người, cứu tài sản của nhân dân.
Do đó, ngày 13-1-2023, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục có công văn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 2 trường hợp trên để trao cho gia đình. Tuy nhiên đến nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa có phản hồi nên UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục gửi công văn lần thứ 3.
Trần Tân