Quảng Nam xây dựng kịch bản ứng phó với ngập lụt vùng hạ du thủy điện

Thứ bảy, 15/09/2018 17:00

Quảng Nam đang gấp rút triển khai thực hiện Xây dựng bản đồ ngập lụt và các kịch bản ứng phó với lũ lụt, dự kiến hoàn thành trước ngày 31-10. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn về việc làm thế nào để xây dựng phương án chống lũ sát với thực tế nhất trước diễn biến khó lường của lũ lụt trong những năm qua trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam xây dựng 22 kịch bản ứng phó với ngập lụt liên quan đến thủy điện.

Theo Th.s Võ Ngọc Dương–Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam, mục tiêu chung của dự án xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa nước trên lưu vực Vu Gia–Thu Bồn nhằm đảm bảo độ chính xác tương ứng với các kịch bản tính toán cho vùng hạ du các hồ chứa lớn của lưu vực sông gồm: Sông Tranh 2, A Vương, Đăk Mi 4, sông Bung 4, hồ Phú Ninh. Theo đó, sau khi xác định được phạm vi ngập, độ ngập, thời gian ngập sẽ xác định được khu vực nào cần bảo vệ  và tuyến thoát lũ chính, đề xuất các giải pháp thoát lũ. “Từ việc điều tra thu thập hệ thống, điều tra tình hình lụt và thoát lũ 10 năm trở lại đây cộng với khảo sát bổ sung địa hình, mặt cắt sông, chúng tôi đã hình thành nên 22 kịch bản  (5 vỡ đập, 1 siêu bão, 6 xả lũ theo thiết kế, 6 xả lũ kiểm tra, 1 xả lũ kết hợp siêu bão). Khó khăn nhất của chúng tôi trong quá trình hình thành kịch bản đó là dữ liệu địa hình được cung cấp từ Bộ TNMT là dữ liệu đo đạc từ năm 2010 trở về trước, đến nay địa hình đã có nhiều thay đổi đặc biệt là sự phát triển của mạng lưới giao thông các đô thị khu công nghiệp vùng hạ du, vì vậy công tác kiểm tra và cập nhật địa hình mất nhiều thời gian”, ông Dương chia sẻ. Trước khó khăn mà ông Dương đưa ra, đại diện Sở NN-PTNT Quảng Nam cho rằng số liệu đầu vào rất quan trọng, vì vậy dù khó khăn vẫn đề nghị dự án cố gắng xem xét các số liệu đầu  vào. Nếu các mô hình, dữ liệu không phù hợp thì kết quả cũng bằng không. Bên cạnh đó đơn vị thực hiện dự án cần chú ý thêm về việc cập nhật mô hình lũ từ năm 2009, đặc biệt là mô hình lũ năm 2013 bởi mô hình lũ năm 2007 chưa có các hồ chứa đầu nguồn.

Về phía địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc xả lũ, ông Hồ Ngọc Mẫn-Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc  cho biết rất trông chờ vào kết quả của các kịch bản ứng phó với lũ: “Huyện Đại Lộc chịu tác động trực tiếp của hai con sông Vu Gia, Thu Bồn nên tình hình mùa lũ rất phức tạp, mỗi con sông lại có lưu lượng dòng chảy riêng vì vậy kịch bản nếu tính chung 2 con sông này thì sẽ không chính xác. Huyện Đại Lộc cần lấy 2 trạm Ái Nghĩa, Giao Thủy để xem xét mức độ lũ của cả  Duy Xuyên, Đại Lộc, địa hình thoát lũ mỗi năm lại khác do đô thị hóa, giao thông làm ép dòng nước đi ngược lại vì vậy cần có sự xem xét tổng thể để từ đó có được những kịch bản ứng phó sát nhất”. Ông Phạm Hữu Kinh – Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Thị xã Điện Bàn lưu ý, sau khi hình thành đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thì diễn biến  lũ  tại Điện Bàn có những biến đổi. Tuyến đường ĐT 609 đi lên Đại Lộc 2 bên mỗi bên lại có mức nước khác nhau, bên nước rất cao bên lại thấp vì vậy dự án cần đánh giá cho kỹ thực trạng này. Ngoài ra những năm qua hạ tầng Thị xã Điện Bàn thay đổi rất nhiều vì vậy vùng hạ lưu cần mở rộng cầu cống để thoát lũ.

Nói về việc xây dựng phương án chống lũ hạ du các hồ chứa, ông Lê Trí Thanh–Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi thực tế những năm qua tuy chưa xảy ra tình hình phức tạp nhưng nỗi lo ngại hồ đập, thủy điện mùa lũ luôn thường trực nhất là khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 gia tăng những trận động đất. Hiện nay các thủy điện trên địa bàn đang khẩn trương kiểm tra lại tất cả các phương án đã được phê duyệt và chưa được phê duyệt để đảm bảo an toàn phòng chống bão lũ cho vùng hạ du. “Hiện nay, các dòng chảy của lũ không phải là tự nhiên mà đã có sự tác động của con người, trực tiếp là từ các thủy điện. Phần lớn chủ đập chỉ thuê đơn vị tư vấn lập lần đầu, các năm sau thì sử dụng lại hồ sơ cũ nên kịch bản ứng phó với thiên tai xây dựng không đúng với thực tế. Các thủy điện phải có phương án dự phòng xấu nhất là vỡ đập. Chúng ta cần có kịch bản cần thiết để ứng cứu khi không may có sự cố xảy ra. Các kịch bản càng sát với thực tế càng mang lại hiệu quả. Khi có tình hình xấu xảy ra thì các địa phương chỉ cần nhìn vào đó là sẽ biết di dời dân khu vực nào, ra sao tránh trường hợp lúng túng, bị động”, ông Thanh cho biết.

HÀ DUNG

Bên cạnh việc xây dựng các phương án ứng phó với ngập lụt, vừa qua, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức lấy ý kiến của nhiều địa phương, cập nhật thêm khung pháp lý mới về thực hiện lồng ghép nội dung PCTT vào kế hoạch phát triển kinh tế  - xã hội nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nếu được lồng ghép và thực hiện sớm sẽ giảm được tổn thất, nhất là các công trình hạ tầng có mục đích sử dụng lâu dài. Theo đó, sẽ kết hợp giải pháp công trình và phi công trình và ưu tiên vốn xây dựng cho vùng trực tiếp bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu như ở xã Duy Vinh (Duy Xuyên), xã Bình Đào (Thăng Bình), Quế Xuân (Quế Sơn)…