Quảng Ngãi giải trình việc dồn điền đổi thửa, bảo vệ môi trường và chuyển đổi số
Tại phiên giải trình về hiệu quả những vướng mắc liên quan đến chính sách dồn điền đổi thửa, đại biểu Trần Văn Luật nêu: Ngày 10-7-2013, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/2013 thông qua chính sách hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2013-2020. Hiện đã hết thời gian thực hiện chính sách trên, vậy hiệu quả của việc dồn điền đổi thửa tại tỉnh như thế nào? Hướng giải quyết việc đến nay vẫn còn hơn 30.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân chưa được cấp và nợ đọng hơn 42 tỷ đồng kinh phí thực hiện dồn điền đổi thửa?
Giải trình về vấn đề trên, ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định, dồn điền đổi thửa là chính sách rất hiệu quả, hợp lòng dân, khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế trên diện tích đã được thực hiện tăng hơn 30% so với trước đây. Đến hết năm 2020, Quảng Ngãi đã thực hiện dồn điền đổi thửa được hơn 7.000ha, đạt 71,52% so với kế hoạch, thực hiện chủ yếu trên đất trồng lúa với tổng kinh phí thực hiện hơn 186 tỷ đồng. Nguyên nhân vẫn còn 30.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng chưa cấp cho người dân là do trong quá trình thực hiện các địa phương đã làm thất lạc hồ sơ, giấy tờ, nhiều hộ gia đình vắng mặt khi địa phương xác lập được hồ sơ cấp giấy chứng nhận; công tác giao đất tại các địa phương chưa chính xác, còn chồng lấn. Do đó đã gây khó khăn cho công tác xác minh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở đã trình UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa trong giai đoạn 2023-2025.
Trả lời các câu hỏi của các đại biểu HĐND tỉnh về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, ngành Công nghiệp giữ vai trò trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, việc phát triển một số ngành Công nghiệp như thép, lọc dầu, bột giấy đã đặt ra nhiều thách thức về môi trường tại tỉnh. Từ năm 2017, Sở TN&MT đã tiếp nhận Hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động triển khai tại 8 doanh nghiệp có nguồn phát sinh khí thải, nước thải lớn với 23 trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động. Đây là giải pháp quan trọng giúp phát hiện kịp thời nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. Hiện nay, tỉnh có 18 cụm công nghiệp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đây là vấn đề tồn tại nhiều năm qua. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN rà soát lại hạ tầng kỹ thuật, xây dựng lộ trình kế hoạch đầu tư đáp ứng nhu cầu hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. Trước mắt, Sở TN&MT tỉnh kiến nghị chỉ thu hút các dự án đầu tư sản xuất mới không xả thải môi trường, kiên quyết không cấp phép đầu tư các dự án không có phương án bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đặt các câu hỏi đối với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về hiệu quả, những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, kết quả chính sách dồn điền đổi thửa giai đoạn 2013-2020 tuy chưa đạt như chỉ tiêu đề ra nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quy hoạch, thiết kế lại đồng ruộng, giúp nông dân liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo cánh đồng mẫu lớn, phục vụ hiệu quả chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Để thực hiện hiệu quả chính sách trong giai đoạn tới, các sở, ban, ngành cần xây dựng phương án thực hiện chính sách phù hợp, hiệu quả hơn. Trong đó, cần ưu tiên bố trí nguồn lực, giải quyết được bài toán dồn điền đổi thửa không chỉ đất lúa mà còn đối với các loại đất khác, giải quyết dứt điểm chậm trễ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nợ đọng trong thực hiện chính sách đất trước khi thực hiện Nghị quyết mới về chính sách dồn điền đổi thửa, mục tiêu chính nhằm tạo thuận lợi và gia tăng giá trị sản xuất cho người dân.
Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, bà Vân cho rằng, đây là nội dung không thể tách rời trong đường lối chủ trương phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Theo đó, Bí thư tỉnh ủy đề nghị không mở rộng những khu, cụm công nghiệp hiện có cũng như đầu tư phát triển các cụm công nghiệp mới ở các địa phương; không cấp phép đầu tư các dự án sử dụng công nghệ máy móc lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, cần giám sát đặc biệt đối với các khu, cụm công nghiệp có nguy cơ trở thành điểm nóng về môi trường; nâng cao khả năng dự báo về môi trường, tuyên truyền những chính sách pháp luật, giữ vững kỷ cương về môi trường ở các khu, cụm công nghiệp.
Xác định chuyển đổi số là vô cùng quan trọng, cần được đầu tư phù hợp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề nghị Sở TT&TT tiếp tục cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm trọng điểm; ứng dụng hiệu quả nâng cao giải quyết thủ tục hành chính công, ưu tiên đầu tư thu hút, đào đạo phát triển nguồn nhân lực số, xem lực lượng trẻ là nòng cốt trong chuyển đổi số; kêu gọi người dân cùng cộng đồng trách nhiệm trong thực hiện chuyển đổi số.
Phạm Cường