Quảng Ngãi, TT-Huế gánh nhiều thiệt hại

Thứ ba, 28/10/2008 00:00

Nhiều địa phương bị cô lập

(Cadn.com.vn) - Liên tục những ngày qua, mưa lớn và lốc xoáy trên địa bàn các huyện Tây Trà, Sơn Tây, Ba Tơ, Bình Sơn, Mộ Đức và TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) đã làm sập nhà, lở núi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động sản xuất. Lúc 12 giờ ngày 27-10, một cơn lốc xoáy bất thần quét qua thôn Phú Quý (Bình Châu, Bình Sơn) làm 7 ngôi nhà, một trường học bị tốc mái. Trước đó, đêm 24-10, hơn  5.000m3 đất đá phủ xuống hai tuyến đường chính của H. Sơn Tây, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Đến sáng 28-10, hai điểm sạt lở ở hai tuyến đường này vẫn chưa được khai thông hoàn toàn.

Chiều qua, CTV Báo Công an TP Đà Nẵng tại Quảng Ngãi cho biết, nhiều địa phương đã bị cô lập, như Sơn Bua, Sơn Tịnh, Sơn Lập (H. Sơn Tây); Trà Khê, Trà Thanh, Trà Quân (H.Tây Trà); Sơn Giang (H. Sơn Hà); Long Môn (Minh Long); Ba Lế, Ba Nam, Ba Ngạc (H. Ba Tơ). Đặc biệt, tại H. Ba Tơ trong những ngày qua mưa như trút nước đã khiến mực nước trong vùng liên tục dâng cao, cầu Sông Liêng tại TT Ba Tơ nằm trên tuyến QL24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum bị nước tràn qua nên mọi phương tiện lưu thông đều bị gián đoạn. Tuyến xe khách Quảng Ngãi – Kon Tum không thể lưu thông trên tuyến. Trước những diễn biến thời tiết bất thường, BCĐ PCLB tỉnh Quảng Ngãi đang ráo riết triển khai mọi biện pháp nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Đường Phan Đình Phùng (Quảng Ngãi) bị ngập.

Ngập lụt khác thường

Sáng 28-10, dù nước sông Hương chỉ xấp xỉ ở mức báo động (BĐ) II, nhưng nhiều khu vực dân cư ở TP Huế lại bị ngập lụt. Đây là một trong những hiện tượng khác thường. Tại phía bắc TP, mưa to từ khoảng 3 giờ đến sáng sớm đã gây ngập úng nhiều khu vực dân cư. Các khu dân cư Xã Tắc (P. Thuận Hòa), Tây Linh, Mang Cá (P. Thuận Lộc), các tuyến đường Lê Thánh Tôn, Hàn Thuyên, Thánh Gióng, Nguyễn Xuân Ôn (P. Thuận Thành), Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản, Mai An Tiêm (P. Tây Lộc)... đều ngập sâu từ 0,5 - 0,8m. Lượng nước ngập úng dâng lên nhanh và đột ngột khiến nhiều hộ dân không di chuyển kịp tài sản nên cũng đã bị ướt và trôi mất. Ở phía nam TP Huế, hầu hết các tuyến đường lớn như Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng, Bến Nghé, Đống Đa, Trần Cao Vân, Lý Thường Kiệt... nhiều đoạn cũng bất ngờ bị ngập lụt sâu từ 0,5 - 0,8m.

* Ông Huỳnh Vạn Thắng, Trưởng BCH PCLB TP Đà Nẵng khẳng định, tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Cơ quan thường trực vẫn tiếp tục theo dõi thông tin và sẵn sàng ứng phó khi nước các sông dâng cao.
Trong một phương án có sẵn, nếu lũ lớn xảy ra, Đà Nẵng có thể phải di dời đến hơn 355.000 dân tại H. Hòa Vang, các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Hải Châu.

Các phường ven đô như Phú Hiệp, Phú Hậu, Phú Bình, Hương Sơ, Vĩ Dạ ngập sâu trong nước. P. Trường An được xem là vùng cao của TP Huế, nhưng nay cũng chịu cảnh ngập lụt trầm trọng. Nhiều vùng dân cư thuộc các tổ 5, 6, 7, khu vực 2, ở các kiệt 183, 185 của đường Điện Biên Phủ, nước đã tràn vào nhà, có vùng nước ngập sâu tới 2-3m. Lực lượng cứu hộ đã phải dùng xuồng mới tiếp cận được các hộ bị ngập để di chuyển đến nơi an toàn. Các khu vực dân cư An Lăng, Kiệt Miếu Đôi của các phường Phước Vĩnh, An Cựu... cũng chịu cảnh ngập lụt tương tự. Hàng chục chuyến xe Bắc - Nam khi qua địa phận cống Bạc, xã Thủy Dương, phía nam TP Huế đã bị ách tắc do QL1A qua địa bàn bị ngập sâu gần 1m. Một trong những nguyên nhân của tình trạng ngập lụt khác thường được xác định là hệ thống cống thoát nước không đủ tải.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, dưới thời Nguyễn, hệ thống thoát nước của Ngự Hà và các ao hồ trong Thành Nội Huế được thiết lập hợp lý và bảo quản nghiêm túc. Nhưng đến nay các ao hồ ở Thành Nội bị lấp gần hết, mạng lưới thủy đạo hầu như không còn. Mới đây nhất, kênh Tịch Điền bị “khai tử”. Kênh này có chức năng tiêu thoát nước cho khu vực ruộng Tịch Điền của triều Nguyễn trước đây (nơi hằng năm nhà vua đích thân cày ruộng) cùng các hồ Khám, hồ Bèo, hồ Tây, hồ Khánh Ninh và một khu vực rộng lớn phía tây kinh thành Huế. Vì lý do kênh bị ô nhiễm, chính quyền TP đã cho lắp đặt hai đường cống tròn chạy dài, nằm trong lòng kênh rồi lấp đất lên. Có thể đó là một nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng ngập khác thường ở TP Huế.

Học sinh đi học về trên con đường sạt lở nặng của thôn Phú Hòa 2.

Nước các sông đang lên

Báo cáo nhanh ngày 28-10 của BCĐ Phòng chống lụt bão T.Ư (PCLBT.Ư) cho biết, lũ tại các sông ở  miền Trung đang lên nhanh, đặc biệt là các sông ở Nghệ An và từ Quảng Nam đến Bình Định. Sông Cả tại Nam Đàn lên mức BĐ I. Lũ sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc có khả năng lên mức 6,0m, trên BĐ III: 0,3m; sông Vệ tại cầu Sông Vệ lên mức 4,1m, ở mức BĐ III, các sông ở Quảng Nam lên mức BĐ I. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng thường trú tại Nghệ An điện về: Mưa lớn gây ngập nhiều tuyến đường giao thông ở Nghệ An. Báo cáo của Sở GT-VT tỉnh Nghệ An, trong 4 ngày từ 24 đến sáng 28-10, mưa lớn và kéo dài liên tục trong nhiều ngày gây khó khăn cho sinh hoạt, đời sống nhân dân, nhiều tuyến đường ngập lụt. Nghiêm trọng nhất là tuyến đường 534, tại tràn Km 57 + 00, xã Nam Lộc, H. Nam Đàn, nước ngập sâu 1,5m.

Tại Đà Nẵng, nước sông Túy Loan chảy xiết bứt phá nhiều hàng tre chống lũ làm tuyến đường dân sinh thôn Phú Hòa 2 (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang) xuất hiện nhiều điểm sạt lở  tạo thành những hàm ếch dưới sông, có nguy cơ làm sập đường giao thông. Ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn nói: “Chúng tôi đã vận động người dân chủ động di dời, đồng thời, đặt biển cảnh báo, rào chắn, nghiêm cấm các loại xe ô-tô lưu thông”. Tại hiện trường, P.V nhìn thấy cán bộ thôn Phú Hòa 2 hướng dẫn, nhắc nhở cho hàng trăm em học sinh Trường THCS Phạm Văn Đồng đi lại an toàn trên tuyến đường đang sạt lở.

* Khoảng 12 giờ ngày 27-10, khi đi tuốt lúa rẫy về lội qua suối Lăng Trạch, bà Hồ Thị Tư (60 tuổi, dân tộc Co, trú thôn 1, xã Trà Nú, Bắc Trà My, Quảng Nam) đã bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Sau khi tai nạn xảy ra, nhân dân địa phương đã huy động nhiều người tìm kiếm và đến 13 giờ cùng ngày tìm thấy xác nạn nhân. Trước mắt, chính quyền địa phương giúp đỡ gia đình an táng nạn nhân, hỗ trợ gia đình 1,5 triệu đồng và 50kg gạo.

Nhóm PVTS