Quanh chuyện "cô gái Hồng Đào"

Thứ hai, 11/12/2017 12:22

Một loại rượu được cho là xuất xứ từ vùng đất Quảng rất lâu đời, đó là rượu Hồng Đào, song đến nay có người bảo thứ rượu ấy không có thật rồi người khác lại nói có rượu Hồng Đào, bởi ai cũng đưa ra những lý lẽ riêng. Ngẫm nghĩ: đất nước ta có nhiều câu chuyện truyền thuyết nhằm để chỉ "nguồn gốc" về sự xuất xứ một số sự việc, hiện tượng có thật.

Bình rượu Hồng Đào do Công ty Minh Anh sản xuất. Ảnh T.M

Có lẽ đến bây giờ việc tranh luận rượu Hồng Đào có thật hay không có thật vẫn chưa đến hồi kết. Báo Thanh Niên điện tử ngày 11-3-2006 đăng bài "Rượu Hồng Đào hoàn toàn không có thật" của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc, tiếp đó, ngày 18-3-2006, đăng tiếp bài tranh luận "Rượu Hồng Đào cớ sao lại không có thật?" của nhà báo Nguyễn Trung Dân. Chưa nói về nội dung, chỉ riêng hai cái tít bài thôi cũng cho chúng ta thấy mỗi người có một khẳng định trái ngược nhau. Rồi ngày 3-11-2007, Báo Bình Định online có bài "Tìm quê cho rượu Hồng Đào" của hai tác giả Vĩnh Hảo-Thạch Trung có cái kết rất khác với nhiều người là rượu Hồng Đào được ngâm từ rượu... Bàu Đá của Bình Định, ủ với trái đào tiên màu hồng tươi rất đẹp? Trái đào tiên có nhiều ở các vùng núi phía tây tỉnh Bình Định. Còn tại sao gốc tích rượu Hồng Đào ở Bình Định mà lại gắn bó với hai câu ca dao "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say" thì hai tác giả cho rằng năm 1471, vua Lê Thánh Tông bình Chiêm, lập ra Thừa Tuyên Quảng Nam thứ 13 của Đại Việt. Khi ấy phần đất từ bờ bắc sông Thu Bồn trở ra đèo Hải Vân mang tên huyện Điện Bàn, thuộc trấn Thuận Hóa. Đến năm 1604, Nguyễn Hoàng tách vùng đất này nhập vào trấn Quảng Nam. Vùng đất Quảng hồi đó rất rộng lớn, bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên bây giờ. Ngày 14-12-2007, Báo Quảng Nam online đăng bài: "Rượu Hồng Đào có gốc tích từ làng Bảo An" của tác giả Phó Đức Vượng đã khẳng định như tên bài báo. Tiếp đến ngày 29-9-2013, Báo Quảng Nam đăng bài "Xứ nào là xứ rượu Hồng Đào?"của tác giả Lê Nguyên Đại lại kết luận rượu Hồng Đào là thứ rượu huyền thoại, không có thật...

Vậy muốn biết rượu Hồng Đào có thật hay không, thiết nghĩ  phải lần tìm ngược dòng thời gian về quá khứ. Theo cuốn sách "Bảo An đất và người" (nhiều tác giả, NXB Đà Nẵng năm 1999) cho biết, làng Bảo An có bến Đường, tức là bến sông từ Bảo An ra sông Thu Bồn để chở đường của làng Bảo An đi bán khắp nơi trong nước. "Bảo An trên bến dưới thuyền/Góp phần phong phú một miền đồng quê". Do có nhiều đường, mật, người Bảo An sớm biết dùng để làm nguyên liệu nấu rượu. Rượu được cất bằng gạo tẻ hoặc nếp và mật hoặc đường. Men rượu được chế biến bằng thuốc bắc và dùng những dụng cụ bằng gốm tốt, vì vậy rượu Bảo An thơm ngon, nức tiếng từ lâu đời. Còn theo truyền thuyết dân gian thì tại làng Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam ngày xưa có một gia đình nông dân họ Nguyễn chỉ có hai cha con. Người cha  làm  nghề trồng dâu, nuôi tằm, gieo lúa và nấu rượu. Cô con gái mười tám, đôi mươi hàng ngày theo cha chăn tằm, dệt lụa. Cô gái tên là Hồng Đào, rất xinh đẹp, lại hiền thục, đoan trang nhất làng, được bà con gần xa thương yêu, quý mến. Vào mỗi chiều hàng ngày khi xong việc đồng áng, chăm tằm, dệt lụa, Hồng Đào còn phụ giúp cha bán rượu cho dân làng. Cha nàng nấu rượu bằng gạo lúa mới, ướp hương thơm từ những quả đào chín mọng rồi ủ trong chum sành, chôn sâu dưới đất nên rất thơm ngon. Túp lều tranh của cha con nàng Hồng Đào dựa vào bụi tre, bên cạnh hồ nước trong vắt chiều nào cũng có khách tìm tới uống rượu, nhất là đám trai tráng. Họ còn lấy cớ mua rượu hoặc uống rượu để đến đây ngắm dung nhan cô thôn nữ xinh đẹp, dần dà dân làng gần xa đều gọi cái quán nhỏ của cha con ông lão cũng như thứ rượu mà ông nấu ra để bán theo tên của cô gái. Thế là cái tên "rượu Hồng Đào" ra đời từ đó. Rồi cũng có chuyện khác liên quan tới rượu Hồng Đào cho rằng đây là thứ rượu rất bình thường mà người dân xứ Quảng ngày xưa thường dùng. Chuyện kể rằng ngày trước có một chàng trai đến nhà người yêu thăm chơi, anh ta được người yêu rót rượu trắng mời. Gương mặt hồng hào, xinh đẹp của người yêu in bóng vào ly rượu sóng sánh khiến chàng trai càng mê mẩn, ngất ngây nên anh ta đặt tên cho ly rượu ấy là "Hồng Đào". Chính câu "rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say" với ẩn ý nói về một chàng trai  mê mẩn sắc đẹp của người con gái in  trong ly rượu đã làm cho anh ta chưa uống đà say, say sắc, say tình chứ không phải say rượu! 

Cũng theo các cụ cao niên vùng đất Gò Nổi thì rượu Hồng Đào là có thật. Ngày trước bà con nông dân nơi đây làm rượu theo lối thủ công với nguyên liệu chính là nếp hồng Bà Rén, một loại nếp đặc sản của Điện Bàn. Trong quá trình ủ men, người làm cho thêm trái bồ quân để tạo vị thơm ngọt và có  màu hồng rất đặc trưng. Ngày trước lúa gạo ít, bà con nông dân thường để lúa ăn đợi giáp hạt nên chỉ đến mùa gặt mới dành chút gạo nấu rượu. Gạo nấu phải là  lúa mới, không quá 100 ngày, được xay bằng cối tre, hạt gạo còn nguyên, xanh ngà, hạt cơm không nở to. Sau khi cơm nguội trộn với một ít men, ủ trong chum sành khoảng một tuần mới đem chưng cất rồi đổ rượu vào chum chôn dưới đất sau 100 ngày mới lấy lên dùng. Theo các trang sách "Bảo An đất và người" thì  rõ ràng từ lâu đời, người vùng Gò Nổi của xứ Quảng đã biết nấu ra thứ rượu ngon để phục vụ nhu cầu đời sống con người. 

Ngẫm nghĩ thật kỹ tôi mới vỡ vạc ra một điều là đất nước ta có rất nhiều câu chuyện truyền thuyết để lý giải cho một số hiện tượng, sự kiện lịch sử, thể hiện bằng các yếu tố huyền hoặc nhằm đề cập đến các sự việc, hiện tượng có thật, ví như truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ (có dân tộc Việt Nam),  sự tích "Bánh chưng, bánh giầy" (có bánh chưng, bánh giầy); "Sơn Tinh, Thủy Tinh" (có lũ lụt, núi rừng); "Sự tích dưa hấu" (có dưa hấu)... và rượu Hồng Đào cũng nằm trong diện này bởi  phải có thật một loại rượu nên nó mới được sản sinh từ truyền thuyết để chỉ ra một loại rượu của cha ông có từ xa xưa.

Như vậy, hiện tại "rượu Hồng Đào" là có thật và cái tên của thứ rượu quý này từ trong... truyền thuyết bước ra.

Thái Mỹ