Quay cuồng với giá vật liệu xây dựng

Thứ tư, 19/01/2022 18:27

Giá VLXD đặc biệt là sắt thép tăng cao khiến lĩnh vực xây dựng của Đà Nẵng năm qua giảm hơn 3,1%.

Tính toán nguồn vốn khoảng 1,3 tỷ đồng để xây nhà ở cho gia đình, nhưng từ lúc mở móng đến khi hoàn thành, trong khoảng 4 tháng, giá vật liệu xây dựng liên tục tăng khiến căn nhà của chị Trang ở P. Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) tăng thêm hơn 200 triệu đồng. Chị Trang chia sẻ, gia đình chị làm căn nhà đúng thiết kế, không phát sinh hạng mục nào, nhưng giá vật liệu từ xi-măng, sắt thép, gỗ nội thất, cửa Xingfa… liên tục tăng dẫn tới đội vốn. Trường hợp chị Trang xây nhà chỉ thuê nhân công, còn một số khách hợp đồng xây nhà trọn gói thì phần kinh phí phát sinh do vật liệu xây dựng tăng giá nhà thầu xây dựng phải chịu. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà thầu chật vật. 

Càng về cuối năm, ông Huỳnh Thanh Quang- Giám đốc Công ty kiến trúc-xây dựng và nội thất Quang Army (Đà Nẵng) lại liên tiếp nhận được thông báo tăng giá vật liệu xây dựng từ các đối tác. Chẳng hạn Công ty Minh Toàn gửi thông báo điều chỉnh tăng giá xi-măng Kim Đỉnh thêm 50 ngàn đồng/tấn từ ngày 1-1-2021 với lý do giá nhiên, nguyên liệu đầu vào như dầu, than, thạch cao… tăng cao, dù nhà máy đã cố gắng ổn định và duy trì hoạt động sản xuất nhưng cũng không thể bù đắp chi phí phát sinh gia tăng. Trước đó, đối tác cung cấp thép Hòa Phát cũng gửi thông báo tăng giá thép cây và thép cuộn 200 ngàn đồng/tấn; Cty Dewoo (cửa gỗ nhựa Hàn Quốc) tăng 7% trên đơn giá hiện tại tất cả các sản phẩm Dewoo Door cung cấp; công ty Mộc Phát cũng bất đắc dĩ phải thông báo điều chỉnh tăng giá sản phẩm gỗ vì các nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất cho công ty như gỗ, ure, melamine… vẫn tiếp tục tăng giá. Đặc biệt, ông Quang cho biết, từ giữa năm 2021 đến nay, công ty liên tục nhận được thông báo tăng giá sản phẩm từ phía đối tác là Công ty Hữu Tấn Door Miền Trung. Theo đó, vào tháng 4-2021 điều chỉnh tăng 5 ngàn đồng/kg áp dụng với tất cả các hệ nhôm Xingfa Quảng Đông, tháng 5 điều chỉnh tăng thêm 5 ngàn đồng/kg, tháng 9 tăng thêm 4 ngàn đồng/kg, tháng 12 điều chỉnh tăng 7 ngàn đồng/kg với sản phẩm nhôm thanh định hình Xingfa nhập khẩu.

Theo ông Quang, các đối tác cung cấp vật liệu xây dựng bất đắc dĩ phải tăng giá sản phẩm do nguyên liệu đầu vào tăng, chứ bản thân họ đều mong muốn giữ giá ổn định cho khách hàng, đại lý. Ông Quang phân tích, phần lớn VLXD ở Việt Nam phải nhập khẩu. Do ảnh hưởng đại dịch, doanh nghiệp nước ngoài hạn chế sản xuất, nguồn cung khan hiếm, chi phí vận chuyển tăng cao, dẫn tới giá VLXD liên tục tăng. Đơn cử giá sắt thép, đầu năm 2021 chỉ 12 ngàn đồng/kg nhưng cuối năm lên 16-17 ngàn đồng/kg, cá biệt có lúc lên 18,3 ngàn đồng/kg. Tương tự là sàn gỗ, thanh nhôm… "Mình là đơn vị thi công dù giá tăng cũng phải mua hàng. Nếu tăng vào thời điểm đã ký hợp đồng thi công trọn gói thì nhà thầu sẽ chịu thiệt hại về kinh tế, thậm chí lỗ vốn. Nếu thầu các công trình Nhà nước đã phê duyệt vốn càng khó hơn, vì muốn điều chỉnh giá cần thời gian, chưa kể có điều chỉnh tăng giá được hay không là chuyện khác", ông Quang chia sẻ.  

Trong lĩnh vực xây dựng thì sắt thép là nguồn nguyên liệu quan trọng, chiếm chi phí rất lớn. Đặc biệt với các công ty chuyên xây dựng nhà xưởng khung thép tiền chế sẽ vô cùng chật vật khi giá thép liên tục tăng. Ông Huỳnh Tấn Chung- Giám đốc Cty TNHH Thái An Phú (Đà Nẵng) cho biết, trong năm qua, giá thép tấm đã tăng khoảng 70%. Lý do vì 90% thép tấm phải nhập từ Trung Quốc, trong khi dịch bệnh, các nhà máy ở Trung Quốc hạn chế sản xuất, nguồn cung khan hiếm. Trong khi đó, ở Việt Nam, để kích thích tăng trưởng, đẩy mạnh đầu tư công, nhu cầu sử dụng thép gia tăng. Ông Chung cho biết, nếu đầu năm giá 1 m2 nhà xưởng khung thép khoảng 1,8 triệu đồng thì giờ giá thép tăng, chi phí phải tốn khoảng 2,2 triệu đồng/m2. Ông Chung nói: "Giá thép tăng cao khiến nhu cầu đầu tư nhà xưởng của các chủ đầu tư giảm sút, tạm ngừng, doanh nghiệp xây dựng không có  việc làm".

Trước thực trạng giá VLXD liên tục phi mã, để duy trì hoạt động buộc các DN xây dựng phải tiết giảm chi tiêu, tinh gọn bộ máy, giảm lợi nhuận. Tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt, bởi vậy các DN xây dựng cũng nỗ lực hạn chế tối đa việc tăng giá trên mỗi m2 sàn xây dựng công trình. Thống kê của Cục Thống kê Đà Nẵng cho thấy, năm 2021, lĩnh vực xây dựng giảm hơn 3,1%, trong đó xây dựng nhà các loại chiếm tỷ trọng lớn trong ngành lại có mức giảm sâu nhất, âm hơn 9,3%. Nguyên nhân do giá VLXD tăng cao, khả năng tài chính của các chủ đầu tư không đảm bảo nên nhiều công trình bị chậm tiến độ.

HẢI QUỲNH