Quê tôi ngày lên phố
(Cadn.com.vn) - Nhà dì Hai ở bên sông Hà Sấu, một đoạn của sông Cổ Cò chảy về Đế Võng, qua Bến Trễ, sông Hoài phố Hội rồi xuôi theo Cửa Đại đổ ra biển Đông. Nhà dì ở bên sông, con sông gắn với tuổi thơ tôi những năm 1975, sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, những năm của bộn bề lo toan và thiếu thốn, của chật vật, đói nghèo. Những năm tháng gieo neo ấy đâu dễ mờ phai trong tâm trí chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra ở dưới hầm bí mật, dưới tầm đạn giặc và lớn lên trong khói lửa của chiến tranh. Những tháng năm sau ngày non sông thu về một mối, dân vùng cát xã Điện Dương, H. Điện Bàn, Quảng Nam oằn lưng chống đói. Dân vùng cát quê tôi đã không chịu khuất phục, dựng nhà cửa tranh tre, ra đồng khai hoang, vỡ hóa trên đống hoang tàn, đổ nát đầy rẫy bom mìn, cỏ lùng cỏ lác hút tầm mắt người để lấy đất làm ruộng, làm vườn, xây dựng lại quê hương…
Vườn nhà dì Hai ở bên sông, bên cánh rừng Hà My huyền thoại, bên con sông Hà Sấu hiền hòa, thơ mộng. Con sông chứng kiến bao đau thương, tang tóc trên mảnh đất một thời kiên trung cách mạng. Con sông đã đem màu mỡ phù sa bồi đắp, nuôi nấng những mảnh vườn xanh cây trái. Con sông ôm ấp, vỗ về tuổi thơ tôi. Mảnh vườn quê gắn chặt quãng đời thơ ấu của tôi. Tôi bám chặt vào đất, vào mảnh vườn quê để mưu sinh, tồn tại. Đất gắn vào tôi tự bao giờ không rõ, tôi cắm mặt vào đất vun xới luống hành, húng, khoai lang, chăm bón mảnh vườn. Dì Hai bày vẽ, chỉ dẫn tôi tỉa từng cành lá, bắt sâu, tưới tắm cho cải, cho rau, cho hành, cho húng… Tôi cắm lòng vào đất để nuôi những ước mơ, khát vọng đổi đời. Mảnh vườn quê đã nuôi tôi lớn lên, vào đại học rồi thành người bằng củ khoai củ sắn, trái bí trái bầu, bằng những gian nan, vất vả của những chiều nắng hạ, những sáng chớm thu và cái rét ngọt của mùa đông lạnh giá, với biết bao kỷ niệm vui buồn, thổn thức, xô đẩy nhau mỗi khi lục tìm trong ký ức tháng ngày qua.
Một ngày không xa nữa, Điện Bàn trở thành thị xã. Và, Điện Dương quê tôi bây giờ đã và đang… mang hình hài, vóc dáng của phường, của phố. Những biệt thự, nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn, resort Nam Hải, Lebel Hà My… mọc lên ven biển Hà My quanh năm rì rào sóng vỗ với đầy đủ những tiện ích cao cấp, đắt tiền của thời hiện đại. Con đường du lịch ven biển hơn 7 km như dải lụa mềm, đêm đêm lung linh ánh điện vắt ngang mảnh đất bao năm dai dẳng khó nghèo, như cô gái quê nghèo bỗng gặp vận may trở thành nàng công chúa kiều diễm, kiêu sa.
Một đoạn bãi tắm Hà My. |
Sự đổi thay kỳ diệu ở mảnh đất đau thương mà anh dũng trong chiến tranh, không chịu lùi bước trước đói nghèo đã làm thay đổi biết bao thân phận con người. Nhiều người dân ở quê đã được vào làm công nhân, nhân viên ở các nhà hàng, khách sạn, resort, được tiếp cận với văn minh hiện đại của đời sống vật chất, tinh thần. Đất đai ở quê cũng đang dần thu hẹp dành cho phát triển du lịch, công nghiệp và đô thị của một thị xã phía Đông trong nay mai đất Quảng Nam anh hùng. Đó là sự phát triển tất yếu và cần thiết, đó là một kỳ tích, sự đổi thay đáng để ngợi ca. Bất chợt, tôi lại miên man một điều, một ngày không xa nữa, những mảnh vườn bên con sông Hà Sấu quanh năm xanh cây trái, nồng nàn rau cải sẽ chỉ còn trong ký ức, thành những hoài niệm, tiếc nuối theo năm tháng phôi phai.
Dì Hai nay đã già yếu rồi, 86 tuổi đời với bao gian truân chồng chất, đè nặng trên đôi vai của người đàn bà cả một đời tảo tần vì chồng vì con, một lòng một dạ kiên trung, chở che, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Bây giờ, lưng dì đã còng, đi lại trong nhà hay quanh vườn phải chống gậy, không còn một nắng hai sương với mảnh vườn như ngày xưa. Bây giờ, dì đã giao lại cho người con dâu trông coi, chăm sóc, tưới tắm rau cải, cây cối trong vườn.
Tôi bây giờ cũng đã xa quê, gần 30 năm xa mảnh vườn một thời gắn bó để mưu sinh chốn phồn hoa thị thành, nơi phố thị ồn ào người và xe cộ, đường sá thênh thang với ánh đèn đêm đêm lung linh sắc màu rực rỡ, với biết bao thức ngon vật lạ, tiện ích sang trọng của thời công nghiệp hiện đại. Bất chợt, trong ký ức tuổi thơ, mảnh vườn quê với bao hoài niệm, khắc khoải đêm đêm lại ùa về, réo gọi. Thầm nghĩ, nếu như không có mảnh vườn quê, không có những trái bí trái bầu thơm ngon mùa hạ nắng oai nồng, củ khoai củ sắn ấm lòng mùa đông lạnh giá, có lẽ tôi sẽ quên tông tích quê nhà, và có lẽ tôi không được như hôm nay, với những khát khao, yêu thương cháy bỏng tình yêu quê cha đất tổ, nơi có mảnh vườn đã nuôi tôi thành người.
Và, tôi lại chạy về quê, nơi có dì Hai, nơi có mảnh vườn với bao kỷ niệm thời thơ dại, để nghe nồng nàn mùi hương của hành, của húng, của cải, của rau thoang thoảng đâu đây khi xuân về Tết đến trong rì rào sóng biển Hà My, khi mùa hạ nắng cay nồng trong nồm nam cơn gió, để nghe líu lo chim sẻ trong vườn gọi bầy, như bao mùa rồi vẫn thế…
Đinh Văn Dũng