Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại

Thứ năm, 19/05/2022 08:39
Đây là phát biểu của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra ngày 18-5. Tại đầu cầu Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.
Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị.

Động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH

Báo cáo do Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày tại hội nghị nêu rõ: Ngày 24-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sau 35 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế; tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển KT-XH 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Trong khi đó, chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Đà Nẵng.

Xác định đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững trong thời gian tới, Bộ Chính trị chỉ đạo cần khắc phục những hạn chế, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45% và đến năm 2030 đạt trên 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%; số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị và năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị; Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu này, Nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đó là: Phải hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị. Phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị…

Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa.

Phải đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Nghị quyết 06-NQ/TW được ban hành sẽ định hướng, là kim chỉ nam để thể chế hóa các quy định pháp luật nhằm tiếp tục phát triển đô thị Việt Nam có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Thường trực Ban Bí thư đề nghị các đơn vị, địa phương cần nghiên cứu đầy đủ các nội dung của Nghị quyết và coi đó là động lực quan trọng trong phát triển KT-XH.

Đồng thời, sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí, các chỉ tiêu nêu trong nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Cùng với đó, cần phải đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại; lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. “Nghị quyết có đúng, có trúng hay cỡ nào đi nữa mà chúng ta chỉ đạo thực hiện không quyết liệt thì không có kết quả. Trong một thời gian ngắn chúng ta có thể xây dựng được một thành phố với cơ sở vật chất rất hiện đại, nhưng để làm chuyển biến tư duy, nhận thức của con người, vốn quen sống ở nông thôn phù hợp với lối sống đô thị là quá trình lâu dài, vì thế phải kết hợp tổng hợp nhiều biện pháp" – ông Thưởng nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư lưu ý, cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của trung ương, phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị. Yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ sớm ban hành chương trình hành động triển khai nghị quyết. Chương trình hành động phải đảm bảo sát các nội dung nghị quyết, phù hợp với từng địa phương, từng vùng, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch về phát triển đô thị quốc gia, chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và các chiến lược, đề án, chương trình trọng điểm khác liên quan đến phát triển đô thị; xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

CÔNG HẠNH