Quyết liệt chuyển đổi số quốc gia
Ngày 10-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Phiên họp và Hội nghị được truyền trực tuyến tới các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì tại đầu cầu Đà Nẵng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2024, chuyển đổi số Quốc gia đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình cả nước đạt 42%. Kinh tế số ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin tăng trưởng 26%, tốc độ tăng trưởng doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80%, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so cùng kỳ năm 2023. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số đạt 50.350 doanh nghiệp/mục tiêu 48.000 doanh nghiệp, triển khai dịch vụ công thiết yếu: 43/53 dịch vụ. Các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 256/tổng số 896 thôn, bản lõm sóng, có điện, đạt tỷ lệ 28,6%. Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ đạt 100% các bộ, ngành đã sử dụng. Tỷ lệ cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc triển khai giải pháp hóa đơn điện tử phát hành hóa đơn ngay từ máy tính tiền đã đạt 14.727/15.981 cửa hàng…
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cũ, khai phá các động lực tăng trưởng mới, các ngành mới nổi… đều có quan hệ mật thiết đến chuyển đổi số. Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và là một trong những “điểm sáng”, “mô hình hay” của chuyển đổi số quốc gia.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đồng thời, tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân, tiết kiệm thời gian, công sức, tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, mà trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng, lan tỏa và vai trò động lực phát triển, động lực tăng trưởng của chuyển đổi số; tập trung xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ này, ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải có sản phẩm, hiệu quả cụ thể.
Lê Anh Tuấn
Đà Nẵng nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công Tại TP Đà Nẵng, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số thành phố năm 2024 với chủ đề “Khơi thông dữ liệu số, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và bảo đảm an sinh xã hội số”, bao gồm 48 chỉ tiêu (trong đó có 06 chỉ tiêu theo Kế hoạch của quốc gia) và 63 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai (trong đó có 07 nhiệm vụ theo Kế hoạch của quốc gia giao địa phương).Dự kiến, đến cuối năm 2024, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số năm 2024. Thành phố triển khai thêm nhiều giải pháp hơn nữa để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công như: Tái cấu trúc quy trình và ứng dụng công nghệ số chuyển hầu hết TTHC lên “toàn trình”, 15% tỷ lệ TTHC được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số, 70% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số, có 30 bộ dữ liệu mở tạo ra giá trị, sản phẩm mới, hỗ trợ người dân trang bị điện thoại thông minh để đảm bảo 100% hộ dân đã có điện thoại thông minh, thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ số. Đặc biệt, TP Đà Nẵng sẽ đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2 và triển khai các chính sách phát triển kinh tế số. |