Quyết liệt lập lại trật tự tại khu chợ An Hải Đông (cũ)

Thứ năm, 04/10/2012 00:00

Chiếm đường mọc… chợ

(Cadn.com.vn) - Chợ An Hải Đông (P. An Hải Đông, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) hiện đang được xây mới trên nền chợ cũ với diện tích hơn 2.000m2, quy mô 2 tầng với kinh phí đầu tư khoảng hơn 15 tỷ đồng. Để phục vụ cho việc xây lại chợ, từ ngày 19-7-2012, chợ tạm An Hải Đông (cách chợ cũ gần 1 km) đã đi vào hoạt động với khoảng hơn 200 hộ kinh doanh, sau hơn 1 tháng hoạt động, cơ bản các ngành hàng kinh doanh đã sắp xếp xong và đi vào ổn định. Tuy nhiên, ngay sau đó tại tuyến đường chính dẫn vào chợ cũ (kiệt  38, 54- Lê Hữu Trác, Đà Nẵng) và một phần  đường Nguyễn Duy Hiệu, một số người dân có nhà dọc hai bên đường vẫn tiếp tục buôn bán, không những thế họ còn cho nhiều người khác sử dụng phía trước phần nhà, sân của mình, chiếm dụng một phần lòng đường để bán hàng rồi thu tiền. Đó là chưa kể hàng chục người khác kinh doanh theo kiểu di động, với những xe máy chất đầy hàng hóa, tràn đầy ra đường kiệt để mời chào khách hoặc đứng bán hàng ngay giữa đường... lúc cao điểm lên đến gần 100 người bán hàng với đủ các loại hàng hóa. Cảnh mua bán xô bồ tại điểm chợ tự phát này làm cho tình hình càng thêm phức tạp, cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường. Trước những phức tạp này, BQL chợ loại 2 Q. Sơn Trà đã đề nghị UBND quận chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp kiên quyết nhằm đẩy đuổi, ngăn chặn việc buôn bán ở các địa điểm trên để bà con ở chợ tạm An Hải Đông yên tâm kinh doanh và chấp hành các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Trả lại sự thông thoáng cho tuyến đường K54 Lê Hữu Trác. 

Quyết liệt giải quyết chợ tự phát

Trước tình trạng phức tạp này, theo chỉ đạo của UBND Q. Sơn Trà,  Đội kiểm tra quy tắc đô thị (KTQTĐT) quận đã xây dựng kế hoạch phối hợp với CA và các lực lượng của P. An Hải Đông, lực lượng bảo vệ chợ  ra quân lập lại TTATGT, TTĐT và vệ sinh môi trường tại các kiệt 38, 54- Lê Hữu Trác và đường Nguyễn Duy Hiệu từ ngày 17-7 đến 30-9-2012. Chủ trương này được triển khai đến chi bộ khu dân cư và tổ dân phố để vận động và gửi thông báo đến từng hộ dân tại các khu vực trên. Để bà con có thời gian tự sắp xếp công việc kinh doanh, buôn bán của mình, thời gian đầu, lực lượng phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về TTATGT, TTĐT, nhắc nhở các hộ còn vi phạm. Đối với các hộ dân có nhà và đang kinh doanh tại các tuyến đường này thì yêu cầu sử dụng đúng phần diện tích nhà, đất của mình, không được trưng bày hàng hóa ra vỉa hè, lòng đường hoặc cho người từ nơi khác đến thuê ngồi trước nhà mình, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán. Quá trình giải quyết TTCC, TTGT ở khu vực chợ An Hải Đông cũ thời gian đầu khá căng thẳng, lực lượng làm nhiệm vụ luôn phải đối mặt với sự chống đối, giằng co, thậm chí chửi bới, nhục mạ của những người vi phạm. Điển hình của sự chống đối phải kể đến vụ ngày 31-8-2012, trong lúc lực lượng KTQTĐT đang làm nhiệm vụ tại K54 Lê Hữu Trác, phát hiện hộ bà Nguyễn Thị Như Hoa, chủ hộ kinh doanh tạp hóa để một số hàng hóa lấn chiếm lòng đường, sau nhiều lần nhắc nhở bà Hoa vẫn không chấp hành, lực lượng kiểm tra đã thu giữ những kệ hàng vi phạm. Bà Hoa phản ứng và giằng co với lực lượng quy tắc làm một số loại hàng như: hành, tỏi, trứng rơi xuống đường, một số bị dập vỡ. Sau đó bà Hoa đã điện thoại cho chồng và 2 con trai về, xông vào đánh các thành viên tổ quy tắc làm 3 người bị thương. Chồng bà Hoa còn dùng cây gỗ đập phá làm hư hỏng một số bộ phận xe ô-tô của đội quy tắc. CAQ Sơn Trà đã củng cố hồ sơ, khởi tố đối tượng Lâm Xuân Triều (1984, con bà Hoa) về hành vi cố ý gây thương tích.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi vụ này bị xử lý kiên quyết, cũng như sự có mặt thường xuyên, tích cực của lực lượng KTQTĐT Q. Sơn Trà, những phức tạp ở khu vực chợ An Hải Đông cũ từng bước được  tháo gỡ, tình trạng vi phạm TTCC, TTATGT giảm khoảng 60% so với thời gian trước. Nhiều người bán hàng rong, bán hàng di động do bị đẩy đuổi gắt gao, không bán được hàng nên đã chọn cách vào bán ở chợ tạm. Những hộ kinh doanh dọc các tuyến đường K54, K38 Lê Hữu Trác, Nguyễn Duy Hiệu cũng thu gọn hàng hóa vào trong phạm vi nhà, đất của mình, không để lấn xuống lòng đường, đường phố thông thoáng, sự đi lại của người dân thuận tiện hơn. Những kết quả ban đầu này tuy đáng mừng nhưng cái khó là làm sao để duy trì thường xuyên mà không cần đến lực lượng KTQTĐT,  làm sao để việc chấp hành những quy định của pháp luật và của địa phương trở thành sự tự giác của mỗi người dân.

Bài, ảnh: M.Hằng