Quyết liệt nhiều giải pháp phòng chống dịch Covid-19

Thứ hai, 30/03/2020 08:45

Tuân thủ tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và khuyến cáo của chính quyền thành phố, trong 2 ngày 28 và 29-3, nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Đà Nẵng đã đồng loạt đóng cửa, tạm ngừng hoạt động nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người. Bên cạnh đó, người dân cũng đã hạn chế ra đường nhằm chung tay vì cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh...

Người dân đến BV Đà Nẵng khám bệnh đều được kiểm tra thân nhiệt.

* Ngày 29-3, Bs.Ck 2 Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, đã yêu cầu Trung tâm y tế (TTYT) các quận, huyện tổ chức điều tra danh sách người bệnh cư trú tại Đà Nẵng có tham gia khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10-3-2020 đến ngày 26-3-2020. Tùy theo kết quả điều tra của từng trường hợp sẽ được thực hiện cách ly theo quy định. Cụ thể: đối với trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân xác định thì cách ly tại cơ sở y tế; đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ và trường hợp liên quan khác thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Sở Y tế cũng giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thực hiện xét nghiệm cho các trường hợp này.

L.H

Tạm dừng hoạt động phục vụ ăn uống tại chỗ

Từ sáng 28-3, hầu hết các cơ sở kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ đều chủ động đóng cửa, treo biển tạm dừng hoạt động… Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, quán ăn đã chủ động tìm các giải pháp, thay đổi hình thức kinh doanh như bán hàng mang đi hoặc giao tận nơi nhằm tuân thủ các quy định về hạn chế tiếp xúc ở khoảng cách gần. Một chủ quán cà-phê trên đường Phan Châu Trinh (Q. Hải Châu) cho biết: Mặc dù việc đóng cửa quán sẽ khiến tình hình kinh doanh của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là hành động cần thiết trong thời gian này. Vì vậy, tôi sẵn sang thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, vì cộng đồng chung tay chống dịch”.

Tuy nhiên, ngoài những cơ sở kinh doanh, dịch vụ tuân thủ dừng hoạt động hoặc hạn chế tối đa thì vẫn còn một bộ phận chưa thực hiện nghiêm. Cạnh đó, không ít người, đặc biệt là thanh thiếu niên vẫn còn chủ quan tụ tập ở các quán cà-phê. Điều này ảnh hưởng tới chủ trương rà soát, khoanh vùng, xác định các nguy cơ bùng phát dịch. Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân hạn chế đến mức tối thiểu để tự tạo “hàng rào an toàn” cho bản thân và cộng đồng.

Ngày 29-3, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 1959/UBND-VHXH yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, khẩn trương phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tạm dừng hoạt động phục vụ ăn uống tại chỗ đối với các hình thức kinh doanh ăn uống từ 15 giờ ngày 29-3-2020 đến hết ngày 15-4-2020; đồng thời, khuyến khích thực hiện bán qua mạng, bán mang đi đảm bảo an toàn thực phẩm để tiểp tục phục vụ nhu cầu người dân thành phố. UBND các quận, huyện có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện tạm dừng hoạt động phục vụ ăn uống tại chỗ đối với các hình thức kinh doanh ăn uống trên địa bàn quản lý và xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền trong quá trình thực hiện.

Rà soát, quản lý người từ các địa phương có dịch

Cũng trong ngày 29-3, Văn Phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND TP Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo UBND TP đã ký Công văn số 1958/UBND-VHXH về việc rà soát, quản lý người từ các địa phương có dịch. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện khẩn trương yêu cầu UBND các xã, phường chủ trì, phối hợp với Công an khu vực chỉ đạo các thôn, tổ dân phố thường xuyên rà soát, cập nhật, tổng hợp danh sách, địa chỉ công dân từ các địa phương có dịch đến Đà Nẵng và phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, CATP và các đơn vị liên quan thực hiện việc khuyến cáo hạn chế di chuyển, hướng dẫn theo dõi, sức khỏe, hướng dẫn thực hiện khai báo y tế bắt buộc và triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định đối với công dân từ các địa phương có dịch đến Đà Nẵng; kịp thời phát hiện các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 để thực hiện cách ly theo đúng quy định.

Cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng cũng đã yêu cầu Sở Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khẩn trương thực hiện chủ trương tạm dừng hoạt động tại bãi biển công cộng trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, UBND TP cũng chỉ đạo tạm dừng các hoạt động đi lại, tham quan lên bán đảo Sơn Trà và đóng cửa khu du lịch tâm linh Chùa Linh Ứng Sơn Trà kể từ sáng 28-3 cho đến khi có thông báo trở lại.

Tạm dừng việc thăm bệnh nhân đang điều trị nội trú tại các bệnh viện

Chiều 29-3, Bs.Ck 2 Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, bắt đầu từ 0 giờ ngày 30-3-2020 đến ngày 15-4-2020 tạm dừng việc thăm bệnh nhân đang điều trị nội trú tại các bệnh viện. Theo đó, mỗi bệnh nhân nội trú chỉ được 1 người chăm sóc trực tiếp. Người này sẽ thực hiện tờ khai y tế bắt buộc và được phát phiếu “người thăm bệnh”. Ngoài ra, người chăm sóc trực tiếp hạn chế đi ra ngoài bệnh viện trong thời gian ở lại chăm sóc bệnh nhân. Các bệnh viện thực hiện bố trí giãn giường bệnh trong điều kiện có thể; tăng tần suất vệ sinh, khử khuẩn môi trường bề mặt bằng dung dịch Chloramin B hoặc các dung dịch sát khuẩn được Bộ Y tế cấp phép tại các khu vực, vị trí nguy cơ cao... Song song đó, Sở Y tế cũng khuyến cáo các phòng khám tư nhân tạm dừng việc khám, chữa bệnh đến ngày 15-4-2020, đặc biệt đối với các phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt. Nếu tổ chức khám, chữa bệnh, yêu cầu các cơ sở thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định (đảm bảo khoảng cách, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ đảm bảo chất lượng: khẩu trang, tấm ngăn che mặt, găng tay, dung dịch sát khuẩn,…). Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị liên quan giám sát y tế đối với công dân đến thành phố Đà Nẵng từ các địa phương có ca bệnh lây lan thứ phát tại cộng đồng (Hà Nội, Hồ Chí Minh…).

Trước đó, chiều 28-3, UBND TP Đà Nẵng có Công văn số 1957/UBND-VHXH về việc người dân không tích trữ, tự ý mua thuốc dự phòng Covid-19. Theo đó, UBND TP đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở TT-TT, UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan khẩn trương tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết việc sử dụng thuốc Hydroxychloroquine và Azithromycin (thuốc chỉ bán và sử dụng khi có đơn thuốc) để điều trị bệnh do SARS-CoV-2 có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng, tử vong; không tích trữ, không tự ý sử dụng các thuốc nêu trên khi không có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, UBND các quận, huyện khẩn trương nghiêm túc thực hiện các quy định của Bộ Y tế về chống đầu cơ, tích trữ, tăng giá thuốc; xử lý nghiêm các trường hợp bán lẻ thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc của bác sĩ.

LÊ HÙNG

* Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 (BCĐ) tỉnh TT-Huế, đến hết ngày 28-3, số lượng bệnh nhân dương tính Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTƯ) Huế cơ sở 2 là 3 bệnh nhân.  Số lượng người Việt Nam từ Lào về đang được cách ly tập trung là 3.757 người. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng cần tăng cường cơ sở vật chất, sẵn sàng quy mô đảm bảo 8.500 giường (dự phòng cho đến 10.000 giường) để đón người Huế từ Lào về.  Đến thời điểm hiện tại, tỉnh TT-Huế đã lấy mẫu xét nghiệm (XN) 824 trường hợp (739 mẫu lần 1 và 85 mẫu lần 2). Kết quả XN lần 1, có 2 trường hợp dương tính, 577 trường hợp âm tính và 160 trường hợp đang chờ kết quả; XN lần 2: có 57/85 mẫu âm tính, 28 mẫu chờ kết quả. Ông Nguyễn Đình Bách- Phó Chánh văn phòng tỉnh TT-Huế cho biết, có 7 người của TT-Huế đến khám bệnh tại bệnh viện Bạch Mai đã được xác minh (3 người về Huế, số còn lại về các tỉnh khác). Đối với những trường hợp này đều được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

HẢI LAN