Ra Côn Đảo gặp cựu tù đất Quảng

Thứ bảy, 11/06/2022 17:17
Mới đây, theo đoàn công tác Sở Lao động thương binh & xã hội tỉnh Quảng Nam, chúng tôi có dịp ra Côn Đảo, đến thăm một cựu tù đất Quảng hiện sinh sống tại đây. Ông là Nguyễn Xuân Viên (1944), quê Quế Long, huyện Quế Sơn (Quảng Nam), nguyên du kích đất Quảng những năm kháng chiến chống Mỹ giành độc lập dân tộc.
Du khách đến thăm di tích được mệnh danh “địa ngục trần gian” ở Côn Đảo.
Ông Nguyễn Xuân Viên - Cựu tù Côn Đảo (người đứng giữa, áo xanh) chụp ảnh chung với đoàn cán bộ Sở LĐ-TBXH Quảng Nam.

Ký ức chẳng thể nào quên

Khi chúng tôi đến thăm, ông mới ốm dậy. Xúc động vì được gặp đồng hương khiến ông như khỏe ra. “Cũng rất lâu rồi mới có đoàn khách từ đất liền, từ Quảng Nam ra thăm Côn Đảo”- nắm tay chúng tôi, ông Viên xúc động thổ lộ. Nhắc lại những năm tháng chiến tranh, ký ức như chiếc lò xo làm bật dậy những mạch nguồn cảm xúc trong ông.

Theo lời ông Viên, ông tham gia du kích sau chiến thắng Núi Thành ta đánh Mỹ và thắng Mỹ. Năm Mậu Thân 1968, không may ông rơi vào tay giặc. Biết ông vừa du kích vừa là cơ sở cách mạng nhận lãnh nhiều chủ trương quan trọng từ cấp trên nên địch tra tấn rất dã man hòng tìm ra những cơ sở cách mạng, nhưng không moi được gì từ ông. Từ Quảng Nam, chúng đày ông cùng một số đồng đội vô nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa, Đồng Nai). Một năm sau, chúng đưa ông vào khám lớn Chí Hòa (Sài Gòn) rồi lại trả về nhà lao Tân Hiệp. Theo lời ông Viên, chúng có ý định giao lại cho Việt Nam cộng hòa để bắt đi lính nhưng ông không chịu. Điên tiết trước tên “du kích quân mang tinh thần cộng sản cứng đầu”, địch quyết định đày ông ra Côn Đảo. Chuyến đày ải kinh hoàng đó, đến giờ ông Viên còn nhớ như in. “Sau những đòn tra tấn dã man, bọn chúng bịt mắt, nhét giẻ vào miệng, trói chân tay rồi khiêng tôi đổ dồn xuống tầng hầm một con tàu đày ra Côn Đảo, đối xử còn tệ hơn cả súc vật. Tàu ra đến nơi, tôi bị tống ngay vào “chuồng cọp”, tiếp tục đón nhận những đòn tra tấn mới”- ông Viên hồi nhớ lại.

Tội tù của ông Viên nằm trong dạng tù chính trị câu lưu. Đây là loại tù đặc biệt tại Côn Đảo, bởi các tù nhân không thể kết tội, không án tiết, nhưng giam giữ thì vô thời hạn. Mặc dù, danh nghĩa tù chính trị câu lưu bị giam giữ tối đa hai năm, nhưng trên thực tế có người bị giam giữ án tù chung thân như ông Viên cho đến ngày ta giải phóng miền Nam, giải phóng Côn Đảo mới được ra tù. Rất nhiều người trong số đó đã anh dũng hy sinh để bảo vệ khí tiết cách mạng…

Đưa tay lên đầu như phản xạ để nhắc nhớ vết thương từ “chuồng cọp”, ông Viên trầm tư: Nhắc đến nhà tù Côn Đảo không thể không nói đến “chuồng cọp”. Tại đây có “chuồng cọp” kiểu Pháp và “chuồng cọp” kiểu Mỹ. Mỗi buồng giam “chuồng cọp” có kích thước cỡ 1,5m x 2,7m, giam từ 5 đến 12 người, chân bị còng vào một thanh sắt, việc ăn uống và vệ sinh cá nhân đều tại chỗ. Bên trên, cai ngục đi dọc hành lang để theo dõi, kiểm soát người tù, trên tay luôn cầm gậy sắt dài nhọn sẵn sàng chọc xuống tù nhân nào chống đối. Bên trên mỗi buồng giam đều có 1 thùng nước bẩn, 1 thùng vôi bột. Khi tù nhân có dấu hiệu phản đối, cai ngục rắc vôi bột làm mù mắt tù nhân. Tù nhân bị giam trong chuồng cọp bị tra tấn dã man, nào đóng đinh vào tay, chân, đục răng đến thiêu sống, chôn sống...

Ngoài ra, cai ngục còn có những hình thức tra tấn không cần đánh đập nhưng vô cùng tàn độc như không cho tù nhân ăn muối khiến mắt họ mờ dần, đến khi bị mù thì đem giết; hay úp các thùng phuy lên đầu tù nhân rồi gõ mạnh vào thùng khiến tù nhân đau đầu dẫn đến bị điếc. Ở đây còn có 60 phòng giam không có mái che được gọi là phòng tắm nắng- nơi dùng để hành hạ bằng cách bắt người tù phơi nắng, phơi mưa… “Sức mạnh của anh em bạn tù chúng tôi lúc đó là ý chí, niềm tin vào cách mạng sẽ tất thắng. Tấm gương các đồng chí trong tù lớp trước lớp sau, truyền lại cho nhau như động lực niềm tin để chúng tôi đấu tranh quyết không khai, chống ly khai, bảo vệ mình và đồng đội”- ông Viên thổ lộ thêm.

Du khách đến thăm di tích được mệnh danh “địa ngục trần gian” ở Côn Đảo.

Chọn Côn Đảo làm chốn quê nhà

Sau gần chục năm bị địch tù đày “thừa chết, thiếu sống” ở Côn Đảo, ngày đất nước thống nhất, trong niềm vui khôn xiết, ông tìm về lại quê nhà trong sức tàn lực kiệt. Quê nhà đâu đâu cũng hoang tàn, đổ nát. Những người thân ruột rà trong gia đình không còn ai, nhiều người thân tham gia cách mạng cũng ngục tù, hy sinh. Tại quê nhà, duyên nợ cho ông gặp bà Nguyễn Thị Tư - người con gái cùng quê, là cơ sở cách mạng trong chiến tranh. Bà Tư đem lòng yêu thương ông Viên dù ông đã thật lòng khuyên: “Em đừng lấy anh, vì sức khỏe anh chỉ còn phân nửa, công việc nặng nhọc làm sao em gánh được”…

Giữ lời hứa với một số đồng đội, sau cưới, ông Viên đưa vợ trở lại Côn Đảo với mong muốn góp chút sức mình xây dựng lại vùng đất từng gánh chịu quá nhiều đau thương. Trở lại Côn Đảo, ông làm công việc ở Bảo tàng Côn Đảo đến ngày nghỉ hưu. Họ có với nhau 3 mặt con, người làm bác sĩ, người làm bên đài truyền thanh, truyền hình, người làm ở bưu điện…

Niềm an ủi, niềm vui của ông bà ở tuổi xế chiều là thi thoảng có các đoàn cán bộ, cựu tù cả nước ra Côn Đảo, ghé đến thăm. “Đồng đội ông Viên cùng khu trại tù chừ nằm ở khắp nghĩa trang. Hằng năm đến ngày 20-6 âm lịch, trên đảo tổ chức giỗ chung cho người đã khuất”- bà Tư góp chuyện. Cũng theo lời bà Tư, vừa rồi, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa- cựu tù Côn Đảo ra đây, có ghé thăm vợ chồng ông và dặn dò: "Anh ráng sống thêm nha, em còn ra thăm nữa”. Vợ chồng tôi không cầm được nước mắt. Chừ ông yếu quá…không biết khi mô”- bà Tư xúc động thổ lộ. Nghe vợ nói vậy, ông Viên vội nói: “Bà phải lạc quan lên”, rồi quay sang hỏi chúng tôi: “Anh em đã ra nghĩa trang Hàng Dương chưa? Đó là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ. Ở đó có phần mộ của nhà chí sĩ Võ An Ninh, chị Võ Thị Sáu, nguyên Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Phong… Họ đã ra đi để Tổ quốc sống mãi muôn đời”.

Chia tay vợ chồng ông, trước khi rời Côn Đảo, chúng tôi viếng Nghĩa trang Hàng Dương, thăm di tích “chuồng cọp” để lại được nghe kể về những câu chuyện lịch sử hào hùng của mảnh đất từng được ví “địa ngục trần gian” suốt hơn 1 thế kỷ (113 năm, từ 1862-1975); để càng thấu hiểu hơn giá trị hòa bình, độc lập - tự do của đất nước hôm nay được xây đắp bằng sự hy sinh cao cả của lớp lớp cha anh đi trước, của những con người như ông Viên và những đồng đội, đồng chí của ông trên khắp mọi miền đất nước đã làm lên những huyền thoại bất tử giữa biển trời…

Võ Trường – Hoài Nhi

Côn Đảo - Tam Kỳ tháng 5-2022