Ra mắt “Giao cảm mùa thu” số 4
Sau các số 1, 2, 3, Giao Cảm mùa Thu số 4 năm 2024 – tên gọi tuyển tập thơ văn của cựu sinh viên Đại học Sư phạm Huế, do NXB Hội Nhà văn ấn hành, vừa ra mắt bạn đọc, bao gồm nhiều bài viết nghiên cứu khoa học chọn lọc trên các lĩnh vực: Giáo dục, Văn hóa, Lịch sử, Âm nhạc, Khảo cổ…, và đặc biệt hơn cả là Văn học (sáng tác, nghiên cứu phê bình, lý luận…). Tuyển tập được tổ chức nội dung bởi: Nguyễn Viết Kế, Hoàng Dục, Nguyễn Văn Gia, Hồ Sĩ Bình, Nguyễn Hữu Mừng, Đinh Tấn Phước.
Ngay phần đầu tiên, ở mảng giáo dục, qua bài viết “Đổi mới dạy và học toán ở bậc phổ thông”, tác giả Trần Dư Sinh đã đưa ra những đánh giá chung, nêu rõ: “Chương trình này vẫn đang còn nặng, gây quá tải cho người học. Bộ sách chuẩn dùng cho tất cả các đối tượng học sinh là không hợp lý. Không phải đối tượng nào cũng có thể học được chương trình Toán hiện nay, ví dụ học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa, học sinh có năng khiếu về xã hội thì hạn chế về tư duy Toán học… Điều đó khiến nhiều học sinh càng ngày càng không theo kịp, nên dẫn đến chán học, xảy ra hiện tượng ngồi nhầm lớp”, đồng thời đưa ra các đề xuất như: “Đổi mới dạy và học Toán phải bắt nguồn từ đổi mới “Triết lý giáo dục”, “Đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm”, “Đổi mới kiểm tra đánh giá”… Với bài viết “Bản chất của Đại học là hạnh phúc”, tác giả Lê Công Cơ nhấn mạnh: “Điều mà chúng tôi luôn ước vọng là ngọn đuốc của tinh thần đại học phải luôn thắp sáng, giữ gìn. Đó là con đường duy nhất để đại học trở thành mảnh đất ươm mầm hạnh phúc. Và đó là lý do chúng tôi kiên định chọn để tiếp tục trao truyền khát vọng Duy tân cho thế hệ mai sau”.
Ở lĩnh vực lịch sử, với các bài viết: “Tiếng vọng của quốc hiệu Việt Nam trong lịch sử” của Nguyễn Xuân Hoa, “Thử tìm tông tích vị tướng Tây Sơn tử trận ở làng Mỹ Lợi, Thừa Thiên - Huế” của Trần Viết Điền…, và một số bài viết về các đề tài thiết thực phong phú khác của các tác giả: Hoàng Kim Khánh, Nguyễn Vạn Phú, Võ Kim Cương, Phạm Thị Anh Nga, Huỳnh Ngọc Trảng… đã đưa ra nhiều thông tin thú vị, hấp dẫn, mới lạ.
Đáng chú ý, Đại học Sư phạm Huế vốn là ngôi trường suốt nhiều thập niên qua, từng là nơi xuất thân của nhiều nhà văn tên tuổi cả nước như: Túy Hồng, Nguyễn Mộng Giác, Trần Quang Long, Ngô Kha, Bảo Cự, Trần Hữu Lục, Trần Thùy Mai, Tần Hoài Dạ Vũ, Đông Trình, Quế Hương… nên phần sáng tác văn nghệ ở Tuyển tập Giao cảm mùa thu 2024 tập trung nhiều tác giả đương thời với các bài viết nổi trội. Đó là Vĩnh Quyền với bút ký “Ghi bên sông các vì vua”, kể lại câu chuyện tác giả nhận Giải thưởng Đông Nam Á 2021 cho tiểu thuyết “Trong vô tận” tại Thái Lan.
Trong đó, có đoạn: “Đây là giải thường niên, thành lập năm 1979, do Hoàng gia Thái Lan chủ xướng và chủ trì, các nước tự đề cử nhà văn có tác phẩm xuất sắc hàng năm. Giải thưởng gồm Biểu chương chứng nhận (token) của Hoàng gia và 70.000 baht, tướng đương 2.000 USD. Việt Nam tham gia từ 1996, mở đầu với nhà thơ Tố Hữu”. Hồ Sỹ Bình qua tản văn “Mùa thu không rụng lá ngô đồng” kể lại câu chuyện từ những ngày ở Trung Quốc, bỗng gặp lại kỷ niệm “về những ngày tháng cũ ở Huế cùng người bạn trong sự mê mải về loài cây ngô đồng và miền cổ thi đầy say đắm huyền hoặc”. Nguyễn Thị Hòa trong một lần về Huế sau gần nửa thế kỷ xa cách, đã bày tỏ nỗi tiếc nhớ về những cánh hoa trắng trong vườn cũ qua bài viết “Hoa trắng trong vườn cũ”, với những loài hoa mang tên: Hoa lùng dong, hoa dành dành, hoa lá vằng, hoa tỏi lơi, hoa nguyệt quế… với những hoài niệm là những hình ảnh và mùi hương của một thời còn thanh khiết!
Phần truyện ngắn có sự góp mặt của các tác giả Lê Thí, Trần Thùy Mai, Lê Hoành Phò, Vương Hoảng Uyên, Nguyễn Thị Duyên Sanh, Hương Thủy…thơ gồm các tác giả: Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Huỳnh Ngọc Phiên, Nguyễn Hoàng Thọ, Trần Hoàng Phố, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Văn Gia, Huỳnh Túy Hoa, Võ Thị Như Mai…
Ở mảng nghiên cứu phê bình, lý luận có các bài viết giới thiệu tác giả - tác phẩm của Hồ Sỹ Bình về nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ (Tần Hoài Dạ Vũ và những chặng đường thơ), Nguyễn Minh Hùng về nhà thơ Nguyễn Hoàng Thọ (Trong ngăn kéo thời gian), Đặng Văn Sinh về nhà thơ Đinh Tấn Phước (Đinh Tấn Phước, Bóng thức – những hạt bụi bay), Tống Văn Thụy về tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (Ngày Xuân đọc Mẫu Thượng Ngàn), Ngô Thời Đôn về thơ Miên Thẩm (Về xuân thơ Miên Thẩm), và các tác giả Hoàng Dục, Huỳnh Văn Hoa, Hoàng Như Phương, Nguyễn Phú Yên, Nguyễn Thị Thu Thủy… với nhiều chủ đề bạn đọc quan tâm.
Hòa chung cùng niềm vui ấn phẩm “Giao cảm mùa thu” vừa ra mắt, nhà văn Vĩnh Quyền đã chia sẻ: “Mùa nối mùa đi. Bốn mùa gần đây, đời sống tinh thần của mình cài thêm khoản chờ ấn phẩm xuất bản định kỳ theo mùa của cựu sinh viên Đại học Sư phạm Huế. Hết ba hôm mới đọc xong 310 trang “Giao cảm mùa thu” 2024. Từ nghiên cứu giáo dục, văn hóa, lịch sử, khảo cổ, âm nhạc, dịch thuật đến truyện ngắn, bút ký, thơ…”. Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm thực hiện Tuyển tập “Giao cảm mùa thu” đã duy trì ấn phẩm ra mắt định kỳ đều đặn trong thời gian qua. Ông cũng đề nghị các bạn đồng môn cựu sinh viên Đại học Sư phạm Huế cũng như anh em văn nghệ sĩ, bạn đọc thân quen mọi miền đất nước đóng góp nhiều hơn nữa về nội dung và công tác phát hành để Tuyển tập ngày càng vững mạnh và phát triển.
Trần Trung Sáng