Robot bảo vệ môi trường
Không chỉ biết thu gom, phân loại rác như một thùng rác thông thường, chú robot phiên bản hiện đại vừa được một nhóm sinh viên theo học tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng chế tạo thành công còn biết trò chuyện, giải đáp mọi thắc mắc của du khách. Sứ mệnh của chú robot được nhóm sinh viên gửi gắm là truyền đi thông điệp xanh, chung tay vì môi trường sống trong lành và vì một đại dương không rác thải nhựa.
Nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng bên chú robot Biya. |
Chú robot thông minh tên Biya, có “cha đẻ” là nhóm gồm sinh viên theo học các ngành nghề khác nhau tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Trịnh Thanh Phú (sinh viên năm 4, khoa Công nghệ thông tin) – thành viên nhóm chia sẻ, nhóm chúng mình lấy tên STORM, là tập hợp của những bạn đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Từ những bài học ở giảng đường, nhóm mong muốn hiện thực hóa thành những sản phẩm hữu ích, phục vụ cộng đồng, xã hội. “Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, những sản phẩm robot thông minh không còn quá xa lạ với chúng ta. Một sản phẩm robot thân thiện, vì môi trường để chung tay cùng mọi người bảo vệ cuộc sống xanh là điều đầu tiên nhóm muốn làm”, Phú cho hay.
Cũng theo Phú, chú robot Biya là sản phẩm được cả nhóm dày công nghiên cứu. Mục đích ban đầu là để thu gom, phân loại rác. Sau đó, cả nhóm nâng cấp lên phiên bản 4.0 với tính năng trò chuyện, giải đáp thắc mắc. “Robot càng thông minh đòi hỏi chúng mình càng gặp những khó khăn, vất vả để “nạp” vào bên trong những dữ liệu cần thiết để nó hoạt động trơn tru, hiệu quả. Hiểu một cách nôm na là bên trong chúng có phần mềm nhận biết những thắc mắc mà con người trình bày bằng lời nói. Dạng như, “Muốn du lịch Bà Nà đi đường nào?”, “Hướng nào có biển?, “Đà Nẵng có gì ngon?”, “Cù Lao Chàm cách Đà Nẵng bao xa?”… Những thắc mắc của du khách đều được robot giải đáp chính xác nhất”, Phú nói và cho biết thêm, để làm được điều đó, nhóm của Phú đã “dạy” cho robot học ngôn ngữ bằng trí tuệ nhân tạo. Mỗi ngày, các thành viên trong nhóm đều tự lên những câu hỏi, thắc mắc mà du khách có thể hỏi, “dạy” cho robot “học” rồi giúp robot trả lời. Những câu hỏi có những từ khóa nhất định, nếu du khách hỏi trùng khớp khoảng 80% câu hỏi mà robot đã được “học”, nó sẽ tự tin trả lời. Còn nếu chỉ trùng khớp khoảng 60% thì robot sẽ gửi dữ kiện về người quản lý để xác định câu hỏi có đúng hay không với nội dung đã lập trình sẵn. Hiện, nhóm đã “dạy” cho robot “học” hơn 1.000 câu hỏi khác nhau và con số này dự kiến sẽ tăng theo thời gian.
Các thành viên trong nhóm thổ lộ, với sản phẩm robot thông minh này, mục đích của nhóm không gì khác là gửi đến mọi người thông điệp hãy cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường. Robot thực tế chỉ là vật vô tri vô giác nhưng vẫn biết hành động vì môi trường sống của con người thì mỗi chúng ta không có lý do gì để không cùng hành động. Nếu mỗi người ý thức và cùng chung tay thì hành tinh sống sẽ luôn xanh – sạch – đẹp.
Robot Biya cũng đã giúp nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng đoạt giải Nhất tại chương trình “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) phát động. Chương trình khởi động từ tháng 7 trong khuôn khổ sáng kiến “Thanh niên với Đổi mới sáng tạo vì đại dương xanh” do UNESCO phát động với sự đồng hành của Quỹ Coca-Cola Foundation. Chương trình nhằm hỗ trợ các nhóm thanh niên và các nhà khoa học trẻ đề xuất sáng kiến, phát triển các giải pháp ứng dụng thực tiễn, góp phần giải quyết các vấn đề về thu gom, phân loại, xử lý, tái chế và tái sử dụng chất thải nhựa, bảo vệ môi trường biển. Với việc xuất sắc đoạt giải Nhất, nhóm nhận được 70 triệu đồng tiền thưởng để tiếp tục nghiên cứu, sớm hoàn thiện sản phẩm để ứng dụng vào thực tế.
“Giải nhất ở cuộc thi lớn là vinh dự và sự ghi nhận công sức của nhóm đã bỏ ra trong thời gian dài mày mò, nghiên cứu. Với số tiền thưởng nhóm sẽ dành để nâng cấp robot với những tính năng thông minh hơn. Đặc biệt là việc robot có thể hoạt động ở nơi công cộng, một môi trường có rất nhiều tiếng ồn. Sản phẩm mà nhóm vừa mang ra Hà Nội tham dự cuộc thi và đạt giải Nhất chỉ mới là phần “thô” khi nhóm không có nhiều kinh phí để đầu tư. Sắp tới, nhóm sẽ dồn lực nghiên cứu, sáng tạo để sớm giới thiệu robot phiên bản hoàn hảo nhất đến với tất cả mọi người”, Phú bộc bạch.
THÀNH DANH