Robot hỗ trợ cho khu cách ly
Được đánh giá có tính ứng dụng cao và rất thiết thực trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, sản phẩm "Robot điều khiển từ xa cho khu cách ly" do nhóm sinh viên đến từ Khoa Điện - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chế tạo vừa đạt Giải nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức.
Nhóm sinh viên Khoa Điện – Đại học Bách khoa Đà Nẵng giới thiệu về sản phẩm “Robot điều khiển từ xa cho khu cách ly".
Nhóm sinh viên gồm Phan Thị Mai, Nguyễn Văn Thuần và Nguyễn Đắc Quy dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Mai đã phải mất 8 tháng mày mò nghiên cứu mới chế tạo nên sản phẩm “Robot điều khiển từ xa cho khu cách ly". Nói về mục đích nghiên cứu của nhóm, Mai cho hay, xuất phát từ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, nhóm nhận thấy các y bác sĩ cùng nhân viên y tế đã phải làm việc hết sức vất vả và luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm từ virus gây bệnh. “Ý tưởng của nhóm là nghiên cứu chế tạo nên robot giúp các y bác sĩ, nhân viên y tế vơi bớt khó khăn, vất vả trong việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 cũng như việc hỗ trợ những trường hợp cách ly. Bên cạnh đó, việc bảo vệ an toàn cho đội ngũ tuyến đầu này cũng là một trong những điều quan trọng nhất”, Mai nói.
Sau khi có ý tưởng, cả nhóm bắt tay ngay vào việc cụ thể hóa nó. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, công việc của nhóm gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh khó khăn về mua dụng cụ lắp ráp robot do dịch bệnh các cửa hàng đóng cửa, một thành viên của nhóm còn bị mắc COVID-19 phải đi điều trị. “Càng khó khăn, nhóm càng có thêm động lực để hoàn thành mục tiêu. Khi nhóm không thể làm việc trực tiếp cùng nhau thì chúng mình chuyển sang làm việc online. Mừng là, sau nhiều cố gắng, nỗ lực, sản phẩm cũng hoàn thành và được đánh giá cao”, Mai kể.
Nói về thành phẩm của mình, Thuần cho rằng, thực ra mô hình robot không mới nhưng “Robot điều khiển từ xa cho khu cách ly” được đánh giá cao là vì sát với thực tiễn cuộc sống và có thể nhân rộng. Nguyên lý hoạt động của robot cũng hết sức đơn giản. Thông qua điều khiển bằng tay hoặc điều khiển qua ứng dụng trên điện thoại di động, robot sẽ hoạt động theo ý muốn của con người. Robot được trang bị hệ thống giám sát thông qua wifi, hỗ trợ camera và loa để theo dõi hình ảnh và phát thanh từ xa giúp y bác sĩ, nhân viên y tế giao tiếp với bệnh nhân. Robot còn có các cảm biến phát hiện vật cản ở xung quanh để tránh va chạm và thời gian hoạt động dài (khoảng 12 giờ liên tục sau mỗi lần sạc đầy ắc-quy).
“Robot này có thể di chuyển lên dốc với độ cao tối đa 30 độ và có trọng tải 90kg. Điều này có thể giúp các y bác sĩ, nhân viên y tế dễ dàng đưa trang thiết bị, thức ăn, thuốc men… cho bệnh nhân hoặc các trường hợp đang cách ly mà không cần tiếp xúc trực tiếp”, Thuần cho hay.
Hiện nay, robot đang hoạt động thử nghiệm tại Bệnh viện Hòa Vang – một trong những nơi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng và được đánh giá cao. Theo nhóm sáng chế, thời gian tới các thành viên sẽ tập trung nghiên cứu thêm để sản phẩm tối ưu hơn nữa. Trong đó nhóm sẽ hoàn thiện robot theo hướng tự động hóa hoàn toàn. Bên cạnh, nhóm sẽ trang bị thêm cho robot phần tự khử khuẩn để đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất trong môi trường có nguy cơ cao về dịch bệnh.
T.D